Cổ tức ngân hàng: 'Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng'

Bên cạnh những ngân hàng chia cổ tức 'khủng', cũng có không ít nhà băng không chia cổ tức năm 2024, cho dù kinh doanh có lãi.

Chia cổ tức là một trong những vấn đề được cổ đông ngân hàng quan tâm

Chia cổ tức là một trong những vấn đề được cổ đông ngân hàng quan tâm

Nói không với cổ tức

Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2025 của ABBank (mã chứng khoán ABB) mới diễn ra, cổ đông ngân hàng này đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 với việc không chia cổ tức năm 2024, mà để lại toàn bộ số lợi nhuận còn lại chưa phân phối nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.

Năm 2024, lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ là 470,4 tỷ đồng, cộng với lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng, tổng lợi nhuận chưa phân phối của ABBank tính đến cuối năm trước đạt 2.311 tỷ đồng (chưa tính các quỹ dự trữ tăng vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính đã thực hiện trích lập).

Tại SeABank (mã chứng khoán SSB), lợi nhuận còn lại sau khi nộp thuế và trích lập các quỹ năm 2024 là 3.625 tỷ đồng; lợi nhuận chưa phân phối lũy kế còn lại sau khi trích lập các quỹ là 3.743 tỷ đồng. SeABank cho biết, phần lợi nhuận chưa phân phối lũy kế còn lại sau khi trích lập các quỹ năm 2024 sẽ được giữ lại, không chia cổ tức nhằm tăng cường năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn kinh doanh thời gian tới.

Trong năm 2025, SeABank tiếp tục có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 28.450 tỷ đồng lên 28.650 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Cụ thể, ngân hàng này dự kiến phát hành 20 triệu cổ phần ESOP, tăng vốn điều lệ thêm 200 tỷ đồng. Giá phát hành do Hội đồng quản trị quyết định, nhưng không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Đối tượng được mua là các thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, cán bộ quản lý, người lao động và các công ty con của SeABank theo danh sách và tiêu chí do Hội đồng quản trị quyết định. Ngoài ra, SeABank cũng sẽ phát hành tối đa 20% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm chào bán cho đối tác chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thông qua việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ.

Năm 2025, SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.458 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2024; lợi nhuận sau thuế đạt 5.158 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 10% lên 358.268 tỷ đồng; tăng trưởng nguồn vốn huy động dự kiến là 16%. Tăng trưởng tín dụng của SeABank được định hướng đạt 15%.

Tương tự, Eximbank (mã chứng khoán EIB) ghi nhận lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ của năm 2024 là 2.431 tỷ đồng, lợi nhuận lũy kế chưa phân phối tính đến cuối năm qua là 2.526 tỷ đồng. Tuy vậy, Ngân hàng cho biết, sẽ không chia cổ tức năm 2024 để củng cố năng lực tài chính. Trước đó, năm 2023, cổ đông Eximbank nhận được cổ tức tiền mặt sau 10 năm liên tiếp không chia.

Hội đồng quản trị Eximbank sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu tổng tài sản đạt 265.500 tỷ đồng, tăng 10,7%; huy động vốn (bao gồm huy động vốn từ tổ chức kinh tế dân cư và phát hành giấy tờ có giá) đạt 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5%; dư nợ tín dụng đạt 195.500 tỷ đồng, tăng 16,2%; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng giảm 0,54% xuống còn 1,99%. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng và huy động vốn ở mức 2 con số, Eximbank kỳ vọng đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.188 tỷ đồng, tăng 23,8% (tăng 1.000 tỷ đồng) so với thực hiện năm 2024.

Chờ sau tái cấu trúc

Trước thềm ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 25/4/2025, Sacombank (mã chứng khoán STB) bất ngờ bổ sung phương án chia cổ tức, phát hành cổ phiếu thưởng.

Cụ thể, Sacombank sẽ trình phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động cũng như đáp ứng lợi ích của cổ đông, đồng thời phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ, nhân viên có lựa chọn. Nguồn vốn sử dụng từ lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế sau khi thực hiện phân phối lợi nhuận 2024. Năm qua, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 12.720 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 10.087 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, Ngân hàng còn hơn 7.013 tỷ đồng, cộng với 18.339 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại năm trước nữa, tổng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy đạt hơn 25.352 tỷ đồng .

Tuy nhiên, kế hoạch chia cổ tức của Sacombank phụ thuộc vào quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Sacombank cho biết, Ngân hàng đã sẵn sàng trong trách nhiệm và nghĩa vụ, chờ NHNN phê duyệt việc hoàn tất Đề án tái cơ cấu, sau đó sẽ tiến hành xử lý đấu giá 32% cổ phần liên quan đến ông Trầm Bê và chia cổ tức. Nếu được NHNN chấp thuận, Hội đồng quản trị Sacombank sẽ xây dựng phương án chi tiết, bao gồm tỷ lệ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức và tỷ lệ phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ, nhân viên Ngân hàng. Phương án chi tiết sẽ được lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trước khi triển khai thực hiện các thủ tục, hồ sơ xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hiện Sacombank đang trong quá trình tái cơ cấu và đến khi nào đề án tái cơ cấu được NHNN duyệt, đấu giá xong số cổ phần nêu trên sẽ chia cổ tức cho cổ đông. Theo bà Diễm, Hội đồng quản trị Sacombank rất thấu hiểu mong muốn của các cổ đông và đang nỗ lực làm việc với NHNN để được chia cổ tức. Mặc dù chưa được chia cổ tức, nhưng thị giá cổ phiếu STB trên thị trường chứng khoán đã tăng khá mạnh thời gian qua nên cũng phần nào bù đắp cho cổ đông.

Tính đến cuối năm 2024, vốn điều lệ của ngân hàng này đạt 18.852 tỷ đồng. Lần cuối cùng Sacombank ghi nhận vốn điều lệ tăng lên là vào năm 2015, sau thương vụ sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam. Trước đó, giải thích về việc 8 năm liền không chia cổ tức, ông Dương Công Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cho biết, Sacombank là ngân hàng tái cơ cấu, sáp nhập Ngân hàng Phương Nam. Hiện nay, Sacombank đã xử lý nợ xấu cơ bản và còn lại khoản duy nhất là phần cổ phiếu của ông Trầm Bê.

Sacombank đã trình lên NHNN cho phép ngân hàng mua lại và bán đấu giá, hiện đang chờ phê duyệt. Điều kiện để chia cổ tức là Ngân hàng phải tái cơ cấu thành công. Sacombank đã trích lập dự phòng 100% đối với dư nợ gốc của khoản nợ xấu trên, cũng như đã thoái hoàn toàn lãi dự thu từ cuối quý II/2022. Việc xét duyệt để Sacombank xử lý lô cổ phiếu của ông Trầm Bê cũng như ghi nhận hoàn thành tái cơ cấu cần có thời gian. Ngoài ra, đối với các khoản nợ liên quan tới Khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank đã bán đấu giá thành công sau 18 phiên đấu giá trong năm 2023, với giá bán là 7.934 tỷ đồng, cao hơn so với nghĩa vụ nợ của khách hàng. Đến nay, Sacombank đã thực thu hồi 1.587 tỷ đồng và dự kiến sẽ thu hồi đầy đủ trong năm nay.

Năm 2025, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện năm 2024. Đến cuối năm nay, tổng tài sản dự kiến ở mức 819.800 tỷ đồng, tăng 10%; trong đó, dư nợ tín dụng đạt 614.400 tỷ đồng, tăng 14% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với hạn mức được phân bổ. Nguồn vốn huy động dự kiến ở mức 736.300 tỷ đồng, cao hơn 9% so với cuối năm ngoái, trong khi tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%. Các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn tuân thủ theo quy định của NHNN.

Thùy Vinh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-tuc-ngan-hang-ke-dap-chan-bong-ke-lanh-lung-post368345.html
Zalo