Tỷ phú Trần Đình Long: Hòa Phát chưa sợ gì, chúng tôi mất dây thần kinh sợ rồi
Trả lời cổ đông về lo ngại thị trường cạnh tranh, tỷ phú Trần Đình Long nói Hòa Phát không sợ cạnh tranh, chưa sợ cái gì cả, chúng tôi 'mất dây thần kinh sợ rồi'.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 sáng 17/4, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), tỷ phú Trần Đình Long cam kết doanh nghiệp sẽ tăng trưởng mỗi năm 15%, và trong điều kiện thị trường bất ổn cũng không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.
Hòa Phát không sợ cạnh tranh, chưa sợ cái gì cả
Năm 2025, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 170.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2024 và lợi nhuận sau thuế cũng tăng đến 25%, đạt 15.000 tỷ đồng.
Chủ tịch Trần Đình Long khẳng định tập đoàn mạnh dạn xây dựng kế hoạch kinh doanh cao. Với lợi nhuận sau thuế 15.000 tỷ đồng thì mỗi quý phải hoàn thành gần 4.000 tỷ đồng; đó là con số rất cao, nhưng cũng vừa là thách thức vừa là cơ hội.

Chủ tịch Trần Đình Long chia sẻ tại với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 sáng 17/4. (Ảnh: HPG)
Trả lời những lo lắng của cổ đông khi siêu dự án thép 100.000 tỷ đồng ở Nam Định của tập đoàn Xuân Thiện sẽ làm thị trường thêm cạnh tranh, ông Trần Đình Long nói: "Hòa Phát không sợ cạnh tranh, chưa sợ cái gì cả. Chúng tôi mất dây thần kinh sợ lâu rồi”, Chủ tịch Trần Đình Long nói vui.
Ông nói Xuân Thiện là một câu chuyện dài kỳ. Nói chung câu chuyện của Thép Xanh Nam Định không đơn giản, có nhiều yếu tố ảnh hưởng bao gồm cả giá thành.
“Nhưng như thế không phải là chủ quan, chúng ta cần bình tĩnh đối phó. Tóm lại, để cạnh tranh với Hòa Phát là khó”, Chủ tịch Trần Đình Long nói.
Về những lo ngại thuế đối ứng của Mỹ, lãnh đạo Hòa Phát cho biết, thép Hòa Phát hiện xuất sang 40 nước trên thế giới. Thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 1%, và từ bất ổn thuế quan vừa qua, doanh nghiệp nhận thấy việc chia nhỏ thị trường rất quan trọng, sẽ giúp mức độ ảnh hưởng ít đi, tập đoàn có thời gian xoay chuyển sang thị trường khác.
Thực tế, ngành thép đã chịu thuế 232 từ cách đây vài năm, nên không chịu thêm thuế đối ứng. Hơn nữa, Mỹ cũng đã bỏ ưu đãi ngành thép cho một số doanh nghiệp Nhật, Hàn Quốc nên việc cạnh tranh cũng không lo ngại. Quý I năm nay, tập đoàn vẫn xuất được thép đi Mỹ.
Với tỷ trọng xuất khẩu, công ty luôn duy trì dưới 20%. Cũng có giai đoạn như 2024, khi thị trường trong nước khó khăn thì tỷ trọng xuất khẩu rất cao, tới 31%. Nhưng đây là giải pháp tức thời, còn nguyên tắc thì duy trì tỷ bán hàng ở ngưỡng 20%.
Thừa nhận ngành thép đang có quá nhiều thách thực, nhưng lãnh đạo Hòa Phát khẳng định các kế hoạch kinh doanh vẫn không đổi. Năm nay, tập đoàn sẽ vận hành ổn định lò số 1 của dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, tiếp tục đầu tư xây dựng để hoàn thành lò số 2 vào quý IV/2025.

Thừa nhận thị trường thép nhiều thách thức, nhưng lãnh đạo Hòa Phát không thay đổi các kế hoạch kinh doanh. (Ảnh: HPG)
Chiến lược dài hơi hơn của tập đoàn thời gian tới là sẽ tăng mạnh tỷ trọng thép chất lượng cao, như thép làm tanh lốp, bố lốp ô tô, thép dập nguội, thép dự ứng lực, thép lò xo không hợp kim, thép làm cáp cẩu, thép làm đinh vít chính xác; thép thanh tròn trơn và thép thanh dạng cuộn phục vụ cho các ngành chế biến chế tạo,...
Bên cạnh đó, Hòa Phát sẽ nghiên cứu, đầu tư dự án sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hòa, tàu cao tốc, cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia và xuất khẩu.
Phòng thủ trước
Bên cạnh thép, nông nghiệp cũng là mảng được chú trọng và tập đoàn đang làm rất tốt. Chủ tịch Trần Đình Long nói với cổ đông tỷ suất lợi nhuận mảng nông nghiệp của Hòa Phát năm 2024 cao hơn cả các doanh nghiệp gạo cội trên thị trường và lên mức cao nhất trong các năm qua của tập đoàn. Đây cũng là mức tỷ suất lợi nhuận mơ ước ở thị trường Việt Nam.
Trong quý I/2025, riêng mảng nông nghiệp đã mang về lãi sau thuế 400 tỷ đồng cho Hòa Phát.
Tổng doanh thu các ngành hàng trong quý đầu năm đã 37.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.300 tỷ đồng. So với mục tiêu đề ra, doanh nghiệp đã thực hiện được 22% chỉ tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên so với mong muốn của ông Trần Đình Long mỗi quý phải hoàn thành gần 4.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thì khoảng cách vẫn khá xa.

Chốt phiên giao dịch sáng 17/4, cổ phiếu HPG ở mức 25.050 đồng, tăng nhẹ so với giá mở cửa đầu ngày ở mức 24.800 đồng.
Về việc dừng kế hoạch chia cổ tức ở thời điểm Mỹ công bố áp mức thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam đầu tháng 4, lãnh đạo tập đoàn này nói theo tờ trình ban đầu, tập đoàn dự kiến chi trả cổ tức tổng tỷ lệ 20%, gồm 5% tiền mặt và 15% cổ phiếu.
Song trước chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ, HĐQT đã quyết định không chia cổ tức tiền mặt, mà trả toàn bộ bằng cổ phiếu, trên cơ sở thận trọng và đảm bảo nguồn vốn tiền mặt trước những biến động ở tầm quốc tế.
Chủ tịch Trần Đình Long cho biết ngày 2/4, Mỹ ra chính sách thuế quan đã gây sốc cho Việt Nam nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung.
"Ngay sau ngày 2/4, do biến động thuế quan thì lập tức chúng tôi phải đi vào phòng thủ. Điều đáng mừng là chúng tôi nhận được sự đồng cảm của cổ đông trên thị trường", ông Long nói.
Ông Long cam kết với cổ đông từ 2026, Hòa Phát sẽ chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông, nếu nền kinh tế không có thêm bất ổn.
Như vậy, đã 3 năm, Hòa Phát không chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông.