Tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan theo EVFTA tăng mạnh
Chiều 24-2, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo 'Việt Nam sau 5 năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA): Kết quả, yêu cầu và định hướng cải cách'.
Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Hội thảo nhằm làm rõ kết quả đạt được, khó khăn trong quá trình thực hiện EVFTA, đề xuất giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ hiệp định này.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Phó viện trưởng, Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, EVFTA là một trong những hiệp định thương mại thế hệ mới quan trọng nhất của Việt Nam. Hiệp định này không chỉ giúp Việt Nam mở rộng tiếp cận thị trường EU, dòng vốn đầu tư từ châu Âu (EU) mà còn tạo điều kiện thúc đẩy cải cách thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Việc thúc đẩy EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 cũng xuất phát từ kỳ vọng Hiệp định này sẽ tạo thêm động lực cho phục hồi kinh tế ở Việt Nam trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19.

Quang cảnh hội thảo.
Trình bày báo cáo nghiên cứu “Việt Nam sau 5 năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA): Kết quả, yêu cầu và định hướng cải cách”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu rõ, sau 5 năm thực thi, EVFTA đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh mẽ, với nhiều ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày, nông sản, thủy sản được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan. Đồng thời, EVFTA tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, giúp thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao từ EU, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và phát triển bền vững. Các cam kết về sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động và phát triển bền vững trong EVFTA đã thúc đẩy Việt Nam nâng cấp hệ thống pháp luật, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế…
Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu sang EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng dần, đạt 13,19% vào năm 2024. Việt Nam vẫn duy trì xuất siêu lớn với EU, đạt mức 35,2 tỷ USD vào năm 2024, cao nhất trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.
Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan theo EVFTA đã tăng từ 14,8% năm 2020 lên 35,2% năm 2023.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Anh Dương, việc thực thi EVFTA vẫn đối mặt với không ít thách thức. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan còn thấp do nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được các quy tắc xuất xứ khắt khe. Các yêu cầu về lao động, môi trường, phát triển bền vững của EU ngày càng khắt khe, đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược thích ứng phù hợp. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có sự chuẩn bị tốt hơn để khai thác cơ hội từ EVFTA.
Báo cáo đề xuất một số khuyến nghị chính sách quan trọng để tối ưu hóa lợi ích từ EVFTA như: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết EVFTA. Cách tiếp cận cần hướng tới tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và EU về cải cách các quy định theo hướng phù hợp với các xu hướng mới, đặc biệt là về công nghệ mới và phát triển bền vững.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo và hướng dẫn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc tận dụng các ưu đãi từ EVFTA; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch và ổn định trong chính sách để thu hút thêm FDI có chất lượng từ EU; xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh.