Thuế quan của ông Trump chưa thể làm rung chuyển ngành sản xuất Trung Quốc?

Trong một văn phòng buồn tẻ tại thành phố Đông Quản - trung tâm công nghiệp của Trung Quốc, Andy Xiao lo lắng về tương lai của doanh nghiệp vật liệu giày dép của mình. Doanh nghiệp này đang chịu sức ép lớn từ thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt.

Tổng thống Trump ngay từ lúc nhậm chức đã áp thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nền kinh tế tỷ dân này không phải đối tượng duy nhất của nhà lãnh đạo Mỹ. Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn, đe dọa đến hàng trăm tỉ USD giao thương nếu ông chủ Nhà Trắng thực hiện các kế hoạch áp thuế khác với nhiều đối tác trên nhiều lĩnh vực khác nữa.

Với Xiao thì mức thuế 10% đã đủ gây tác động lớn đến công ty Weida New Materials mà ông sở hữu. Đặt trụ sở tại Đông Quản, Weida New Materials sản xuất da nhân tạo cho nhiều hãng giày (phần lớn xuất sang Mỹ). Thuế quan đem đến nguy cơ đơn hàng sụt giảm. Xiao chia sẻ: “Điều này gây ra sức ép lớn cho chúng tôi, các nhà máy cũng đang chịu sức ép. Một số hãng giày đã đòi hỏi giảm giá để ứng phó trước mức thuế mới”.

“Có lo ngại giá sắp tăng cao hơn nữa. Nhưng đây là vấn đề chính sách quốc gia chứ chúng tôi không thể quyết định”, ông nói thêm. Nếu xuất khẩu gặp rào cản quá lớn thì Weida New Materials buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh, tìm kiếm đối tác nước ngoài khác ngoài Mỹ hoặc quay lại phục vụ đối tác trong nước.

Vài năm gần đây không ít đơn vị cung cấp tại Đông Quản - nơi tập trung nhiều nhà xuất khẩu hàng may mặc - đã chuyển hoạt động sang Đông Nam Á nhằm hưởng chi phí lao động thấp hơn cũng như thuế hải quan ít nghiêm ngặt giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài. Nhưng Xiao quyết định không dịch chuyển: “Phản ảnh của số đơn vị chuyển hoạt động không tốt lắm. Họ gặp vô số khó khăn, chẳng hạn trở ngại trong thanh toán bằng các loại tiền tệ khác ngoài nhân dân tệ. Rủi ro rất lớn”.

Tình hình không quá bi quan

Trong một khu phức hợp nhà máy trên địa bàn thành phố Quảng Châu cách Đông Quản không xa, đội ngũ công nhân vẫn cặm cụi sản xuất trang phục cho người tiêu dùng Mỹ săn lùng hàng giảm giá.

Đây là một trong số hàng nghìn xưởng may nhận số đơn hàng tăng đột biến vài năm qua nhờ cung cấp sản phẩm cho hai nền tảng thương mại điện tử Shein và Temu đang “làm mưa làm gió” tại Mỹ. Họ xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên cơ chế miễn trừ “de minimis” - quy định lâu đời cho phép bất cứ ai (kể cả công ty xuất khẩu) gửi bưu kiện có giá trị dưới 800 USD đến Mỹ sẽ không phải chịu thuế.

Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh bãi bỏ miễn trừ đồng thời khẳng định thuế 10% áp dụng cho cả mặt hàng vận chuyển hình thức như vậy. Nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn tiếp tục như thường lệ trong lúc chính quyền Mỹ tìm cách thu thuế lượng hàng hóa khổng lồ này.

Giám đốc sản xuất họ Zhu của một xưởng may chia sẻ ông tương đối lạc quan về triển vọng kinh doanh: “Mỹ chắc chắn không tự sản xuất trang phục. Họ quen với việc phụ thuộc chuỗi sản xuất ở Đông Nam Á và Trung Quốc. Vì vậy triển vọng của ngành sản xuất vẫn rất tốt”.

Loạt địa phương phía nam Trung Quốc tạo nên “vành đai xuất khẩu” đem lại việc làm cho hàng triệu người, nhiều người trong số đó là lao động di cư từ các vùng nông thôn nghèo đói. Hiện tại phần lớn công nhân nơi đây vẫn chưa chú ý đến thuế quan, ít nhất là khi tác động của chúng vẫn có thể chịu được.

“Sản xuất đang bận rộn nên chúng tôi chỉ tập trung vào đó”, Peng - đồng nghiệp của giám đốc Zhu - cho biết.

Quản lý họ Zhong của một xưởng may tại thành phố Trung Sơn lân cận chia sẻ bản thân không lo lắng quá về căng thẳng thương mại. Vài năm gần đây địa phương nơi ông làm việc vô cùng nhộn nhịp.

“Tôi nghĩ chính quyền Trung Quốc sẽ có thể phản ứng và tìm ra giải pháp”, Zhong chia sẻ.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thue-quan-cua-ong-trump-chua-the-lam-rung-chuyen-nganh-san-xuat-trung-quoc-229687.html
Zalo