Tỷ lệ người dân quan tâm đến chống tham nhũng tăng bất thường

Chống tham nhũng tiến hành quyết liệt hơn và việc khởi tố nhiều cán bộ, công chức cấp cao và lãnh đạo các doanh nghiệp có thể tác động đến cảm nhận của người dân.

Sáng 15-4, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024 (PAPI 2024).

Trình bày báo cáo, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia chính sách công UNDP Việt Nam cho hay: người dân đã hài lòng hơn với hiệu quả quản trị và hành chính công. Những cải thiện tập trung ở chỉ số “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “quản trị môi trường” và “quản trị điện tử”.

Chuyển biến tích cực

Theo kết quả khảo sát năm 2024, ba vấn đề được người dân quan tâm nhất lần lượt là tham nhũng, đói nghèo và việc làm.

 Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia chính sách công UNDP tại Việt Nam trình bày báo cáo PAPI 2024. Ảnh: C.LUẬN

Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia chính sách công UNDP tại Việt Nam trình bày báo cáo PAPI 2024. Ảnh: C.LUẬN

Trong đó, tỷ lệ người trả lời cho rằng tham nhũng là vấn đề cần Nhà nước tập trung giải quyết tăng bất thường, lên tới 22,58% tổng số người trả lời trên toàn quốc. Số người trả lời khảo sát cho rằng đây là vấn đề hệ trọng cần Nhà nước ưu tiên giải quyết trong thời gian tới, tăng 17% so với năm 2023.

Sự gia tăng đáng kể về tỉ lệ trên, người dân cho rằng đây là vấn đề hệ trọng có thể là do tác động của việc đưa ra xét xử nhiều vụ đại án liên quan đến tham nhũng trong năm 2024 và sự chú ý của dư luận đối với công cuộc chống tham nhũng đang được Đảng và Chính phủ thực hiện quyết liệt ở cấp quốc gia.

Kết quả này phần nào phản ánh bối cảnh của năm 2024 khi kinh tế Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2023.

Song song với đó, cuộc đấu tranh chống tham nhũng cũng diễn ra quyết liệt hơn. Tin tức về việc khởi tố nhiều cán bộ, công chức cấp cao và lãnh đạo các doanh nghiệp liên quan đến các vụ việc tham nhũng trên báo chí trong năm 2024 có thể tác động đến cảm nhận của người dân.

Có sự tương phản

Đáng chú ý, yêu cầu của người dân về việc tập trung xử lý tham nhũng ở cấp Trung ương có sự tương phản với những ghi nhận của họ về những nỗ lực kiểm soát tham nhũng ở địa phương.

Theo kết quả khảo sát năm 2024, tỉ lệ người dân cho biết họ phải trả chi phí không chính thức hoặc đưa 'lót tay' khi sử dụng dịch vụ hành chính công hoặc dịch vụ công đã giảm so với năm 2023. Tuy vậy, việc phải “lót tay” mới làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vẫn còn phổ biến ở cả 61 tỉnh, thành phố.

“Bắc Kạn, Bình Phước, Gia Lai, Hà Nam, Kiên Giang, Lâm Đồng và Trà Vinh là 7 địa phương có tỉ lệ cao nhất việc người làm sổ đỏ phải “bôi trơn”, báo cáo nêu.

 Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại buổi công bố PAPI 2024. Ảnh: C.LUẬN

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại buổi công bố PAPI 2024. Ảnh: C.LUẬN

Cũng liên quan đến cấp sổ đỏ, phân tích chỉ số “thủ tục hành chính công” cho thấy việc trả kết quả chưa đúng lịch hẹn vẫn là vấn đề người sử dụng phàn nàn nhiều nhất khi làm thủ tục này ở bộ phận “một cửa” cấp huyện.

Ngoài ra, tình trạng phải “bồi dưỡng” thêm ngoài lệ phí quy định để được chăm sóc tốt hơn ở bệnh viện công tuyến huyện vẫn còn phổ biến ở cả 61 tỉnh, thành phố.

PAPI khuyến nghị chính quyền các cấp tăng cường tính minh bạch trong cung ứng dịch vụ công, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và bảo vệ người tố cáo ngay sau khi các đơn vị hành chính được sắp xếp lại.

Cải cách để Việt Nam bứt phá

PAPI 2024 xếp hạng quán quân cho Quảng Ninh và Kiên Giang đứng cuối bảng xếp hạng.. Có 2 địa phương không được thu thập là Vĩnh Phúc và Tiền Giang.

PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Bên cạnh những thành công thì kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2024 vẫn còn không ít hạn chế cần phải khắc phục.

Bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả; chất lượng tăng trưởng chưa cao, xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài; khả năng tự chủ về công nghệ còn thấp…

Trong năm 2025, Việt Nam đang thực hiện một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, xây dựng một hệ thống chính trị tinh, gọn, nhẹ, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

 PGS.TS Dương Trung Ý nói cuộc cách mạng bộ máy lần này là để Việt Nam bứt phá. Ảnh: C.LUẬN

PGS.TS Dương Trung Ý nói cuộc cách mạng bộ máy lần này là để Việt Nam bứt phá. Ảnh: C.LUẬN

PGS.TS Dương Trung Ý nói cuộc cải cách bộ máy lần này là cuộc cách mạng mang dấu ấn lịch sử nhằm khắc phục điểm nghẽn của điểm nghẽn, đó là thế chế phát triển đã được chỉ ra, đó là bỏ cấp huyện, loại bỏ các khâu trung gian, chồng lấn, hướng tới một chính quyền quyền gần hơn, phục vụ người dân tốt hơn.

Cuộc cải cách lần này chắc chắn còn nhiều khó khăn thử thách, nhưng đây là quyết định tất yếu, không thể không làm nếu muốn Việt Nam phát triển bứt phá, trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu đã đề ra.

“Cuộc cải cách lần này chắc chắn sẽ làm thay đổi căn bản cấu trúc và phương thức hoạt động của các cấp chính quyền”, PGS.TS Dương Trung Ý khẳng định.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/ty-le-nguoi-dan-quan-tam-den-chong-tham-nhung-tang-bat-thuong-post844444.html
Zalo