Thúc đẩy hợp tác, tạo động lực mới cho các sáng kiến khởi nghiệp xanh tại Việt Nam
Sáng 16/4, tại Hà Nội, Diễn đàn Đối thoại chính sách với chủ đề 'Khuyến khích đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh' do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì nhằm tạo diễn đàn đối thoại cởi mở giữa cơ quan quản lý, khu vực tư nhân và các tổ chức hỗ trợ, cùng nhau xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phục vụ mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ diễn ra Phiên thảo luận: Hợp tác thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo chuyển đổi xanh và phát triển bền vững
Diễn đàn là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G 2025).
Là không gian đối thoại mở giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và nhà đầu tư, tập trung vào các cơ chế hỗ trợ, mô hình khuyến khích đầu tư xanh, đổi mới sáng tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, Diễn đàn có sự tham dự của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhấn mạnh: Diễn đàn nhằm thúc đẩy hợp tác và tìm kiếm giải pháp cho quá trình chuyển đổi xanh, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đồng hành cùng cộng đồng quốc tế trên hành trình hướng tới một tương lai phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường - nơi tăng trưởng xanh không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để phát triển bền vững.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh phát biểu tại Diễn đàn
Chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu. Để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động các nguồn lực đầu tư, và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển bền vững.
Chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu
Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã sớm xác định tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển cốt lõi, thể hiện qua hàng loạt chủ trương, chính sách cụ thể như: Quyết định số 1393/QĐ-TTg 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 -2025", cung cấp các cơ chế tài chính và chính sách ưu đãi để khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này.
Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam Chương trình KH&CN quốc gia “Net Zero” KC.16/24-30 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng và triển khai, nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xanh, góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã tuyên bố tại COP26.
Những định hướng chiến lược đó đã và đang tạo nền tảng thuận lợi để thúc đẩy một làn sóng khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn và giải pháp giảm phát thải.
Thứ trưởng Hoàng Minh cho biết: “Bức tranh của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 2 kỳ lân, 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 202 khu làm việc chung; 208 quỹ đầu tư; 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Trong số này, ước tính có khoảng 200-300 doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực chuyển đổi xanh, bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn. Con số này tương đương với khoảng 5-7% tổng số startup hiện nay”.
Trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang có những bước tiến quan trọng trong việc phát triển các giải pháp công nghệ nhằm góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ về thách thức và cơ hội phát triển khởi nghiệp xanh
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại Diễn đàn những khó khăn, thách thức trong phát triển khởi nghiệp sáng tạo xanh, trong đó vốn vẫn là khó khăn nhất bởi vốn cho các dự án xanh thường là các dự án dài hạn. Vì thế, cần vai trò đóng góp quan trọng của các tổ chức tư vấn.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Quất, khởi nghiệp sáng tạo trong chuyển đổi xanh vẫn có nhiều cơ hội phát triển. Trên thực tế, đã những “gương mặt” điển hình gọi vốn từ 1 đến 5 triệu đô la Mỹ cho dự án năng lượng xanh, công nghệ xanh, xử lý rác thải tái chế, giao thông xanh…
Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng những định hướng, giải pháp cụ thể như: Thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, địa phương và sàn giao dịch khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; Cung cấp các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển bền vững; Đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các khoản vay ưu đãi hoặc hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và tổ chức quốc tế.
Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực xây dựng chính sách và quản trị doanh nghiệp xanh, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường thông tin về chính sách thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam, giúp các đại biểu có cái nhìn tổng quát về hệ thống các chính sách hiện hành cũng như những đề xuất đổi mới nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, tạo đà cho sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực.

Ông Malee Fofana, Giám đốc Viện tăng trưởng xanh toàn cầu khu vực châu Á.
TS. Malle Fofana, Giám đốc khu vực châu Á, Viện tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo xanh. TS. Malle Fofana đánh giá, nhu cầu đẩy mạnh hành động về khí hậu trên thế giới ngày càng tăng. 75% các công nghệ trên thế giới đang trong giai đoạn khởi đầu; cần biến những công nghệ này thành cơ hội, trở thành kết quả hữu hình, đặc biệt là công nghệ giải quyết các thách thức về khí hậu.
Điều đáng nói, các công nghệ xanh mới hiện mới tập trung vào những lĩnh vực dễ giải quyết, như lĩnh vực công nghiệp nặng thải ra môi trường khoảng 35% lượng chất thải nhưng chỉ đầu tư cho công nghệ làm sạch để xử lý 11% lượng chất thải này và chỉ tập trung những khu vực dễ xử lý.
Phiên thảo luận tại Diễn đàn này còn có sự tham gia của Lãnh đạo và đại diện Lãnh đạo từ P4G, State of Green, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, startup vật liệu sinh học Buyo Bioplastics và quỹ đầu tư Touchstone với những trao đổi sôi nổi về tiềm năng hợp tác đa phương, cơ chế tài chính xanh và cách cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế-môi trường-xã hội trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Tham gia chủ động và hợp tác chặt chẽ
Diễn đàn hôm nay là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng nhau thảo luận, xác định thách thức, tìm ra giải pháp và đề xuất các sáng kiến đột phá nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xanh.
Thứ trưởng Hoàng Minh khẳng định: “Chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn để cùng nhau định hình tương lai xanh và bền vững cho Việt Nam và thế giới. Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và hợp tác là chìa khóa để giải quyết các vấn đề môi trường, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế tuần hoàn”.
Thứ trưởng Hoàng Minh kêu gọi sự tham gia chủ động và hợp tác chặt chẽ từ các bên liên quan - từ khu vực công, tư nhân đến các tổ chức quốc tế - cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng về một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam xanh, hiệu quả và bền vững.
Bà Robyn McGuckin, Giám đốc điều hành, P4G cho biết: Bên cạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, chúng tôi đã có các chương trình hỗ trợ cho các bộ, ngành của Việt Nam như Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam…
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) chia sẻ trong phiên thảo luận, bên cạnh các mô hình hợp tác, cần có chính sách toàn diện. Các nhà đầu tư hỗ trợ tìm kiếm nguồn vốn cho việc tiếp cận quỹ phát triển xanh. Ngoài ra, cần có nền tảng phân tích dữ liệu, nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp với kết nối đến các chuyên gia, tăng cường mô hình chuỗi cung ứng phát triển xanh. Các doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường hợp tác để bước ra thị trường quốc tế.
TS. Malle Fofana, Giám đốc khu vực châu Á, Viện tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) nhắc tới trí tuệ nhân tạo (AI) trong giải quyết những thách thức về khí hậu, để công nghệ xanh về khí hậu thực hiện trên con đường ngắn nhất tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0… Để làm được điều này, TS. Malle Fofana nhấn mạnh đến vai trò của Chính phủ, doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức quốc tế, hợp tác công-tư rất quan trọng để đảm bảo các startup của thế hệ tương lai nhận được hỗ trợ họ cần được nhận.

Diễn đàn thu hút hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế.
Tại Diễn đàn, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ đề xuất: Xây dựng bản đồ startup xanh tại Việt nam, xây dựng khu đo lường tác động cho startup xanh… Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh chính là một trong những động lực then chốt để hiện thực hóa cam kết Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam.
Diễn đàn đã góp phần định hình các ưu tiên chính sách, thúc đẩy hợp tác công-tư, và tạo động lực mới cho các sáng kiến khởi nghiệp xanh tại Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi toàn diện hướng tới phát thải ròng bằng 0.
“Thông qua các bài tham luận chuyên sâu và phiên thảo luận sôi nổi tại Diễn đàn, chúng ta đã cùng chia sẻ nhiều góc nhìn giá trị, từ chính sách, cơ chế khuyến khích, đến những mô hình thực tiễn thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh. Đặc biệt, những kinh nghiệm quốc tế và sáng kiến hợp tác đã mở ra thêm nhiều định hướng và cơ hội hợp tác cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam”, ông Phạm Hồng Quất cho biết.
Ông Quất cũng khẳng định: “Chúng tôi cam kết tiếp tục là cầu nối giữa các chủ thể trong hệ sinh thái, đồng hành cùng các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, và đối tác quốc tế để hiện thực hóa các sáng kiến phát triển bền vững thông qua đổi mới sáng tạo xanh”.