Tuyệt đối không chủ quan trong phòng, chống thiên tai

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ yêu cầu trên khi chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 diễn ra sáng 24/1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Thiệt hại do sự cố, thiên tai hơn 8.200 tỷ đồng

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2023, trên thế giới và khu vực đã xảy ra nhiều sự cố, thiên tai lớn. Tại Việt Nam, tình hình thời tiết, khí hậu xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 21/22 loại hình thiên tai, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng. Thống kê từ đầu năm 2023 đến ngày 10/1/2024, trên cả nước xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai, làm chết 924 người, mất tích 205 người, bị thương 977 người; chìm, cháy, hỏng 555 phương tiện; cháy 1.740 nhà, xưởng, ki-ốt chợ, 1.346ha rừng và thảm thực vật.

Sự cố, thiên tai cũng đã làm hư hỏng 15.977 nhà; 115,56km đê, kè, kênh mương, 711 công trình thủy lợi, cuốn trôi 179 cầu tạm; hư hại 151.279ha lúa, hoa màu, 3.547ha nuôi trồng thủy sản, 104 lồng bè; chết 75.357 con gia súc, gia cầm. Tổng thiệt hại về kinh tế do sự cố, thiên tai ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng…

Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử quan trắc khi nhiệt độ toàn cầu cao hơn mức tiền công nghiệp 1,45 độ C, tiến gần đến giới hạn đặt ra là 2 độ C trong Thỏa thuận Paris thông qua năm 2015. Tốc độ nóng lên toàn cầu nhanh. Theo dự báo, hiện tượng El Nino (pha nóng) sẽ còn tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024 và đạt đỉnh, nên năm 2024 có thể là năm thứ 10 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu lên cao nhất và thiên tai sẽ bất thường hơn. Tổng cục Khí tượng Thủy văn cảnh báo nguy cơ thiếu nước ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trong nửa đầu năm, ở Trung Bộ trong các tháng 6, 7, 8. Hiện tượng nắng nóng tại khu vực Nam Bộ, khu vực Tây Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.

Đặc biệt, bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ở Biển Đông sẽ nhiều hơn, dự báo cơ cấu bão ở Biển Đông sẽ chiếm 1/3 so với toàn bộ số cơn bão. Không khí lạnh hoạt động không nhiều nhưng lại xuất hiện những đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, gây rét đậm, rét hại trên diện rộng, băng giá, mưa tuyết ở khu vực vùng núi Bắc Bộ…

Rà soát những vướng mắc về thể chế để kịp thời sửa đổi

Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành nhấn mạnh về những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Các Bộ, ngành nhấn mạnh sự cần thiết phải có lộ trình đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống sự cố, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; cung cấp thông tin kịp thời hơn cho báo chí để công tác thông tin truyền thông đi trước một bước. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị phải tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, trong đó có công nghệ viễn thám, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… vào công tác phòng, chống sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá Ủy ban Quốc gia, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các thành viên đã chủ động triển khai nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, đơn vị tập trung rà soát những vướng mắc về thể chế liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn để kịp thời sửa đổi cho phù hợp yêu cầu thực tiễn. Các Bộ, ngành, địa phương phải giữ nguyên tắc phòng hơn chống, muốn vậy phải cung cấp thông tin, hướng dẫn kịp thời cho người dân, kể cả bằng tin nhắn điện thoại, để người dân tự bảo vệ được chính mình và từng bước xây dựng ý thức cùng tham gia công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đồng thời, phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát ở cơ sở; quan tâm đào tạo kỹ năng cơ bản cho các lực lượng chức năng ở cấp cơ sở; phối hợp tốt cả trong diễn tập, trong phòng, chống thiên tai và cứu nạn. Các Bộ, ngành tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, huy động nguồn lực bên ngoài; tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...

Thủ tướng ban hành Công điện chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 08/CĐ-TTg về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài.

Theo đó, để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại đối với sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe của người dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét và diễn biến thời tiết khắc nghiệt bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân nhất là người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế…; tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thời tiết, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác phòng, chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; xây dựng và hướng dẫn kế hoạch sản xuất vụ Đông - Xuân, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết. Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe…

T.Oanh

Minh Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tuyet-doi-khong-chu-quan-trong-phong-chong-thien-tai-post502795.html
Zalo