Mục tiêu mới của nông thôn Việt Nam
Hiệu quả của phong trào cả nước thi đua xây dựng nông thôn mới đến nay đã rất rõ ràng. Nhiều làng quê Việt Nam đã 'thay da, đổi thịt', có những nơi vừa xanh - sạch - đẹp, vừa hiện đại kiểu 'làng trong phố, phố trong làng'. Nhưng một vấn đề cần giải quyết, là làm sao bảo đảm môi trường nông nghiệp, nông thôn, để mọi làng quê thực sự xanh, không ô nhiễm.
Đó là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường “Lắng nghe nông dân nói năm 2024” vừa diễn ra.
Tại Diễn đàn có sự tham dự trực tiếp của hơn 200 nông dân Việt Nam xuất sắc, nông dân giỏi, hợp tác xã tiêu biểu; được kết nối đến hơn 10.000 điểm cầu là Hội Nông dân các cấp tỉnh, huyện, xã cả nước; nhiều vấn đề được đặt ra liên quan bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn như: Cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp, môi trường làng nghề; cung cấp nước sạch, xử lý nước thải ở nông thôn. Thực tiễn trong quá trình thực hiện tiêu chí số 17 (về môi trường) trong xây dựng nông thôn mới…
Phát biểu tại Diễn đàn, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ước tính lượng phát thải của hoạt động nông nghiệp chiếm khoảng 43% tổng lượng phát thải quốc gia, tương đương 65 - 150 triệu tấn CO2/năm. Thực tiễn đang đòi hỏi cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giải quyết tốt thách thức về ô nhiễm môi trường nông nghiệp nông thôn. Giải quyết được các vấn đề nói trên, sẽ thúc đẩy trực tiếp đến các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tại Diễn đàn, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Đó là tăng cường tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhận thức và hành động của toàn xã hội và hội viên nông dân cả nước về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Rà soát, hoàn thiện, tổ chức thực thi có hiệu quả hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn. Đẩy mạnh chuyển đổi xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn; giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, các nguy cơ suy giảm, cạn kiệt tài nguyên và đa dạng sinh học.
Về phía cơ quan chức năng, cho biết sẽ tối ưu hóa việc đưa các diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng trong thực tế; kiểm soát chặt hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát sỏi lòng sông, ven biển. Tập trung nguồn lực giải quyết hiệu quả các vấn đề môi trường nông thôn, nước thải làng nghề; cải tạo, phục hồi môi trường các lưu vực sông, hồ chứa, công trình thủy lợi ô nhiễm; thực hiện hiệu quả việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu chất thải nhựa; tái chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vi sinh, hữu cơ trong canh tác và phát triển kinh tế nông nghiệp; bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn; bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, rạn san hô, thảm cỏ biển.
Nhiều ý kiến đánh giá, cùng với sự nhận thức ý thức của mỗi người, sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng; khi đạt được các mục tiêu nói trên; nông thôn Việt Nam sẽ phát triển lên một tầm cao mới, xanh - sạch - đẹp bền vững. Hay nói cách khác, đó chính là mục tiêu mới của nông thôn Việt Nam.