Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng nhất; trong đó, tập trung tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp cho từng đối tượng, quan tâm tuyên truyền trên các nền tảng xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung (bàn chủ tọa, giữa) phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung (bàn chủ tọa, giữa) phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố về sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung đánh giá công tác quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt kết quả khá tốt.

Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn đáng lo ngại, trong khi các biện pháp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm chưa toàn diện, chưa đạt hiệu quả như yêu cầu, nhất là các bếp ăn tập thể tại trường học, khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố… Công tác giám sát mối nguy chưa thực hiện thường xuyên.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng nhất; trong đó, tập trung tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp cho từng đối tượng, quan tâm tuyên truyền trên các nền tảng xã hội; đối tượng tuyên truyền là các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh thực phẩm, cá nhân, hộ gia đình có nguy cơ ảnh hưởng bởi mất an toàn thực phẩm.

“Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, Sở Công thương tỉnh Kiên Giang và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang rà soát việc phân cấp, phân công nghiệm vụ theo quy chế, quy định đã ban hành để tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, quan tâm công tác hậu kiểm sau khi công bố các sản phẩm thực phẩm; thực hiện thường xuyên công tác giám sát mối nguy; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và cấp giấy phép đủ điều kiện an toàn thực phẩm”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung nhấn mạnh.

Sở Y tế tỉnh Kiên Giang tăng cường đầu tư trang thiết bị xét nghiệm cho Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; đảm bảo cung ứng đủ hóa chất xét nghiệm để thực hiện các chỉ tiêu xét nghiệm phục vụ công tác giám sát.

Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kiên Giang kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP. Rạch Giá.

Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kiên Giang kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP. Rạch Giá.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Kiên Giang, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân năm 2024, toàn tỉnh tổ chức 244 đoàn kiểm tra đối với 3.779 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố; kết quả có 301 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính 11 cơ sở với số tiền 53 triệu đồng.

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, toàn tỉnh thành lập 162 đoàn kiểm tra đối với 2.714 cơ sở; kết quả có 276 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 11 cơ sở với số tiền trên 10 triệu đồng.

6 tháng đầu năm 2024, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang phối hợp với các địa phương tiến hành giám sát mối nguy an toàn thực phẩm tại 15 huyện, thành phố; lấy 168 mẫu xét nghiệm chỉ tiêu vi sinh, hóa lý tại phòng xét nghiệm, có 1 mẫu không đạt; test nhanh hóa lý 527 mẫu, có 32 mẫu không đạt. Trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ ngộ độc cá nóc tại TP. Hà Tiên làm 5 người mắc, 1 người tử vong.

Tin và ảnh: MI NI

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/xa-hoi/tuyen-truyen-pho-bien-phap-luat-ve-an-toan-thuc-pham-la-nhiem-vu-quan-trong-21663.html
Zalo