Đi xe ô tô công nghệ, hành khách không thắt dây an toàn, ai bị phạt?
Nếu hành khách không thắt dây an toàn, tài xế và khách đều bị phạt tiền.
Tài xế và khách đều bị phạt tiền
Điều 9 Luật Giao thông đường bộ quy định đối tượng phải thắt dây an toàn khi đi xe ô tô, bao gồm xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn.
Bên cạnh đó, điểm p khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021) quy định xử phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không thắt dây an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường.
Ngoài ra, trong trường hợp chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy thì người điều khiển xe ô tô có thể bị phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng theo điểm q khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021).
Đồng thời, căn cứ khoản 5 Điều 11 Nghị định 100/2019 sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2021, người được chở trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy bị xử phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Quy định phân loại tai nạn giao thông từ ngày 15/8/2024
Ngày 21/6/2024, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 26/2024/TT-BCA quy định thống kê, tổng hợp, xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng CSDL về TNGT đường bộ, tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt, TNGT đường thủy nội địa. Theo đó, Điều 4 nêu về nguyên tắc thống kê, tổng hợp, xây dựng CSDL về TNGT:
1. Bảo đảm khách quan, trung thực, chính xác, đầy đủ, kịp thời, theo tiến độ điều tra, xác minh, giải quyết vụ TNGT và yêu cầu nghiệp vụ khác.
2. Thống nhất về chỉ tiêu thống kê, biểu mẫu thống kê; có phân tích, so sánh.
3. Không trùng lặp, chồng chéo giữa các thông tin thống kê; phải thống kê đầy đủ các trường thông tin bắt buộc theo biểu mẫu báo cáo vụ TNGT quy định tại khoản 1 Điều 27 Thông tư này.
4. Một lần hoặc nhiều lần va chạm liên tiếp giữa các đối tượng tham gia giao thông tại một địa điểm nhất định thì được gọi là một vụ TNGT. Một vụ TNGT xảy ra đối với một hoặc nhiều đối tượng tham gia giao thông.
5. Thống kê số người chết trong vụ TNGT gồm người chết và người bị thương do TNGT gây ra dẫn đến chết trong thời gian 07 ngày kể từ ngày xảy ra vụ TNGT; trường hợp người bị thương do TNGT gây ra dẫn đến chết ngoài thời gian 07 ngày kể từ ngày xảy ra vụ TNGT mà có kết luận của tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y thì thống kê bổ sung.
6. Thống kê số người bị thương trong vụ TNGT gồm những người bị thương phải điều trị, có hồ sơ bệnh án của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
7. Trường hợp số liệu TNGT trước đó đã báo cáo có sai sót hoặc phát sinh số vụ, số người chết, số người bị thương ngoài kỳ báo cáo thì thống kê bổ sung và giải trình rõ lý do điều chỉnh, bổ sung. a cấp tỉnh tổng hợp, báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát giao thông).
8. Không xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Phân loại TNGT được nêu tại Điều 5:
Theo mức độ hậu quả thiệt hại về người và tài sản thì TNGT gồm vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vụ TNGT gây hậu quả rất nghiêm trọng, vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, vụ TNGT gây hậu quả ít nghiêm trọng và vụ va chạm giao thông.
1. Vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên.
2. Vụ TNGT gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết 01 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
4. Vụ TNGT gây hậu quả ít nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỉ lệ thương tật từ 11% đến dưới 61%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ thương tật của những người này từ 11% đến dưới 61%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
5. Vụ va chạm giao thông là vụ TNGT gây hậu quả dưới mức quy định tại khoản 4 Điều này.
6. Việc xác định tỉ lệ phần trăm thương tật của người bị thương do TNGT gây ra được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
7. Việc xác định thiệt hại về tài sản do vụ TNGT gây ra căn cứ vào kết luận định giá thiệt hại tài sản hoặc chứng thư thẩm định giá hoặc các tài liệu khác có giá trị chứng minh thiệt hại tài sản.
Hải Hòa (T/h)