Tạo môi trường an toàn, lành mạnh
Cùng với lực lượng Công an Nhân dân (CAND) cả nước, lực lượng CAND tỉnh Cà Mau đã và đang phát huy truyền thống vẻ vang của CAND Việt Nam, đồng thời góp phần tô thắm thêm truyền thống bằng những chiến công, thành tích trong giai đoạn mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Ðảng và Nhân dân giao phó.
Phóng viên Báo Cà Mau gặp gỡ, trao đổi với Ðại tá Phạm Minh Lũy, Phó giám đốc Công an tỉnh, về những kết quả mà lực lượng Công an tỉnh gặt hái được thời gian qua.
- Xin Ðại tá cho biết tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay? Công an tỉnh đã chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương như thế nào?
Ðại tá Phạm Minh Lũy: 8 tháng đầu năm 2024, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Ðảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an huyện, thành phố phối hợp các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai, thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm từng lúc, từng nơi còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, nổi lên một số loại tội phạm như: trộm cắp tài sản khởi tố 101 vụ, 114 bị can (chiếm 31,46% tổng số vụ tội phạm về trật tự xã hội (TTXH); trong đó, xảy ra tại địa bàn nông thôn khởi tố 58 vụ, 70 bị can, chiếm 57,43% tổng số vụ trộm cắp tài sản); tội phạm cố ý gây thương tích khởi tố 70 vụ, 98 bị can (chiếm 21,8% tổng số vụ tội phạm về TTXH); tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản khởi tố 61 vụ, 40 bị can (trong đó, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng khởi tố 16 vụ); tội phạm về ma túy (khởi tố 138 vụ, 214 bị can); tội phạm cờ bạc (số đề, đá gà) khởi tố 44 vụ, 75 bị can (trong đó, đánh bạc 41 vụ, 64 bị can; tổ chức đánh bạc 1 vụ, 8 bị can).
Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ của lực lượng công an là tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ngành chức năng liên quan triển khai, thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch về phòng, chống tội phạm; trọng tâm như: Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2022 của Bộ Chính trị, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 44/KL-TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.
Thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm; mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm nổi lên trên các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm. Thực hiện tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, nắm hộ, nắm người, bảo đảm ANTT tại cơ sở; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT; quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, không để các đối tượng sử dụng thực hiện hành vi phạm tội. Tuần tra kiểm soát bảo đảm ANTT, an toàn giao thông, nhất là vào ban đêm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc liên quan đến ANTT trên các tuyến giao thông, hạn chế gia tăng tội phạm.
Tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; Nghị định số 40/2024/NÐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; Nghị quyết số 06/2024/NQ-HÐND ngày 11/7/2024 của HÐND tỉnh quy định về thành lập và mức chi cho lực lượng tham gia Tổ bảo vệ ANTT ở ấp, khóm trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể, Nhân dân trong tỉnh phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải; phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm tại cơ sở.
- Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm 8 tháng đầu năm 2024 có những kết quả nổi bật nào, thưa Ðại tá?
Ðại tá Phạm Minh Lũy: 8 tháng đầu năm 2024, lực lượng công an trong tỉnh tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên các lĩnh vực, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh. Tội phạm, vi phạm về ma túy, kinh tế, môi trường được phát hiện, xử lý nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2023. Không để xảy ra tội phạm liên quan đến băng nhóm; hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” được kiểm soát chặt chẽ; tổ chức điều tra, khám phá 286 vụ án, đạt 93,77%. Tuy nhiên, tội phạm về TTXH so với cùng kỳ năm 2023 tăng 2,35% số vụ.
Trong đó, có nhiều vụ có tính manh động, gây hoang mang trong Nhân dân, cụ thể: vụ trộm cắp tài sản và chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, phát hiện ngày 12/8/2024, tại huyện Phú Tân. Ðối tượng Ðỗ Văn An (sinh năm 1983, thường trú ấp Thanh Ðạm, xã Tân Hải, huyện Phú Tân) và Phạm Nhật Duy (sinh năm 2000, thường trú ấp Rạch Láng, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân) cùng đồng bọn, sử dụng vỏ composite, máy xe công suất lớn, lợi dụng đêm tối di chuyển theo các tuyến sông thuộc địa bàn các huyện: Phú Tân, Cái Nước, Ðầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiền, Trần Văn Thời để tìm kiếm tài sản trộm cắp (vỏ máy, ca nô, tài sản để trên phương tiện thủy neo đậu ở các tuyến sông...). Khi bị phát hiện, các đối tượng sử dụng hung khí chống trả, tẩu thoát. Qua công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng, lực lượng công an trong tỉnh phát hiện, bắt giữ 8 đối tượng, thu giữ nhiều tang vật có liên quan: vỏ composite, máy xe, máy hiệu honda, máy hiệu GB, motor, súng tự chế, dao tự chế, kéo, kìm thủy lực, cưa, máy cắt, máy hàn... Vụ việc được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Tân tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ, mở rộng điều tra xử lý nghiêm các đối tượng liên quan đúng quy định pháp luật.
- Ðại tá cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, lực lượng công an thúc đẩy chuyển đổi số và nêu cao công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm trên không gian mạng như thế nào?
Ðại tá Phạm Minh Lũy: Lực lượng công an trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng. Cụ thể, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là các dịch vụ công liên thông nhằm phục vụ hiệu quả người dân, xã hội. Phối hợp các ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông, điện lực, bảo hiểm xã hội, thuế... làm sạch dữ liệu, phòng chống hiệu quả tội phạm, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về các lĩnh vực bảo đảm ANTT, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Tiến hành việc cấp phát thẻ Căn cước công dân cho người dân trên địa bàn tỉnh, định danh công dân mức 2 trên ứng dụng VNeID, đảm bảo việc bảo mật, xác thực thông tin các dịch vụ công trực tuyến. Cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân.
Thời gian tới, công an tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó tập trung một số lĩnh vực: tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, hợp tác, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trong tình hình mới.
Tiếp tục rà soát, hoàn thành những nhiệm vụ còn lại trong Ðề án 06, bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống". Chuyển đổi trạng thái hoạt động, làm việc từ truyền thống sang môi trường số, nhất là cấp cơ sở, bởi đây là lực lượng gần dân nhất, tạo môi trường kỷ cương, an toàn, lành mạnh, văn minh, phục vụ Nhân dân, xã hội.