Tuyển sinh lớp 6 trường chất lượng cao: Nhiều điều chỉnh
Năm học 2025 - 2026, phương án tuyển sinh của nhiều trường THCS chất lượng cao, trường tư thục có những thay đổi so với mùa tuyển sinh trước, phụ huynh và học sinh cần theo dõi và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng yêu cầu của nhà trường.

Thí sinh thi vào lớp 6 Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) năm học 2024 -2025. Ảnh: T.Nga.
Mỗi trường một phương án
Hiện, Hà Nội có 5 trường THCS công lập chất lượng cao, gồm: THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm), THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), THCS Lê Lợi (quận Hà Đông), THCS Chu Văn An (quận Long Biên). Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội, các trường này được tuyển học sinh lớp 6 với phương thức xét học bạ, đánh giá năng lực theo hình thức hỏi đáp, viết, thuyết trình... Điểm mới năm nay đó là Sở GDĐT không đưa ra yêu cầu cụ thể về hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá cũng như thời gian làm bài mỗi môn như các năm trước. Địa phương sẽ quyết định việc này, căn cứ đề xuất của các trường, đảm bảo công bằng, khách quan, minh bạch và phù hợp với điều kiện thực tế. Dự kiến, các trường hoàn thành tuyển sinh chậm nhất đến ngày 12/7.
Thời điểm hiện tại, nhiều trường đã công bố phương án tuyển sinh năm nay để phụ huynh và thí sinh chuẩn bị. Đáng chú ý, nhiều thay đổi so với các mùa tuyển sinh được phụ huynh đánh giá cao. Đơn cử, trong phương án tuyển sinh của Trường THCS Cầu Giấy năm nay không yêu cầu xét tuyển dựa trên học bạ tiểu học như các năm trước. Cụ thể, điều kiện dự tuyển là học sinh hoặc người giám hộ thường trú hoặc cư trú thực tế ở quận Cầu Giấy. Học sinh đăng ký dự tuyển sẽ làm 3 bài đánh giá năng lực gồm Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh theo hình thức trắc nghiệm kết hợp tự luận. Cùng với điểm cộng ưu tiên, điểm xét tuyển tối đa là 32 điểm (nếu thuộc nhiều nhóm, học sinh chỉ được cộng mức cao nhất). Dự kiến, trường tuyển 440 học sinh lớp 6, cho 11 lớp.
Trong khi đó, Trường THCS Thanh Xuân thông báo tuyển 360 học sinh theo hình thức kết hợp giữa xét tuyển hồ sơ và đánh giá năng lực. Điểm xét tuyển sẽ được tính toán dựa trên kết quả học tập toàn diện của học sinh ở cấp tiểu học, bao gồm điểm tổng kết các môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 5. Sau vòng sơ loại hồ sơ, các thí sinh sẽ tiếp tục tham gia bài đánh giá năng lực và xét tuyển từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu.
Cũng tổ chức sơ tuyển dựa vào điểm thi học sinh giỏi, các giải thưởng tài năng và kết quả học bạ, Trường THCS Năng khiếu (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) trong năm đầu tiên tuyển sinh cấp THCS dự kiến sẽ tuyển 105 học sinh. Sau sơ tuyển, học sinh sẽ làm bài kiểm tra đánh giá năng lực tổng hợp, kiểm tra kiến thức văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao thuộc chương trình lớp 5.
Trường THCS Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển 150 học sinh theo hình thức xét tuyển. Trong đó, điểm quy đổi kết quả giáo dục từ học bạ tiểu học của mỗi học sinh tối đa là 20 điểm cộng với điểm phỏng vấn (với thí sinh đủ điều kiện xét tuyển thẳng theo quy định của nhà trường) hoặc cộng với điểm bài thi đánh giá năng lực tổng hợp PSA (tối đa 100 điểm).
Trao cơ hội cho mọi thí sinh xứng đáng
Từ phương án tuyển sinh của các trường hot của Hà Nội, có thể thấy để có cơ hội dự tuyển vào các trường này, học sinh cần chú ý học tập ngay từ bậc tiểu học để có kiến thức nền tảng vững chắc, chuẩn bị tốt cho các kỳ thi đánh giá năng lực, phỏng vấn… Tuy nhiên, do đặc thù mỗi trường khác nhau nên tiêu chí tuyển sinh, điều kiện xét tuyển của mỗi trường mỗi khác. Dù vậy, điểm đặc biệt trong những mùa tuyển sinh gần đây là đã giảm tình trạng phụ thuộc vào học bạ như một tiêu chí duy nhất để loại bỏ cơ hội của rất nhiều học sinh không sở hữu học bạ toàn điểm 10, hay yêu cầu phải 5 năm học xuất sắc mới được tham gia dự tuyển. Điều này được các chuyên gia tuyển sinh và phụ huynh, thí sinh đều hoan nghênh vì sẽ giảm bệnh thành tích trong giáo dục. Cuộc đua làm đẹp học bạ sẽ được giảm thiểu rất nhiều. Phụ huynh thay vì lo lắng con không thể hoàn thành tốt ở tất cả các môn mà lỡ sơ sẩy ở một môn thể dục, âm nhạc, mỹ thuật… khiến không đạt học sinh xuất sắc đồng nghĩa với việc “trượt từ vòng gửi xe đạp” trong việc cạnh tranh giành 1 suất vào các trường hot.
Những năm trước từng xảy ra tình trạng có không ít học sinh tiểu học sở hữu bảng điểm đẹp như mơ, nhưng khi tham gia kỳ thi thực tế lại có kết quả thấp đến mức đáng ngạc nhiên. Điều này khiến nhiều người băn khoăn về tình trạng làm đẹp học bạ. Khi các trường loại bỏ hẳn điểm học bạ hoặc chỉ xét điểm các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh hoặc cộng điểm học bạ tùy theo thành tích từng năm các con đạt được (thay vì yêu cầu phải 5 xuất sắc mới được dự tuyển) và tổ chức một kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực riêng sẽ là khách quan và công bằng nhất với tất cả mọi thí sinh.
Bởi trên thực tế, dù Bộ GDĐT đã có quy định chặt chẽ về việc đánh giá học sinh tiểu học nhưng ngay giữa các lớp trong cùng một trường, giữa các trường trong cùng một địa bàn đã có sự chênh lệch rõ rệt nên sẽ thiệt thòi cho nhiều học sinh. Trong khi nếu cùng tham gia một kỳ thi chung do nhà trường tổ chức, việc đánh giá sẽ khách quan hơn hẳn và khi đó, kết quả đỗ trượt dù có kết hợp với kết quả học bạ tiểu học, điểm ưu tiên… vẫn sẽ thuyết phục hơn nếu chỉ có một căn cứ duy nhất là điểm học bạ.