Tuyển sinh đại học 2025: Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ xét tuyển sớm

Bộ GD-ĐT dự kiến có thể bỏ xét tuyển sớm. Chỉ tiêu cho xét tuyển sớm sẽ chỉ dành cho những học sinh có thành tích vượt trội, xuất sắc, có các giải thưởng quan trọng trong nước và quốc tế. Còn lại đa số thí sinh đều tham gia vào đợt xét tuyển chung theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT.

Đây là nhấn mạnh của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT tại tọa đàm hướng nghiệp và tuyển sinh, vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ xét tuyển sớm

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, giai đoạn trước đây, các trường đại học thường dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, trong khi đó chưa có những phân tích, căn cứ và minh chứng khoa học để đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành đào tạo.

Giai đoạn vừa qua, Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non và đã nhận được rất nhiều ý kiến về vấn đề xét tuyển sớm. Hầu hết chuyên gia đều cho rằng không nên tổ chức xét tuyển sớm, bởi tất cả nguyện vọng của thí sinh cuối cùng vẫn phải nhập lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất, cao nhất có thể trong năng lực của mình, dù tham gia xét tuyển sớm hay không.

Xét tuyển sớm mang đến gánh nặng về nguồn lực đối với các nhà trường, đồng thời cũng là gánh nặng đối với thí sinh khi các em phải nộp hồ sơ rất vất vả ở nhiều trường khác nhau để tăng cơ hội, dù cơ hội đó vẫn được dành cho các em ngay trong đợt xét tuyển chung, khi được đặt số lượng nguyện vọng không giới hạn.

“Trong dự thảo, chúng tôi đang quy định việc xét tuyển sớm sẽ giới hạn chỉ tiêu khoảng 20%. Tuy nhiên, khi tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, chúng tôi dự kiến có thể không cần xét tuyển sớm nữa. Chỉ tiêu cho xét tuyển sớm sẽ nhỏ, dành cho những bạn học sinh có thành tích vượt trội, xuất sắc, có các giải thưởng quan trọng trong nước và quốc tế. Đây là đối tượng vượt trội, là lực lượng tài năng rất đặc biệt mà các trường đại học cần thu hút. Còn lại đa số thí sinh đều tham gia vào đợt xét tuyển chung theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.

 PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT (Ảnh: Trần Hiệp)

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT (Ảnh: Trần Hiệp)

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, trên thực tế, khái niệm xét tuyển sớm chỉ về mặt thời gian, so với mốc là kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Xét tuyển sớm hay xét tuyển theo kế hoạch chung (tức là sau khi thí sinh tốt nghiệp THPT) chỉ có một điểm khác biệt. Đó là nếu xét tuyển sớm, thí sinh không sử dụng được điểm thi tốt nghiệp, còn khi xét tuyển theo kế hoạch chung thì tất cả phương thức xét tuyển, tất cả dữ liệu mà các em đã có từ học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi từ các kỳ thi năng khiếu, kỳ thi độc lập của các trường, các chứng chỉ quốc tế,... đều được áp dụng.

Do đó, thực tế ở kỳ xét tuyển sớm, thí sinh được sử dụng ít phương thức xét tuyển hơn. Nếu không có xét tuyển sớm thì về mặt thời gian, thí sinh cũng vẫn phải đăng ký trong đợt xét tuyển chung.

“Như vậy để tránh cho các em phải đăng ký xét tuyển tới 2 lần, có lẽ quy chế sẽ không cần đến việc xét tuyển sớm”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, việc đăng ký xét tuyển đại học năm 2025 vẫn được thực hiện như mọi năm, thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng mà các em muốn dự tuyển lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung sau khi thi tốt nghiệp THPT. Lúc này, trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GD-ĐT đã có đầy đủ thông tin của các em để có thể xét tuyển ở tất cả phương thức.

Những trường hợp đặc biệt, có giải quốc tế, quốc gia, trường hợp được xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT có thể ứng tuyển trước vào các trường. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ rất nhỏ, dành cho những thí sinh tài năng.

“Như vậy, đại đa số thí sinh không cần lo lắng đến việc ứng tuyển vội. Các em hãy tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT thật tốt, có kết quả thật xuất sắc thì chắc chắn các em sẽ có nhiều cơ hội để trúng tuyển vào nguyện vọng mà mình mong muốn nhất”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đưa ra lời khuyên tới thí sinh.

 Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: Xuân Quý)

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: Xuân Quý)

Vì sao nhiều chuyên gia đề nghị bỏ hình thức xét tuyển sớm?

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân trước đó, Tiến sĩ Phạm Hiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao tri thức, Trường Đại học Thành Đô cho rằng, hiện nay, chúng ta đang có quá nhiều phiên bản, hình thức của phương thức xét tuyển sớm, gây rối loạn thông tin cho thí sinh, phụ huynh.

Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, việc xét tuyển sớm không tạo sự công bằng giữa các thí sinh với nhau. Do có quá nhiều thang đo đánh giá, một học sinh không thể chuẩn bị được hết, nhất là với những em vùng khó khăn. Những đối tượng nào phù hợp với các tiêu chí xét tuyển sớm sẽ được chọn trước, trong khi chưa chắc đã là giỏi nhất, phù hợp nhất. Bên cạnh đó, những trường lớn, lâu đời sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi xét tuyển sớm so với những trường nhỏ.

Hiện nay, nhiều quốc gia tại khu vực châu Á vẫn chỉ áp dụng một kỳ thi chung duy nhất trong tuyển sinh đại học, như tại Trung Quốc là kỳ thi cao khảo; hay tại Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tương tự. Những yếu tố khác thường được sử dụng trong xét tuyển sớm như chứng chỉ SAT, IELTS, học bạ,... chỉ là điểm cộng, được Nhà nước khống chế theo một khoảng nhất định, quy định rõ về điểm cộng tối đa.

Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, chúng ta cũng nên áp dụng cách làm tương tự cho tuyển sinh đại học, vừa tránh tạo sự bất bình đẳng trong xét tuyển, vừa để những thí sinh có các điều kiện về chứng chỉ quốc tế, học bạ tốt,... có điểm cộng ưu tiên. Với riêng những trường lớn, được Nhà nước đầu tư trọng điểm có thể được quyền tổ chức kỳ thi riêng để lựa chọn sinh viên ưu tú, còn những trường khác thuộc top trung bình chỉ nên có một kỳ thi chung.

PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính nhìn nhận, khi tất cả các trường đại học đều xét tuyển sớm sẽ làm các trường phổ thông vất vả, khối lượng xác nhận nhiều, thí sinh không quan tâm đến học kỳ 2 năm lớp 12. Có trường đại học chỉ xét kết quả học tập của học sinh ở lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 nên có câu chuyện học sinh ăn Tết xong vào học kỳ 2 không tập trung học nữa.

Giám đốc Học viện Tài chính đề nghị, cần mạnh dạn bỏ hình thức xét tuyển sớm, bởi con số 20% dành cho xét tuyển sớm Bộ GD-ĐT đề xuất tại dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025 không mang nhiều ý nghĩa. Đồng thời, đẩy sớm thời gian xét tuyển đợt 1 để đợt 2 các trường tiếp tục tuyển sinh những em có nguyện vọng thực sự.

TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cũng cho rằng, việc học sinh lơ là, không tập trung học ở thời điểm cuối năm lớp 12, hay các em chỉ tập trung học những môn học để thi ở THPT cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, làm mất cân bằng đến quá trình các em học đại học sau này. TS Võ Thanh Hải ủng hộ việc bỏ hình thức xét tuyển sớm, cần siết chặt lại các quy định, để công tác tuyển sinh công bằng và hiệu quả hơn.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Vương Hương Giang, trong những năm qua khi triển khai hỗ trợ thí sinh tham gia xét tuyển sớm, Sở GD-ĐT Hà Nội nhận thấy bộc lộ một số tồn tại. Đơn cử, do mong muốn trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng bằng chỉ tiêu xét tuyển sớm nên thí sinh đã làm nhiều hồ sơ đăng ký vào nhiều cơ sở đào tạo, dẫn đến các trường THPT mất rất nhiều thời gian, công sức để sao in học bạ, xác nhận hồ sơ cho thí sinh trong khi đây là thời gian cao điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh đó, sau khi có kết quả trúng tuyển, nhiều thí sinh không có tâm lý tiếp tục ôn tập vì chỉ cần tốt nghiệp THPT. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi và ảnh hưởng đến tâm lý ôn tập của các thí sinh khác.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Vương Hương Giang cho rằng, việc Bộ GD-ĐT quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm và điểm chuẩn trúng tuyển cần đảm bảo được sự công bằng giữa các thí sinh trong các đợt xét tuyển và giảm được các tồn tại nêu trên.

Nguyễn Liên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-2025-bo-gd-dt-du-kien-bo-xet-tuyen-som-post401268.html
Zalo