8.577 GV không được chi trả tiền thêm giờ, Giám đốc Sở GD Thanh Hóa nêu lý do

Do thiếu nguồn kinh phí, hàng nghìn giáo viên các trường mầm non, phổ thông ở Thanh Hóa chưa được chi trả chế độ tiền lương dạy thêm giờ năm học 2023-2024.

Tính đến đầu tháng 01/2025, vẫn còn tình trạng hàng nghìn giáo viên ở tỉnh Thanh Hóa chưa được chi trả chế độ tiền lương dạy thêm giờ năm học 2023-2024, do thiếu nguồn kinh phí.

8.577 giáo viên dạy thừa giờ không được chi trả tiền lương làm thêm giờ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Về vấn đề này, vừa qua, đơn vị đã có văn bản trả lời công văn số 6503/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 14/10/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về báo cáo việc trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong năm học 2023-2024.

Theo đó, đối với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, các giảng viên, giáo viên dạy thêm giờ đều được cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chi trả tiền lương làm thêm giờ kịp thời, đúng định mức theo quy định.

Riêng đối với các trường mầm non, phổ thông, số lượng giáo viên dạy thêm giờ nhưng không được chi trả tiền lương làm thêm giờ (trong năm học 2023-2024) là 8.577 người. Nguyên nhân là do thiếu nguồn kinh phí để chi trả”.

Chia sẻ với phóng viên, một giáo viên trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) không giấu được tâm tư: “Tôi đã công tác được 12 năm, vấn đề chưa được chi trả dạy thêm giờ không chỉ xảy ra trong năm học vừa qua, mà đã kéo dài qua nhiều năm trước. Không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều giáo viên khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Mặc dù số tiền dạy thêm giờ của tôi không nhiều, tôi vẫn mong sớm được thanh toán để nhận đúng số tiền tương xứng với công sức đã bỏ ra. Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng thiếu giáo viên kéo dài, khiến khối lượng công việc tăng lên, trong khi nguồn kinh phí để chi trả cũng gặp nhiều khó khăn”.

Cùng chung nỗi trăn trở đó, thầy Lê Xuân Hùng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở thị trấn Lang Chánh (huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: “Hiện nay, Trường Trung học cơ sở thị trấn Lang Chánh có khoảng 10 giáo viên có tiền dạy thêm giờ. Vấn đề chi trả tiền lương đã thực hiện đầy đủ, đúng định mức theo quy định; riêng việc chi trả tiền làm thêm giờ vẫn chưa được thanh toán.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhà trường đang gặp vấn đề thiếu giáo viên, dẫn đến khối lượng công việc tăng lên. Nếu trường đủ giáo viên, tăng thêm khoảng 5 thầy, cô giáo, sẽ giải quyết được vấn đề giáo viên dạy thêm giờ. Ngoài ra, nguồn kinh phí để chi trả tiền lương làm thêm giờ cũng còn hạn chế”.

 Học sinh trường Trung học cơ sở thị trấn Lang Chánh dự lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: NTCC.

Học sinh trường Trung học cơ sở thị trấn Lang Chánh dự lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: NTCC.

Đánh giá tác động của Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC của Liên bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, về thuận lợi, Thông tư liên tịch số 07 cung cấp quy định cụ thể về cách tính và chi trả lương làm thêm giờ cho đội ngũ nhà giáo. Bên cạnh đó, việc chi trả lương làm thêm giờ đã khuyến khích, động viên nhà giáo cố gắng, nỗ lực trong công tác và tạo điều kiện để nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cho đội ngũ nhà giáo.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, còn gặp rất nhiều khó khăn như: số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm không vượt quá số giờ theo quy định của Bộ luật Lao động, tức không quá 200 giờ/năm. Trong khi đó, trên thực tế, nhiều nhà giáo có trình độ chuyên môn tốt và đang giữ các vị trí quản lý và kiêm nhiệm thực hiện số giờ làm thêm vượt quá 200 giờ/năm, nhưng chỉ thực hiện chi trả 200 giờ/năm. Do đó, chưa đảm bảo được quyền lợi của đội ngũ nhà giáo.

Ngoài ra, nhiều trường chưa thực hiện việc trả thêm giờ vì nguồn kinh phí được cấp hàng năm chưa đảm bảo để chi trả theo định mức quy định tại Thông tư liên tịch số 07.

Nguồn chi lương thêm giờ cho giáo viên từ nguồn thu học phí, do đó, nếu đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, thì mức học phí sẽ tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến người học và kết quả tuyển sinh và đào tạo của trường, nên khó khăn trong triển khai thực hiện.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa chia sẻ thêm: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều cơ sở đào tạo cùng nghề, năng lực đào tạo nghề của các trường lớn hơn nhu cầu học của nhân dân, nên phải chịu sự cạnh tranh gay gắt, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của đội ngũ giáo viên.

Do đó, việc thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập bằng 150% tiền lương dạy một giờ theo quy định, nên kinh phí chi trả cho việc dạy thêm giờ rất lớn, khó thực hiện”.

 Kinh phí chi trả tiền lương dạy thêm giờ năm học 2023-2024. Ảnh chụp màn hình.

Kinh phí chi trả tiền lương dạy thêm giờ năm học 2023-2024. Ảnh chụp màn hình.

Đề nghị điều chỉnh, bổ sung giới hạn giờ làm thêm tại Thông tư liên tịch số 07

Để khắc phục tình trạng giáo viên chưa được chi trả tiền lương dạy thêm giờ, thầy Lê Xuân Hùng cho rằng: “Trước hết, cần bổ sung đủ giáo viên để đảm bảo không còn tình trạng dạy thêm giờ. Khi đội ngũ còn thiếu nhiều, bản thân mỗi giáo viên phải gánh thêm nhiều tiết dạy, điều này gây áp lực lớn cho chính các thầy, cô.

Mặt khác, quy trình chi trả tiền dạy thêm cần được thực hiện đúng quy định và kịp thời. Việc không được thanh toán tiền dạy thêm giờ kịp thời cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều giáo viên. Dù vậy nhà trường và địa phương đang rất cố gắng để giải quyết và tháo gỡ vấn đề này”.

Về giải pháp khắc phục những khó khăn đang hiện hữu đối với ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa, ông Trần Văn Thức chia sẻ: “Địa phương cần thực hiện mức thu học phí bằng mức trần tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Đồng thời, xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở thu học phí theo từng trình độ của từng ngành nghề trong quá trình đào tạo.

Ngoài ra, đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí dạy thêm giờ theo thực tế cho từng địa phương, đơn vị để thực hiện việc chi trả tiền thừa giờ theo đúng quy định”.

Cuối cùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa bày tỏ: “Đề nghị điều chỉnh, bổ sung giới hạn giờ làm thêm tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/3/2013 của Liên bộ Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Tài chính cho phù hợp với thực tế tại địa phương”.

Vân Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/8577-gv-khong-duoc-chi-tra-tien-them-gio-giam-doc-so-gd-thanh-hoa-neu-ly-do-post248381.gd
Zalo