Cảnh báo sinh viên về hình thức lừa đảo mới

Hàng loạt trường đại học (ĐH) vừa qua đã phát đi cảnh báo trên trang thông tin của trường về việc đề cao cảnh giác trước các thông tin giả mạo, lừa đảo mới xuất hiện. Đã có trường hợp sinh viên bị lừa chuyển khoản tới 150 triệu đồng.

Sinh viên tham gia Ngày hội việc làm, sự kiện thường niên do Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức. Ảnh: VNU.

Sinh viên tham gia Ngày hội việc làm, sự kiện thường niên do Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức. Ảnh: VNU.

Cụ thể, cảnh báo được ĐH Kinh tế Quốc dân đưa ra sau phản ánh của sinh viên về “Thông báo giao lưu sinh viên quốc tế chương trình liên kết đào tạo chứng chỉ chuyên ngành” và “Thông báo về chương trình trao đổi sinh viên với Trường ĐH Melbourne năm học 2024-2025”.

Nội dung của một trong hai thông báo này cho biết “kỳ giao lưu sinh viên quốc tế thuộc khóa K66 của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là kỳ giao lưu dựa trên học bổng Chính phủ, được tài trợ và chu cấp về sinh hoạt phí và học phí. Sinh viên đủ điều kiện xét tuyển nộp hồ sơ học lực và chứng chỉ học phần liên quan tại văn phòng quản lý đào tạo nhà trường. Sinh viên lấy minh chứng tài chính qua 2 phương thức: Sao kê điện tử nộp qua gmail nhà trường; sao kê giấy nộp trực tiếp tại phòng quản lý đào tạo nhà trường: Phòng 204, tòa A4, sảnh C, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân”.

Tuy nhiên, trên thực tế, ĐH Kinh tế Quốc dân không có tòa nhà A4 và cũng đã đổi tên thành ĐH, không còn là trường ĐH. ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định không ban hành các văn bản có các nội dung trên, sinh viên và gia đình cần hết sức cẩn trọng để tránh bị lừa đảo.

Trước đó, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng cảnh báo về sự giả mạo của thư mời họp mặt giao lưu sinh viên quốc tế ghi là của trường này. Nội dung thư mời chúc mừng và thông báo đến một sinh viên ngành công nghệ thực phẩm về việc đủ điều kiện ghi danh vào khóa học giao lưu sinh viên quốc tế tại Singapore dành cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc. Điều đáng nói, sau thư mời này là yêu cầu sinh viên đóng phí để được xét duyệt.

Cũng với chiêu thức mời sinh viên học tập, trao đổi ở nước ngoài với học bổng từ 20-100%, sinh viên nhiều trường khác cũng nhận được thư mời hoặc được các đối tượng lừa đảo gọi điện đến thông báo việc này và yêu cầu người tham gia phải đóng khoản phí từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng để tham gia. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) và Trường ĐH FPT, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đều lên tiếng cảnh báo về các chiêu trò giả mạo này nhằm cảnh báo sinh viên không bị mắc bẫy.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo, sinh viên chỉ nên thanh toán học phí qua các kênh chính thức do nhà trường cung cấp, và tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc các tài khoản ngân hàng không rõ nguồn gốc. Sinh viên cũng cần thường xuyên kiểm tra thông tin trên trang web của trường hoặc liên hệ trực tiếp với phòng tài chính để xác nhận và được hướng dẫn chi tiết về các khoản phí.

Trong thời điểm cuối năm, những quảng cáo hấp dẫn như “việc làm tại nhà, không cần kinh nghiệm, không yêu cầu bằng cấp, linh hoạt thời gian” đã thu hút không ít người, đặc biệt là những người trẻ thiếu kinh nghiệm.

Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) thông tin đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt 300 triệu đồng của một nam sinh viên với chiêu thức gọi điện tự xưng là cán bộ công an, thông báo đến người nhận là có liên quan đến vụ án hình sự. Đối tượng yêu cầu sinh viên này chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác điều tra. Do không nắm được thủ đoạn giả danh công an để lừa đảo, nam sinh viên đã chuyển 300 triệu đồng cho đối tượng. Sau đó, phát hiện mình bị lừa nên sinh viên này đã đến cơ quan công an trình báo.

Theo ThS Nguyễn Thị Kim Phụng (Trường ĐH Tài chính – Marketing), tỉ lệ sinh viên tìm kiếm việc cuối năm rất cao do vừa thi học kỳ xong và có thời gian nghỉ. Trong khi đó tìm việc trên các nền tảng số hiện nay rất tiện lợi nên được nhiều sinh viên ưu tiên. Các đối tượng lừa đảo cũng nhắm vào đây để tìm “con mồi”. Những người này thường sẽ chủ động nhắn tin, gọi điện và mời sinh viên vào nhóm kín, nơi có nhiều người tự nhận đã làm việc và nhận được nhiều tiền để tạo lòng tin.

Do đó, sinh viên phải cẩn thận để không rơi vào bẫy. “Nếu tìm việc ở những trang mạng xã hội, các bạn cần xác định nội dung thông tin, đơn vị tuyển dụng đó có thật hay không bằng cách tra Google hoặc nhờ thầy cô kiểm tra. Khi đã bị lừa tiền qua mạng xã hội thì rất khó có khả năng lấy lại được” - bà Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ.

ThS Trần Nam - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) khuyến cáo, sinh viên cần cảnh giác trước những số điện thoại lạ, tài khoản mạng xã hội có thông tin không rõ ràng để nhận biết, phòng tránh các cuộc gọi lừa đảo. “Nếu chúng ta không làm gì sai thì sẽ không có hành vi phạm pháp. Chúng ta không nộp hồ sơ ở đâu thì chắc chắn chúng ta sẽ không có học bổng. Những khoản chi trả hậu hĩnh thì không đến từ những hoạt động bình thường, mà rất có thể là những chiêu trò để dụ dỗ các bạn” - ông Nam cảnh báo.

Lam Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/canh-bao-sinh-vien-ve-hinh-thuc-lua-dao-moi-10297908.html
Zalo