Tuyên Quang: Công nhận tập quán trồng lúa nước của người Tày ở huyện Lâm Bình là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 9/2, (tức ngày 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Ủy ban nhân dân huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ hội Lồng Tông và Ngày hội Văn hóa các dân tộc Xuân Ất Tỵ năm 2025.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang trao Bằng chứng nhận di sản cho lãnh đạo huyện Lâm Bình và lãnh đạo Ủy ban nhân dân thị trấn Lăng Can.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang trao Bằng chứng nhận di sản cho lãnh đạo huyện Lâm Bình và lãnh đạo Ủy ban nhân dân thị trấn Lăng Can.

Lễ hội nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị tri thức trồng lúa nước của người Tày ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Dịp này, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày” ở thị trấn Lăng Can và các xã: Hồng Quang, Khuôn Hà, Thượng Lâm, Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Lồng Tông huyện Lâm Bình được tổ chức gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ chính gồm: Các mâm lễ được chuẩn bị bởi 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, được tổ chức cúng tế tại Đền Pú Bảo cúng tế trời đất và cầu mong các thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, cây cối tươi tốt, vạn vật sinh sôi, mùa màng bội thu. Sau đó rước về chính giữa sân vận động tại chân cột cây còn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lâm Bình Lê Thế Đạt đánh trống khai hội Lồng Tông xuân Ất Tỵ 2025.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lâm Bình Lê Thế Đạt đánh trống khai hội Lồng Tông xuân Ất Tỵ 2025.

Lễ hội Lồng Tông huyện Lâm Bình được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, kết hợp với các hoạt động của Ngày hội Văn hóa các dân tộc đem đến cho nhân dân, du khách những trải nghiệm thú vị trong không gian văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của nhân dân các dân tộc địa phương.

Nghi thức cày tịch điền với mong muốn một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Nghi thức cày tịch điền với mong muốn một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Lễ hội năm nay diễn ra các hoạt động như: Cày tịch điền, phát lộc đầu xuân, chương trình nghệ thuật, múa đồng diễn, tung còn, hội thi bắt cá, bịt mắt bắt vịt; Giao lưu văn hóa ẩm thực dân tộc như thêu dệt thổ cẩm, vẽ sáp ong, múa khèn Mông, các làn điệu dân ca, dân vũ, nhảy sạp, khiêu vũ hiện đại.

Lễ hội được tổ chức nhằm giữ gìn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc địa phương; giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của huyện vùng cao Lâm Bình.

Lễ vật được các nam thanh, nữ tú dâng lên mâm tồng.

Lễ vật được các nam thanh, nữ tú dâng lên mâm tồng.

Huyện Lâm Bình có 12 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người Tày chiếm hơn 60% dân số, là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa. Trong lịch sử sinh sống và phát triển, đồng bào Tày đã sáng tạo ra hệ thống tri thức bản địa trong canh tác lúa nước. Những kỹ thuật chọn giống, gieo trồng, quản lý nguồn nước được tích lũy và truyền lại qua nhiều thế hệ không chỉ góp phần bảo đảm nguồn lương thực mà còn tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo.

Tri thức trồng lúa nước không chỉ dừng lại ở các kỹ thuật sản xuất mà còn gắn liền với đời sống tinh thần của người dân. Các lễ hội truyền thống như Lồng Tông (Lễ hội xuống đồng), nghi lễ mừng cơm mới hay những phong tục dân gian được lồng ghép trong mùa vụ đã góp phần tạo nên không gian văn hóa giàu ý nghĩa.

HẢI CHUNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tuyen-quang-cong-nhan-tap-quan-trong-lua-nuoc-cua-nguoi-tay-o-huyen-lam-binh-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post859253.html
Zalo