Giá trị lịch sử của chùa Bửu Hưng
Ngoài các giá trị về lịch sử, về mỹ thuật, điêu khắc, kiến trúc, nghệ thuật viết chữ..., chùa Bửu Hưng còn mang giá trị to lớn về mặt giáo dục cho các thế hệ thanh niên về đạo đức cách mạng, về tinh thần yêu nước, yêu quê hương xứ sở của mình.
Chùa Bửu Hưng - một ngôi cổ tự có tuổi đời trên 200 năm là một trong số ít ngôi chùa ở Nam Bộ còn bảo lưu tốt những giá trị kiến trúc nghệ thuật. Chùa tọa lạc tại ấp Hòa Ninh, xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, cách thị xã Sa Đéc 9 km; cách trung tâm huyện Lai Vung 3 km về hướng Đông Nam.
Chùa nằm ngang rạch Cái Cát nên còn có tên là chùa Cái Cát. Ngôi cổ tự này còn là một trong những “chứng nhân” cho quá trình khai khẩn đất hoang ở Đồng Tháp.
Lịch sử ngôi cổ tự
Theo tư liệu còn lưu tại chùa, thì Bửu Hưng tự được khai sơn vào nửa thế kỷ thứ 18 (1777-1789, năm Kỷ Dậu đến năm Đinh Dậu), những năm này Thiền sư Nguyễn Đăng từ miền Trung vào Nam đến tận miền Tây và dừng chân nơi này khai sơn thảo am thờ Phật. Hiện không biết hành trạng của Thiền sư Nguyễn Đăng, chỉ qua bài thơ ngũ ngôn còn khắc trên vách ngôi mộ của Thiền sư mà nhiều người đoán định rằng thiền sư là người ở kinh đô Phú Xuân theo đường bộ vào Nam lập am ẩn tu.
![Ảnh tác giả cung cấp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_611_51437999/4384b7828ccc65923cdd.jpg)
Ảnh tác giả cung cấp.
Sau khi Thiền sư Nguyễn Đăng viên tịch, kế thế thảo am là Thiền sư Tịnh Châu du hóa đến nơi này dừng lại tu tập. Thảo am tuy nhỏ hẹp nhưng đạo đức cao thâm của Thiền sư Nguyễn Đăng lúc sinh tiền và danh tiếng tu hành của Thiền sư Tịnh Châu nên gần xa có mười vị Tăng sĩ đến tu thiền, vì thế phải dựng thêm Tăng đường, cũng bằng tre nứa, tranh vách trát bùn. Ở phía Tây là nơi thiền sinh Tăng ở tham thiền học đạo, bên hướng Đông chùa đào một cái ao chứa nước để dùng trong mùa nắng. Chùa Bửu Hưng lúc này còn hoang sơ vắng vẻ, cây rừng ẩm thấp, đêm ngày thỉnh thoảng vẫn có thú rừng đến ao uống nước. Vẻ âm u cô tịch chốn thâm lâm lại xuất hiện cọp, beo cũng lần mò đến thảo am uống nước và nghe kinh chú nguyện của Tổ Tịnh Châu, thế nên sau này trong nhà Tổ có hai tấm biển thờ để ghi lại sự kiện trên. Tấm biển ghi “Tây Thập Đông Hổ” - bốn chữ này có nghĩa phía Tây chùa có nhà Tăng cho mười vị ở tu, phía Đông có hồ nước đêm ngày có cọp thú đến uống nước nghe kinh để nói lên sự nhiệm mầu của Phật Pháp.
Tấm biển thứ hai khắc bốn chữ “Vô sở trụ tâm” nói lên tông chỉ tu của chùa lúc bấy giờ là Thiền Tông. Theo phép Bảo Đàn của Lục Tổ Huệ Năng.
Khi Thiền sư Tịnh Châu viên tịch, lúc bấy giờ ở Mỹ Tho có Thiền sư Tiên Thiện Từ Lâm (sinh năm 1780, tịch năm 1859) thuộc phái Lâm Tế đời thứ 37, đệ tử của Thiền sư Tổ Trí Khánh Hưng ở chùa Đức Lâm, Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang. Thiền sư Tiên Thiện Từ Lâm tu hành chân chính giới hạnh tinh nghiêm, sở học uyên bác, thông hiểu kinh điển nên sớm nổi danh ở Gia Định (sau khi rời Đức Lâm), Thiền sư Từ Lâm về trụ trì chùa Bửu Lâm cũng trong thành phố Mỹ Tho và trụ trì chùa Sắc Tứ Long Tuyền, Thạnh Phú, Xoài Hột (Rạch Gầm Xoài Mút xưa).
Năm 1803, Thiền sư sang Sa Đéc và kế thế trụ trì chùa Bửu Hưng, từng bước xây đắp và đến hôm nay đã trở thành ngôi đại tự, tổ chức uy nghiêm thiền môn quy củ và cử pháp đệ là Thiền sư Tiên Tâm Bửu Châu kế thế trụ trì chùa Bửu Hưng, đại trùng tu chính điện Bửu Hưng, cất nhà theo diện tích to lớn quy mô như chùa Bửu Lâm, Sắc Tứ Long Tuyền ở Mỹ Tho. Lần đại tu này xong, ngài giao lại cho sư Bửu Châu trụ trì và trở về chùa Bửu Lâm, chùa Sắc Tứ Linh Thứu Long Tuyền ở Mỹ Tho (khoảng 1822 về sau).
Đời trụ trì thứ tư ở chùa Bửu Hưng là Thiền sư Tiên Tâm Bửu Châu, quê quán ở Mỹ Tho, xuất gia ở chùa Đức Lâm, sinh năm 1788 và mất năm 1879, là pháp đệ của Thiền sư Tiên Thiện Từ Lâm. Sư Tiên Tâm Bửu Châu về Bửu Hưng hoằng hóa cho đến ngày viên mãn, khi tịch đồ chúng đệ tử nhập vào khu mộ tháp trong khuôn viên vườn trúc của chùa.
Kế thế trụ trì chùa Bửu Hưng là Thiền sư Minh Phước Tư Trung là đệ tử của Hòa Thượng Tiên Thiện Từ Lâm. Sau thời gian ngắn trụ trì chùa Bửu Hưng, Thiền sư Tư Trung Minh Phước về khai sơn và trụ trì chùa Phước Hưng (tục gọi là chùa Hương) ở thị xã Sa Đéc cho đến ngày viên tịch 19 tháng 7 năm Giáp Thân (1884). Nhục thân được đồ chúng đưa về nhập tháp ở Bửu Hưng.
Thay thế trụ trì chùa Bửu Hưng là Thiền sư Minh Tịnh Bửu Thanh. Sư Minh Tịnh Bửu Thanh là sư huynh của sư Minh Phước Tư Trung, sinh năm 1832 (Nhâm Thìn) xuất gia tu học tại Tổ đình Đức Lâm - Mỹ Tho. Sau đó về trụ trì chùa Bửu Hưng cho đến ngày viên tịch, ngày 08 tháng 12 năm 1889 (Kỷ Hợi), đồ chúng lập tháp mộ trong vườn trúc Bửu Hưng.
Năm 1900, thầy Yết Ma Như Lý Thiên Trường kế thế trụ trì chùa Bửu Hưng. Thầy Như Lý Thiên Trường sinh năm Đinh Sửu 1877 quê ở làng Điều Hòa - Định Tường, xuất gia khi chín tuổi. Tu học với Hòa Thượng Minh Tông Nhứt Bổn Thông Nam ở Tổ đình Bửu Lâm, Mỹ Tho. Theo hầu Hòa Thượng Minh Tịnh Bửu Thanh, khi Tổ Minh Tịnh Bửu Thanh viên tịch, Thiền sư Như Lý Thiên Trường kế thế trụ trì chùa Bửu Hưng (1919-1930) và trụ trì luôn cả Bửu Lâm - Mỹ Tho. Ngài tịch năm 1969 tại chùa Bửu Lâm, thọ 93 tuổi.
Năm 1909-1911 đại trùng tu xây chính điện chùa Bửu Hưng, trạm trổ thêm bao lam, thần vọng, biển thờ, tạo thêm hoành phi, câu đối, chấn chỉnh già lam... Phước địa rực rỡ trang nghiêm, chỉnh sửa khu mộ tháp lâu đời sụp đổ, tôn tạo cây cảnh...
Kiến trúc và bài trí
Ngày nay, ngôi chùa nằm giữa khu vườn yên tĩnh, xen lẫn những bụi trúc xanh tươi. Trước chùa là hồ sen và trước nữa là con rạch tươi mát chảy xuôi ngang chùa, phía trên có chiếc cầu vòng cung bắc ngang rạch, phong cảnh thật nên thơ. Cổng chùa được xây theo dạng tam quan, gồm cổng chính lớn ở giữa và hai cổng phụ, nhỏ ở hai bên. Cả ba cổng đều có lợp mái màu xanh. Trên mái có tượng rồng và trang trí nhiều họa tiết khác. Dưới mái cổng nhỏ bên phải (nhìn từ ngoài vào) có hai chữ Hán: Sơn môn; Bến trái là Thanh tịnh. Hai bên cổng phụ có cặp câu đối chữ Hán như sau:
Nhập môn nghi thập dung thường tính;
Đáo tự ứng sinh hoan hỉ tâm.
Hai hàng cột ở cổng chính cũng có cặp câu đối bằng chữ Hán:
Bửu pháp chân truyền đức đại từ bi khai giác lộ;
Hưng tu minh giáo hoành thâm phổ chiếu nhập thiền môn.
Hai chữ đầu của câu đối ghép lại thành tên chùa: Bửu Hưng. Đây là cách chiết tự thường thấy ở các chùa Nam Bộ.
![Ảnh tác giả cung cấp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_611_51437999/c8fdcbfbf0b519eb40a4.jpg)
Ảnh tác giả cung cấp.
Sau cổng là một thần đạo dẫn vào chùa, được xây cao ráo bằng xi măng trông rất sạch sẽ. Giữa sân chùa tôn trí tượng Phật Quán Âm. Bên phải sân chùa là khu mộ táng - nơi an táng các vị tổ của chùa qua các thời kì.
Mái chùa lợp ngói âm dương. Trên mái nóc có tượng đôi rồng chầu bánh xe pháp luân. Mặt tiền chùa được trang trí nhiều họa tiết, cửa gỗ màu nâu kết hợp với nước sơn màu vàng và những đường viền trắng, đỏ làm cho ngôi chùa nổi bật hẳn lên vẻ đẹp đầy cổ kính. Kiến trúc chùa được cất theo lối hình chữ Tam gồm Tiền đường, Chính điện và Hậu tổ. Tiền đường và chính điện nối liền nhau gồm ba gian hai chái rộng lớn kiểu tứ trụ, có bao lam, thần vọng chạm trổ tứ linh rất tinh xảo và công phu.
Bàn thờ ở chính điện có nhiều tượng Phật. Trong đó, “Tượng Phật A Di Đà được thờ ở vị trí chủ vị thuộc gian trung tâm của chính điện, có niên đại vào năm Minh Mạng thứ hai (tức năm 1821). Vua Minh Mạng sau khi lên ngôi đã cho tạc tượng Phật A Di Đà gửi vào cúng dường để bày tỏ lòng biết ơn Hòa thượng chùa Bửu Hưng khi xưa đã che chở cho tiên đế (Nguyễn Ánh - vua Gia Long) trong cuộc lánh nạn Tây Sơn. Trụ trì lúc bấy giờ là Hòa thượng Tiên Thiện Từ Lâm. Tượng được tạc bằng gỗ mít, cao 2,3 mét tính cả đài sen, được sơn son thếp vàng, tuy nhiên trải qua thời gian dài nên tượng đã phai màu. Dưới đài sen có bệ đỡ tượng Phật được làm bằng gỗ sơn màu đen, chạm khắc hoa văn, các hoa văn được thếp vàng, có chiều cao 0,43 mét, xung quanh được chạm khắc diềm trang trí và hoa văn, bốn chân bệ được chạm khắc mẫu hoa sen trang trí.
Tượng Phật A Di Đà được tạc trong tư thế ngồi kiết già thiền định trên tòa sen - còn gọi là tư thế Vajrasana (Bảo tòa kim cang), hai bàn tay kiết ấn đặt trên hai đùi, hai đầu ngón tay cái chạm nhau, mắt nhắm thiền, tai dài, áo phủ hai vai, trên ngực khắc nổi chữ vạn (卍 - svastika) to, màu đỏ. Khác với những pho tượng Phật trong nền văn hóa tạc tượng của Chăm Pa hay Óc Eo, tượng Phật chùa Bửu Hưng mang đậm phong thái của người Việt. Những đường nét nghệ thuật chạm trổ được nghệ nhân chăm chút đã khắc họa nên hảo tướng của một vị Phật. Tượng được tạc với nụ cười an nhiên, tư thế ngồi tự tại tạo nên sự thân thiện, gần gũi; đồng thời qua đó thể hiện niềm mong ước một cuộc sống an vui, lạc quan tự tại của những người con Việt ở đầu thế kỷ XIX”.[1] Trên bàn thờ và ở hai bên gian bên đều có bao lam chạm trổ rồng phượng, hoa điểu... hết sức tinh xảo và trông rất uy nghiêm.
Trên bàn thờ chính thờ Phật A Di Đà ở bai bên còn có tượng của hai vị Hộ Pháp. “Tượng Hộ pháp khuyến thiện nằm bên trái và tượng Hộ pháp trừng ác ở bên phải của bàn Phật A Di Đà (hướng từ trong nhìn ra). Hai tượng có chiều cao tương đương nhau, gần 2,1 mét, được an vị trên bệ thờ có chiều cao là 1,05 mét, chiều rộng là 0,68 mét.
Tượng Hộ pháp khuyến thiện được tạc với gương mặt hiền từ, đầu đội mũ kim khôi, mình mặc áo giáp trụ, có hổ phù trấn ở đai lưng, râu dài đến bụng, mắt nhìn thẳng, tay phải cầm kiếm, mũi kiếm chống lên sừng con rồng dưới chân, tay trái cầm ngọc (nhưng viên ngọc này theo thời gian có lẽ đã bị rớt mất), hai chân mang giày mũi hài, đứng trên phù điêu chạm rồng ẩn trong mây. Tượng có phong thái phương phi, mạnh mẽ của một bậc hộ pháp. Thanh kiếm trong tay là một biểu tượng về trí tuệ trong Phật giáo. Trí tuệ sắc bén ấy sẵn sàng chặt đứt mọi vọng tưởng của thế gian. Ngọc sáng trên tay là để chiếu soi đưa người đi vào nẻo sáng.
Tượng Hộ pháp trừng ác, được chạm với gương mặt dữ tợn, mắt trợn ngược, râu quai nón hùng hổ, đầu đội mũ kim khôi, tướng mạo phương phi, oai nghi bệ vệ, mình mặc áo giáp trụ, tay phải cầm búa, tay trái thủ thế võ, chân mang giày mũi hài, đứng trên mình rồng. Tượng thể hiện phong thái mạnh mẽ, với ý nghĩa sẵn sàng diệt trừ cái ác, răn đe những người có tâm hạnh xấu ác, giúp họ nhìn lại và tu sửa chính mình”.[2]
Bên trái (nhìn từ trong ra) bàn thờ Phật Di Đà là bàn thờ Phật Di Lặc, bên phải là bàn thờ Đức Thích Ca.
Đối diện bàn thờ chính điện có đặt một tòa Cửu Long phún thủy. Ở đây tượng Thích Ca đản sinh với “mặt thờ xoay vào trong đối diện với bàn Phật A Di Đà. Toàn bộ bàn thờ được chạm bằng gỗ. Bên trên tượng đản sinh là các khung gỗ tách rời được gắn mộng vào nhau, hoa văn trang trí rất đẹp. Khung chủ phía trước tạc hình chín con rồng với chín tư thế khác nhau lấy hình đầu rồng trên đỉnh khung làm chuẩn, chín rồng này cùng phun nước chầu về Đức Phật. Ở trung tâm bàn thờ tôn trí tượng Đức Phật được tạc trong hình hài của một đứa trẻ, với mình trần quấn một chiếc khăn như chiếc váy có nút thắt trước bụng, hai chân đứng trên tòa sen, một tay chỉ trời một tay chỉ đất biểu thị cho câu: Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Nghĩa là trên trời, dưới đất duy có Ta là bậc tôn quý. “Ngã” ở đây chỉ cho tâm Phật, chỉ có tâm Phật là cao quý, bất sinh bất diệt, là mục đích hướng thiện của muôn loài. Đây là mẫu tượng phổ thông xuất hiện ở các chùa sau thế kỷ XVII, các tượng đương đại về sau này thay phần váy phía dưới thành dải khăn vắt qua vai và cột thắt ở phần hông theo kiểu Phật giáo Nam tông, hoặc có khi tạc đầy đủ xiêm y.
Trên khung cửu long ở các tầng mây có an trí nhiều tượng Phật, Bồ-tát, chư thiên…mô tả một thế giới Phật giáo thu nhỏ.
Toàn bộ bàn thờ được thể hiện như một bức tranh lịch sử về sự đản sinh của Thái tử Tất Đạt Đa. Từng nét chạm trổ hoa văn được điêu khắc tinh xảo. Bệ thờ được chạm tứ linh (long, lân, quy, phụng) theo chầu. Các tượng đủ hình thể được an trí trên khung cửu long như hàm ý bày tỏ niềm hân hoan của cả ba cõi khi Đức Phật thị hiện nơi chốn Ta bà: chư thiên trỗi nhạc dâng hoa cúng dường, mười phương ba đời chư Phật đồng tán dương khen ngợi và chín rồng phun nước tắm thân Như Lai. Đây là một biểu tượng đẹp, thiêng liêng trong văn hóa Phật giáo, thể hiện sự tôn kính và tán thán công hạnh của Đức Phật”.[3] Ngoài ra, nơi đây còn có tượng của hai vị Hộ Pháp được đặt ở hai bên. Đó là Tiêu Diện Đại Sĩ và Hộ Pháp Vi Đà. Tượng Hộ Pháp Vi Đà được đúc bằng xi măng, sơn son thếp vàng. Tượng Tiêu Diện Đại Sĩ “được tạc bằng gỗ, cao 1,15 mét. Y phục của tượng được sơn màu nâu đen có viền chỉ màu xanh đậm. Trên đầu đội tượng Bồ tát Quán Âm, tay trái chống hông, tay phải trong tư thế cầm cờ (lá cờ này hiện không còn), mình mặc áo giáp trụ, chân không mang giày. Ngoài việc phụng thờ để lễ bái, bức tượng này thường được thỉnh trần thiết trong những lễ trai đàn chẩn tế tại chùa Bửu Hưng”.[4]
Vách bên trái chùa (từ ngoài nhìn vào) có đặt tượng Bồ tát Chuẩn Đề, kế đến là bộ tượng của chín tượng trong Thập Bát La Hán và bàn thờ của Phổ Hiền Bồ Tát. Vách bên phải gồm tượng Địa Tạng Bồ Tát, chín tượng trong Thập Bát La Hán và Văn Thù Bồ Tát...
Ở chính điện có nhiều hoành phi, câu đối bằng chữ Hán. “Riêng đôi câu đối ở hai bên bàn thờ chính điện được chạm trổ thật công phu, nền rồng mây, chữ nổi, nghệ thuật điêu khắc khó có chùa nào sánh kịp.
Ngọc chất giáng hoàng cung, thổ thủy cửu long tề mộc dục,
Kim thân tu tuyết lĩnh, hàm hoa bách điểu cộng triều cung.
(Chất ngọc giáng cung vua, phun nước cửu long cùng gội tắm,
Thân vàng tu núi tuyết, ngậm hoa bách điểu thảy về chầu.)
Phía trước, bàn thờ có tấm biển viết tháo bốn chữ Vạn Thế Trường Hưng, nét bút bay bướm điêu luyện”.[5]
Sau chính điện là sân Thiên tỉnh để lấy ánh sáng và thông gió, có hành lang hai bên gọi là đông lang và tây lang nối với nhà Hậu Tổ. Trên bàn thờ Tổ, ngoài linh vị còn có chân dung Tổ Thích Chơn Minh viên tịch năm 1992.
Ngoài tiền điện, chính điện và nhà Hậu tổ, khu mộ tháp cũng là một công trình kiến trúc nằm trong tổng thể kiến trúc của Bửu Hưng tự. Đây là nơi an nghỉ của các vị tổ đã khai mở và tôn tạo ngôi tam bảo. Trong đó, có ba mộ tháp là “của các Tổ Tiên Tâm, pháp danh Giác Châu (đời 37), Minh Tịnh, pháp danh Bửu Thành (đời 38) và Quang Minh, pháp danh Giác Đạo (đời 41)”.[6]
Giá trị lịch sử
Tính đến nay, chùa Bửu Hưng đã trải qua gần 200 năm hình thành và phát triển. Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, chịu sự tàn phá của thời gian nhưng chùa vẫn giữ được nhiều cổ vật quý giá như các bức tượng gỗ có tuổi đời hàng trăm năm, các đồ đồng, đồ gốm... Đặc biệt, trong kháng chiến chống Pháp, chùa cũng là nơi chính quyền cách mạng tại địa phương tổ chức họp hội, chỗ trú ngụ của nhân dân.
Đầu năm 1946, Pháp tái chiếm Sa Đéc, nhân dân ở tỉnh lỵ Sa Đéc, làng Tân Phú Đông tản cư vào Long Thắng, chủ yếu đi bằng xuồng, ghe, đậu dưới bến chùa và ken dài theo hai bên bờ rạch Cái Chanh (từ vàm Rạch Cái Cát đến vàm rạch ngã Cũ)… Số lượng lên tới vài trăm người, được nhà chùa cưu mang, cho tá túc và tiếp đãi cơm nước với chay lạt đạm bạc.
Lúc này Pháp đang ra sức khai thông và bảo vệ 80 huyết mạch từ Sa Đéc đến Vàm Cống và bị lực lượng Vệ quốc đoàn phục kích, tấn công nhiều nơi như trận đánh xe Pháp tại cua Hòa Long (thị trấn Lai Vung ngày nay), đồn Tân Thành (huyện Lai Vung), trận càn lớn ở xã Hòa Thành… gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Để đối phó với những hoạt động của Việt Minh và cũng để trấn an tinh thần binh sĩ, chiều ngày mùng 3 tháng 2 năm 1947 hai chiếc máy bay săn giặc của Pháp (Avion de Chasse) đã ném 4 quả bom xuống khu vực chùa Bửu Hưng và bắn nhiều loạt đạn theo rạch Cái Chanh.
Kết quả, giặc Pháp đã làm chết ở chùa 3 vị tăng ni, trong đó có sư Nguyễn Hữu Chánh Viên (trụ trì) và làm bị thương 2 phật tử khác ở gần chùa.
Căm thù quân Pháp ném bom triệt phá chùa, giết oan sư vãi, 2 sa môn của chùa Bửu Hưng là thầy Khương và thầy Vinh đã xếp áo cà sa tham gia kháng chiến. Từ đó, mối quan hệ giữa nhà chùa, nhân dân (trong đó có đồng bào phật tử) và Việt Minh thêm khăng khít; cho nên việc chùa Bửu Hưng trở thành địa điểm hội họp, nuôi chứa, tiếp tế cho cách mạng cũng hết sức tự nhiên.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Việt Minh, năm 1946, nhà chùa cũng đã hiến một đại thần chung cho Ban sưu tầm về chế vũ khí tự tạo để đánh Pháp (để tránh tiếng, nhà chùa nói rằng đại thần chung đã bị mất trộm).
Thời chống Mỹ, thanh niên trong vùng vào chùa làm phật tử để trốn quân dịch, có lúc lên đến khoảng 40-50 người (có cả những người đã tham qia thời chống Pháp)”.[7]
Chùa Bửu Hưng đã trải qua nhiều đời Tổ nhưng không ghi chép lại được đầy đủ dòng truyền thừa. Chỉ biết vào năm Gia Long thứ 2, nhà vua có ban cho chùa tấm biển SẮC TỨ BỬU HƯNG TỰ và vị trụ trì thời ấy là Tổ Từ Lâm được phong là Từ Dung Hòa thượng nghĩa là lành thương dung nạp cho những người sa chân lỡ bước. (Ngụ ý nhắc lại việc nhà vua vào tị nạn trong chùa)”.[8]
Bửu Hưng tự “nằm trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, các ngày lễ lớn trong năm là ngày Phật đản (15 tháng 4 Âm lịch), ngày rằm hạ ngươn (15 tháng 10 Âm lịch). Đặc biệt, lễ Vu Lan được linh động tổ chức theo ngày giỗ Tổ Chơn Minh vào hai ngày 28-29 tháng 7 Âm lịch (thay vì ngày rằm tháng 7 Âm lịch). Lễ cúng này thường có số người dự đông nhất (khoảng 1.000 người)”.[9]
Ngoài các giá trị về lịch sử, về mỹ thuật, điêu khắc, kiến trúc, nghệ thuật viết chữ..., chùa Bửu Hưng còn mang giá trị to lớn về mặt giáo dục cho các thế hệ thanh niên về đạo đức cách mạng, về tinh thần yêu nước, yêu quê hương xứ sở của mình.
Với những giá trị như vậy, chùa Bửu Hưng đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 39/2007/QĐ-BVHTT, vào ngày 03 tháng 8 năm 2007.
Tác giả: Trần Phỏng Diều - Trường Cao đẳng Cần Thơ. Số 413 đường 30 tháng 4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, Tp. Cần Thơ.
Chú thích
[1] https://giacngo.vn/tim-hieu-ve-cac-ton-tuong-tai-chua-buu-hung-post59593.html. Ngày truy cập: 21/7/2024.
[2] https://giacngo.vn/tim-hieu-ve-cac-ton-tuong-tai-chua-buu-hung-post59593.html. Ngày truy cập: 21/7/2024.
[3] https://giacngo.vn/tim-hieu-ve-cac-ton-tuong-tai-chua-buu-hung-post59593.html. Ngày truy cập: 21/7/2024.
[4] https://giacngo.vn/tim-hieu-ve-cac-ton-tuong-tai-chua-buu-hung-post59593.html. Ngày truy cập: 21/7/2024.
[5] Nguyễn Quảng Tuân - Huỳnh Lứa - Trần Hồng Liên (1994), Những ngôi chùa ở Nam Bộ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.160.
[6] Nguyễn Quảng Tuân - Huỳnh Lứa - Trần Hồng Liên (1994), Sđd, tr.161.
[7] Ngô Văn Bé (2011), Bửu Hưng tự (Chùa Cái Cát), Tạp chí Đồng Tháp xưa và nay, số 31, tr.38
[8] Nguyễn Quảng Tuân - Huỳnh Lứa - Trần Hồng Liên (1994), Sđd, tr.162.
[9] Ngô Văn Bé, Tlđd, tr.38.