Tuyển dụng GV hiện nay nhiều bất cập giao quyền tuyển dụng cho ngành là hợp lý
Trao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục sẽ dần dần chấm dứt việc ngành giáo dục không được quyền tuyển nhân sự cho ngành.
Cả nước hiện nay còn thiếu nhiều giáo viên, việc tuyển dụng còn gặp nhiều khó khăn, thực tế vẫn còn nhiều sinh viên sư phạm vẫn còn thất nghiệp do không trúng tuyển khi tuyển dụng, quy trình tuyển dụng qua nhiều tầng nấc còn gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình tuyển dụng.
Đổi mới tuyển dụng, giao quyền tuyển dụng cho các cơ quan quản lý giáo dục hay các cơ sở giáo dục tự chủ tuyển dụng trong dự thảo Luật Nhà giáo mới nếu được thông qua sẽ là một bước tiến và các địa phương sẽ hạn chế tình trạng thiếu giáo viên.
Tuyển dụng giáo viên hiện nay còn qua nhiều tầng nấc
Thủ tục xét tuyển viên chức được Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể tại Quyết định 168/QĐ-BNV công bố thủ tục hành chính quy định tại Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Tại mục I quy định thủ tục thi tuyển viên chức gồm các bước cụ thể như sau:
Bước 1. Thông báo tuyển dụng và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển
Bước 2. Người đăng ký dự tuyển nộp Phiếu đăng ký dự tuyển tại địa điểm tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển hoặc gửi theo đường bưu chính hoặc qua trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng.
Bước 3. Kiểm tra Phiếu đăng ký dự tuyển
Bước 4: Tổ chức thi tuyển viên chức:
Bước 5. Công nhận và thông báo kết quả tuyển dụng viên chức
Bước 6. Hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng
Bước 7. Ký kết hợp đồng làm việc và nhận việc
Tại mục II quy định thủ tục xét tuyển viên chức gồm các bước cụ thể như sau:
Bước 1. Thông báo tuyển dụng và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển
Bước 2. Người đăng ký dự tuyển nộp Phiếu đăng ký dự tuyển tại địa điểm tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển hoặc gửi theo đường bưu chính hoặc qua trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng.
Bước 3. Kiểm tra Phiếu đăng ký dự tuyển
Bước 4. Tổ chức xét tuyển
Bước 5. Công nhận và thông báo kết quả tuyển dụng viên chức
Bước 6. Hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng
Bước 7. Ký kết hợp đồng làm việc và nhận việc
Thực tế, việc tuyển dụng giáo viên dù là thi tuyển hay xét tuyển thì vẫn trải qua nhiều hình thức, nhiều tầng nấc và thủ tục vẫn còn rườm rà, thường là các cơ sở giáo dục đăng ký nhu cầu, báo về Phòng/sở Giáo dục, sau đó trình cấp có thẩm quyền Ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh (thông qua Phòng/sở Nội vụ), lập hội đồng thi/xét tuyển,...nhiều tầng nấc, thủ tục còn phức tạp.
Dự thảo Luật Nhà giáo trao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục là hợp lý
Tại Điều 16 của dự thảo Luật Nhà giáo về tuyển dụng nhà giáo nêu nội dung, phương thức và thẩm quyền tuyển dụng như sau:
"1. Nội dung và phương thức tuyển dụng
a) Nội dung tuyển dụng căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo;
b) Phương thức tuyển dụng thông qua xét tuyển hoặc thi tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm.
2. Thẩm quyền tuyển dụng
a) Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng;
b) Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập do cơ sở giáo dục chủ trì tuyển dụng theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục.
Dự thảo Luật Nhà giáo dự kiến trao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục là một trong những dự kiến vô cùng hợp lý, sẽ sớm giải quyết được bài toán bất cập tuyển dụng hiện nay, thừa, thiếu cục bộ giáo viên,...
Trao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục do cơ quan quản lý giáo dục hay phân cấp cho các cơ sở giáo dục tuyển dụng giáo viên không những giúp ngành giáo dục chủ động hơn mà còn tăng trách nhiệm, tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục, dần dần chấm dứt việc ngành giáo dục không được quyền tuyển nhân sự cho ngành.
Tài liệu tham khảo:
[1] Quyết định 168/QĐ-BNV
[2] Dự thảo Luật Nhà giáo