Cho trẻ làm quen với tiếng Anh
Lứa tuổi mầm non là giai đoạn vàng để trẻ tiếp cận và làm quen với ngôn ngữ mới. Do vậy, một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh Long An tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh, được phụ huynh ủng hộ và mang lại hiệu quả tích cực.
Cho trẻ tiếp cận tiếng Anh
Với sự hiếu kỳ, nhạy bén và khả năng tiếp thu nhanh chóng, trẻ ở độ tuổi 4-5 và 5-6 tuổi có thể xây dựng nền tảng về tiếng Anh, góp phần phát triển toàn diện các kỹ năng giao tiếp, tư duy và xã hội. Cho trẻ làm quen với tiếng Anh được ngành Giáo dục và Đào tạo cũng như xã hội quan tâm.
Hiện nay, việc tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh là hoạt động ngoại khóa, tự nguyện tham gia, được một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh thực hiện mang lại hiệu quả và ngày càng có xu hướng nhân rộng. Đây là hoạt động góp phần định hướng cho công tác giáo dục sớm, giúp trẻ có bước khởi đầu thuận lợi trong việc học ngôn ngữ thứ hai.
Trường Mầm non Huỳnh Thị Mai (TP.Tân An) tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh đến nay là năm thứ 4 với sự tham gia của hơn 60% trẻ toàn trường, gồm độ tuổi 3-4 tuổi, 4-5 tuổi và 5-6 tuổi. Tham gia làm quen với tiếng Anh, trẻ học trong giờ ngoại khóa với 2 tiết/tuần.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Huỳnh Thị Mai - Nguyễn Thị Mai Trinh cho biết: “Cho trẻ làm quen với tiếng Anh là nhu cầu thực tế từ xã hội hiện đại cũng như của phụ huynh. Do vậy, hoạt động này của trường diễn ra thuận lợi, được phụ huynh ủng hộ. Qua hoạt động này, trẻ được tiếp cận sớm với tiếng Anh, giúp phát triển ngôn ngữ, phát huy khả năng tiếp thu,
ghi nhớ”.
Trường Mầm non Hoa Hồng (huyện Đức Huệ) tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh từ đầu năm học này vào các buổi chiều sau khi kết thúc hoạt động chính khóa. Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng - Nguyễn Thị Thu Cúc thông tin: “Đây là hoạt động mới giúp trẻ được giao tiếp bằng 2 thứ tiếng. Trẻ vừa học, vừa được thao tác bằng các trò chơi nên rất hứng thú tham gia các hoạt động do giáo viên (GV) tổ chức. Từ đó, trẻ phát triển ngôn ngữ tự nhiên, kích thích tư duy phát triển ngày càng linh hoạt, xử lý nhiều tình huống trong khoảng thời gian ngắn, mở ra nhiều hướng suy nghĩ và tăng khả năng giải quyết vấn đề. Đặc biệt, với địa bàn vùng sâu, hoạt động này càng nhận được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh. Tiếng Anh là phương tiện ngôn ngữ hữu ích nên chú trọng cho trẻ làm quen để dễ dàng tiếp thu những kiến thức mới một cách tự nhiên”.
Phụ huynh của trẻ đang học tiếng Anh ở Trường Mầm non Hoa Hồng, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung chia sẻ: “Với tôi, cho trẻ làm quen với tiếng Anh là rất cần thiết và phù hợp. Việc sắp xếp thời gian, thời lượng học tiếng Anh hợp lý, không cắt xén chương trình; dựa trên tinh thần tự nguyện; mức học phí phù hợp (125.000 đồng/trẻ/ tháng). Mặt khác, ở cấp tiểu học, tiếng Anh đưa vào chương trình giảng dạy lớp 1 nên tôi mong muốn con sớm được tiếp cận với tiếng Anh để không bỡ ngỡ. Sau khi con học tiếng Anh ở trường, tôi nhận thấy ở nhà, con thích sử dụng một vài từ tiếng Anh thông dụng trong giao tiếp như xin chào, cảm ơn, xin lỗi, tập đếm số bằng tiếng Anh, nói một số từ chỉ màu sắc, tên gọi,... bằng tiếng Anh. Mỗi ngày, con biết thêm một vài từ mới để giao tiếp với cả nhà nên rất thích đi học và ngày càng mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp”.
Tạo hứng thú cho trẻ
Để đạt hiệu quả trong việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh, các trường quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất cũng như theo sát GV để tiết học sinh động, tạo hứng thú cho trẻ. Theo đó, 100% các phòng học của Trường Mầm non Huỳnh Thị Mai đều có tivi kết nối Internet, tạo điều kiện cho GV ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy. Ngoài ra, trường quan sát, theo sát quá trình dạy học của GV; mời phụ huynh đến tham quan tiết học, tham gia sinh hoạt cụm chuyên môn về cho trẻ làm quen với tiếng Anh để nâng cao chất lượng dạy học; khảo sát kết quả học tập cuối năm và có khen thưởng để khích lệ tinh thần học tập của trẻ;...
Bên cạnh nỗ lực của trường, GV trực tiếp dạy tiếng Anh cũng không ngừng đổi mới, áp dụng phương pháp dạy hay, hiệu quả. Cô Phùng Thị Ngọc Hảo - GV dạy tiếng Anh tại Trường Mầm non Hoa Hồng, chia sẻ: "Trong quá trình dạy tiếng Anh cho trẻ, tôi sử dụng nhiều phương pháp từ hình ảnh trực quan, âm nhạc đến tương tác bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, tôi còn tổ chức các hoạt động đội, nhóm nhằm tạo không khí vui tươi, giúp trẻ hứng thú học tập và có thể phát triển tối đa khả năng".
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc thông tin thêm: “Qua hoạt động này, trẻ tự tin, nhanh nhẹn, hoạt bát; phụ huynh đồng tình ủng hộ đăng ký trên tinh thần tự nguyện, cho con đi học đều đặn, duy trì số lượng đăng ký; đặc biệt, chất lượng dạy và học của đơn vị ngày càng nâng lên”.
Trường Mẫu giáo Bình An (huyện Thủ Thừa) có khoảng 70% trẻ tham gia làm quen với tiếng Anh. Trường tạo điều kiện cho GV tiếng Anh tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề, tập huấn,... để học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, chuyên gia, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn, vận dụng tốt vào thực tế giảng dạy tại đơn vị.
Ngoài ra, trường còn tổ chức các hoạt động khác, lồng ghép song ngữ để trẻ có điều kiện thực hành, ôn tập cũng như phát huy khả năng nghe, nói.
Có thể thấy, cho trẻ làm quen với tiếng Anh góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh trong giáo dục mầm non, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại./.