Tuy Hòa thuở ấy
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuộc vùng đất Tuy Hòa, tuy chỉ cách thị xã dưới 10 cây số nhưng lúc nhỏ luôn thấy thị xã như xa xôi lắm. Từ lúc có hiểu biết đến khi học hết bậc tiểu học, tôi nhớ được má dẫn đi thị xã đâu được ba lần, mà lần nào cũng ghé chợ thị xã để má mua mấy món đồ như vải để chuẩn bị quần áo năm mới cho tôi, vài gói trà ở tiệm trà Danh Thái gần chợ để về biếu hai ông cậu. Sau đó, má dẫn tôi đến hiệu ảnh Mỹ Dung để chụp vài tấm hình mẹ con, mà sau này tôi mới biết là hình này để nhờ qua đường dây mà gửi cho ba tôi đang đi làm cách mạng. Làm cách mạng là gọi theo cách bà con ở quê nói, chứ theo cách gọi của quan chức thời ấy là “đi theo cộng sản”.
Nhà tôi ở ấp Nhơn, một xóm nhỏ như ốc đảo giữa đồng nhưng còn có tên gọi là xóm Phường, có hơn trăm nóc nhà mà hầu hết các nhà đều có con em đi làm cách mạng nên bị chính quyền thời ấy chú ý gắt gao. Từ nhà tôi muốn ra đến tỉnh lộ 5 phải đi bộ gần 2 cây số đường đất, mùa mưa rất lầy lội. Ngôi trường tôi học bậc tiểu học là phân trường Phước Bình, trước năm 1961 có 3 lớp học mái tranh vách đất, đến năm 1962 mới có thêm 2 phòng kiểu nhà cấp 4 tường xây mái ngói, dành cho các lớp Nhì và lớp Nhất (lớp 4, 5 bây giờ), nằm gần sát tỉnh lộ 5 và bên cạnh đình làng. Tôi và lũ bạn tiểu học hằng ngày đi bộ từ ấp Nhơn đến trường đều phải qua 2 cây số đường đất gập ghềnh ấy.
Để đi thị xã vào đầu những năm 1960, từ nhà tôi đi bộ ra tỉnh lộ 5 rồi đón xe lam tuyến Phú Thứ xuống Phú Lâm để qua Tuy Hòa. Nhưng thời ấy, xe lam từ Phú Thứ xuống rất ít, thỉnh thoảng có một chiếc thì phần lớn đã đầy người nên mọi người thường chọn đi xe ngựa xuống Phú Lâm. Người lớn tốn 1,5 đồng, trẻ con như tôi thì 1 đồng. Đến Phú Lâm đón xe lam qua chợ Tuy Hòa mất 3 đồng một người.
Thời điểm đó, đường sá kém lắm. Ngay đoạn quốc lộ 1 từ Phú Lâm đi Tuy Hòa cũng rất hẹp, nhiều ổ gà; chạy đến cầu sắt Đà Rằng (thường được gọi là cầu 21 nhịp) xe phải dừng lại chờ tín hiệu cho đi của người gác cầu. Cầu đường bộ qua sông Đà Rằng bị Pháp thả bom sập từ năm 1953 chưa được làm lại nên xe cộ trên quốc lộ 1 lúc đó chạy chung trên cầu đường sắt, nhưng vì cầu hẹp nên chỉ cho xe chạy một chiều khi không có xe lửa. Hai bên đầu cầu đều có bốt gác để điều khiển xe qua lại một chiều. Thời ấy, xe cộ trên đường còn ít nên cũng không ùn tắc lắm. Sợ nhất là lúc đi xe đạp hoặc xe gắn máy qua cầu vì giữa cầu có 2 đường ray, đi không cẩn thận sẽ lọt bánh xe vào khe đường ray.
Tôi còn nhớ, khoảng đầu tháng 7/1964, anh Bốn Huề (con bác Chín tôi, sau này là liệt sĩ vào năm 1966) đi xe đạp qua nhà tôi chở giùm tôi đi Tuy Hòa để thi vào lớp Đệ Thất, Trường trung học Nguyễn Huệ. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được qua thị xã mà ở lại ban đêm. Anh chở tôi đến chỗ ở trọ trong một con hẻm đường Cao Thắng, tự nấu ăn trưa, sau đó đi xuống trường xem số báo danh, tìm và xem trước địa điểm thi. Tối hôm đó, anh dẫn tôi đi bộ đến tiệm kem Rạng Đông trên đường Phan Đình Phùng chiêu đãi tôi một ly kem ăn lấy hên trước thi, rồi đi dạo phố loanh quanh Ngả Năm.
Đây cũng là lần đầu tiên tôi được đi ban đêm dưới ánh điện đường. Thời ấy, phố xá chưa sầm uất như bây giờ nhưng đối với một cậu bé chân quê như tôi thì đã thấy nhộn nhịp lắm rồi. Kỳ thi đó tôi thi rất tốt nên anh Bốn còn dẫn tôi khao ăn chè lạnh (một kiểu như trà sữa bây giờ) ở tiệm Đào Nguyên vào tối hôm sau để chúc mừng tôi. Có lẽ việc thi đậu vào lớp Đệ Thất, Trường trung học Nguyễn Huệ là khởi đầu cho việc một cậu bé ở quê là tôi trở thành người thị xã cả quãng đời sau này.
Trong 7 năm học bậc trung học ở Trường trung học Nguyễn Huệ, tôi có 6 lần thay đổi chỗ ở. Đầu tiên là ở trong xóm sau lưng nhà máy nước đá Tân Hoa, cách nhà máy điện Tuy Hòa khoảng 70m, lúc nào cũng nghe tiếng máy của hai cơ sở này. Chưa được 1 năm thì tôi chuyển đến ở một ngôi nhà có gác lửng trên đường Trần Quý Cáp nằm phía Nam Trường Bồ Đề. Gọi là đường Trần Quý Cáp cho oai chứ lúc đó chỉ là một đường kiệt có tre hai bên, mùa mưa phải lội lõm bõm. Ở đó được nửa năm thì chuyển ra ở khu vực xóm Đường, phía bắc đường Hàm Nghi bây giờ, lúc đó là một vùng ruộng trũng, người dân đào ao lấy nước trồng rau muống. Đi bộ từ đó lên khu ga xe lửa chưa đầy 100m, gần một đề-pô sửa chữa đầu máy, toa xe. Đoạn đường Trần Phú hiện nay, từ đường xe lửa đến Lê Thành Phương lúc ấy là một đoạn đường sắt trở đầu xe lửa của ga Tuy Hòa.
Ngày trước, khu vực xóm Đường như một vùng nông thôn nghèo, điện rất chập chờn, đường sá chủ yếu là đường đất. Sau khi anh Bốn Huề thoát ly lên núi cuối năm 1965, tôi không còn chỗ dựa nào và mới 12 tuổi đầu phải bươn chải đi tìm chỗ trọ. Lúc thì ở nhà của dì Bảy nằm trong con hẻm đông đúc gần Trường Nguyễn Huệ (cũ), lúc thì ở trọ nhà một người bà con xa trên đường Lê Lợi và cuối cùng năm lớp 12 thì trọ ở nhà anh chị họ trên con hẻm Mô-tô-lux giữa đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ. Chật vật là vậy, nhưng có lẽ nhờ chuyển đổi chỗ ở nhiều nên tôi càng thấy thân thiết với thị xã của mình, nhất là với những con hẻm bụi bặm, mấp mô mùa nắng và bì bõm mùa mưa. Đây cũng là lý do mà sau này 35, 36 năm khi được phân công về làm bí thư thị xã, một trong những việc mà tôi quyết tâm triển khai làm sớm nhất là chương trình bê tông hóa hè phố, hẻm phố và đã thành công.
TX Tuy Hòa 60 năm trước quy mô còn nhỏ lắm và cũng chưa có tên gọi chính thức là thị xã, gọi thị xã là do thói quen. Chính quyền thời đó đặt tên là xã Châu Thành, trụ sở xã ở góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng, đối diện chéo góc với Trường trung học Bồ Đề. Khuôn viên đô thị thời ấy, giới hạn từ quốc lộ 1 đến Trường Nguyễn Huệ theo hướng đông - tây, từ sông Chùa đến đường số 6 (đường Nguyễn Huệ) theo hướng bắc - nam. Nếu có thể kể thêm thì khu vực xóm Ga, xóm nhà 18 gian dọc quốc lộ 1 (nay thuộc phường 2) cũng có thể tính là đô thị.
Khu dưới biển thời đó rất hiu quạnh, chủ yếu có Tòa Hành chính tỉnh và hầu hết là vùng cấm quân sự, tối không có điện đường chỉ có một ít đèn pha bảo vệ của các trại lính. Đường bờ biển (nay là đường Độc Lập) bị sóng biển lấn vào đánh sập bờ và cát bay lấp nhiều đoạn. Rừng phi lao ven biển bị chặt bỏ vì sợ “Việt cộng” lẻn vào đánh phá. Ở trục đường Nguyễn Huệ (khi đó thường gọi là đường số 6), khu vực Nhà thiếu nhi và Nhà máy Thuốc lá hiện giờ lúc ấy là Ty Cảnh sát, rào dây thép gai lớp lớp, buổi tối ít ai dám qua lại. Từ đầu năm 1966 trở đi, khi lính Mỹ đổ vào miền Nam thì trên đường Nguyễn Huệ hằng ngày xe nhà binh chạy rầm rập, đường đầy ổ gà, bụi mịt mù mỗi khi xe qua. Và cũng từ năm 1966, chiến tranh lan rộng khắp nơi, tối nằm ở thị xã có thể nghe tiếng súng nổ xa xa, xen lẫn tiếng pháo đề-pa ì ầm ở núi Nhạn. Người tản cư ở các vùng chiến sự tràn về ở chen chúc khắp nơi trong thị xã.
Những năm 1964, 1965, phố xá Tuy Hòa cũng chỉ có đông đúc, buôn bán nhộn nhịp ở khu vực quanh Ngả Năm, phía Bắc đến chùa Bảo Tịnh, phía Tây đến vườn hoa Diên Hồng, phía Đông theo đường Trần Hưng Đạo đến Ty Thông tin (đối diện Ngân hàng NN&PTNT hiện nay) và quanh chợ Tuy Hòa. Các đường khác thì vắng vẻ, ít người đi lại. Cả thị xã thuở ấy chỉ có 12, 13 con đường ngang, dọc, không bằng số đường của một phường như phường 7, phường 9 bây giờ. Không có nhà máy cấp nước, mọi nhà đều phải dùng nước giếng. Việc cấp điện do một nhà máy nhiệt điện 6,7MW (nằm ở góc đường Lê Thánh Tôn và Nguyễn Thái Học) chỉ cấp điện cho khu vực nội thị. Buổi tối, điện chiếu sáng ở các tuyến đường chủ yếu là do các bóng điện tròn dây tóc, tỏa ánh điện vàng mù mù hiu hắt, chỉ có khu vực Ngả Năm và đường Trần Hưng Đạo mới có bóng điện nê-ôn loại 1,2m chiếu sáng.
Thời điểm người tản cư tràn về thị xã chen chúc làm nhà ở lụp xụp, mái tôn trong các con hẻm nghèo, trên các nghĩa địa dày đặc, thì ở khu vực trung tâm của thị xã cũng chỉ rộng trên dưới 5km2. Thời ấy, cửa hàng ăn uống rất ít, chủ yếu là các quán cóc bình dân. Tôi nhớ quán ăn có cửa hiệu thì có tiệm ăn Mỵ Châu Thành ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Trần Quý Cáp; tiệm ăn Thanh Đạm ở đầu chợ Tuy Hòa, góc Trần Hưng Đạo - Ngô Quyền; tiệm ăn Mỹ An của một Hoa kiều ở Ngả Năm; phở Thái Lai ở đường Trần Hưng Đạo phía dưới chợ; quán nem Ninh Hòa, phở Bà Năm ở gần rạp Đại Nam; còn cơm gà Thiên Hương thì đến năm 1968 mới có, ở gần đối diện Thiên Hương hiện nay.
Các hàng quán giải khát có kem Rạng Đông ở đường Phan Đình Phùng; tiệm Đào Nguyên bán cà phê, chè lạnh ở trên Ngả Năm; tiệm Tuyết Hoa Viên bán chè lạnh, nước ngọt ở một ki-ốt ngay cổng chợ Tuy Hòa nhìn ra đường Trần Hưng Đạo. Quán cà phê nổi tiếng nhất có quán Nhớ gần ga Tuy Hòa; các quán Vị Thủy (trên đường Trần Hưng Đạo đối diện Phú Thu hiện nay), quán Hạ (đường Yersin), quán Phượng (đối diện Co.opmart hiện nay) thì sau năm 1967 mới có. Cũng từ năm 1967 trở đi xuất hiện một số quán bar có tiếp viên bán rượu, bia ở Tuy Hòa và Đông Tác chủ yếu phục vụ cho lính Mỹ, Đại Hàn và lính Sài Gòn, tồn tại khoảng 6-7 năm. Cơ sở lưu trú thời ấy rất nghèo nàn, ngoài các khách sạn Vĩnh Đông Á, Thanh Bình (đều trên đường Lê Thánh Tôn), sau có khách sạn Đại Lãnh hơi tươm tất, còn lại phần lớn đều như phòng ngủ Tân Hiệp (góc Cao Thắng - Lê Thánh Tôn) rất xập xệ, bình dân.
Cơ sở sản xuất công nghiệp hầu như không có gì, ngoại trừ nhà máy điện, cũng chỉ có mấy nhà máy làm nước đá như Phú Yên, Tân Xuân, Tân Hoa và năm ba xưởng cưa, xưởng mộc.
Về giao thông đi lại, những năm 1964, 1965 có xe lửa đi Nha Trang, Sài Gòn, Quy Nhơn. Ga Tuy Hòa thời Pháp thuộc khá lớn nhưng lúc ấy chỉ còn lại phế tích là mấy bức tường cao, để phục vụ khách đi xe lửa thì bên cạnh có một nhà ga nhỏ lợp tôn, có thể chứa 30-40 khách chờ tàu. Đến năm 1967 trở đi, xe lửa hầu như không hoạt động nữa vì nhiều đoạn đường sắt bị phá. Phương tiện đi ngoài tỉnh chủ yếu là xe đò, bến xe nằm ở phía Tây chợ thị xã, chiếm phần phía Nam bến xe nội tỉnh và một phần Bưu điện tỉnh hiện nay. Có thời điểm bến xe liên tỉnh nằm ở cạnh Trung tâm Diên Hồng, bao gồm cả Nhà lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ hiện tại.
Từ trung tâm thị xã đi đường bộ về phía Nam tỉnh thì chỉ có độc đạo qua cầu 21 nhịp, về phía Tây cũng chỉ có độc đạo qua cầu Ông Chừ. Cầu Ông Chừ lúc đó là một cây cầu dầm sắt lát gỗ hẹp, xe đi lại một chiều. Cuối năm 1967, do chiến tranh lan rộng, có lúc đường bộ về Sài Gòn không đi được, hãng bay Air Vietnam mở ra khai thác đường bay Sài Gòn - Tuy Hòa - Sài Gòn, mỗi tuần bay ba lần, có đại lý bán vé và đưa đón khách ở gần góc đường Trần Hưng Đạo - Phan Bội Châu bây giờ. Máy bay là loại Dakota cánh quạt, được thiết kế lại để chở khách, đậu ở phi trường Đông Tác, có đường băng lót ghi sắt. Ở thị xã cũng có một sân bay quân sự, gọi là sân bay Khu Chiến, đường băng khoảng 1.800m (ở khu vực ngày nay từ Bến xe liên tỉnh đến nhà máy Bia Sài Gòn) chỉ phục vụ cho máy bay quân sự. Trong nội tỉnh thời ấy đi lại bằng xe đò, xe lam, xe gắn máy, xe đạp; ở nông thôn còn có xe ngựa. Ở nội thị ngoài phương tiện cá nhân thì chỉ có xích lô đạp, từ năm 1967 lượng xe máy nhập nhiều nên phát sinh loại hình xe ôm chở khách, giá cả khá hợp lý.
Về trường học, thời đó ít lắm không như bây giờ. Ở bậc trung học, tại thị xã chỉ có Trường trung học Nguyễn Huệ là trường công lập, có 7 khối lớp từ Đệ Thất (lớp 6) đến Đệ Nhất (lớp 12). Mỗi năm chỉ thi tuyển lấy 250 em vào lớp Đệ Thất, đến năm Đệ Tam thì tuyển các học sinh có vị trí thứ 1 đến thứ 5 từ các trường tư thục và đến năm Đệ Nhất có tuyển thêm các học sinh trường tư thi Tú tài bán đậu hạng Bình thứ (khá) trở lên hoặc đậu Thứ (trung bình) nhưng có điểm học lớp Đệ Nhị (lớp 11) cao. Tôi học bậc trung học suốt 7 năm (1964-1971) ở Trường trung học Nguyễn Huệ, từ Đệ Thất (lớp 6) đến Đệ Tứ (lớp 9) ở cơ sở Nguyễn Huệ cũ - nay là Trường THCS Hùng Vương, lên cấp 3 học ở trường mới tại cơ sở hiện nay. Suốt 7 năm ấy, thầy Nguyễn Đức Giang làm hiệu trưởng, thời ấy vị trí xã hội của hiệu trưởng Trường trung học Nguyễn Huệ khá cao, ngang với một trưởng ty bấy giờ. Đến cuối năm 1971, thầy Giang được điều chuyển vào Nha Trang, sau năm 1975 cả gia đình thầy đi định cư ở Đan Mạch nhưng thầy nhiều lần về thăm trường cũ, thăm đồng nghiệp và học trò ngày trước.
Về trung học tư thục, ở thị xã có Trường trung học Bồ Đề và Trường trung học Đặng Đức Tuấn sớm có từ hơn 60 năm trước đây, mở từ lớp 6 đến lớp 12, vị trí ngày nay là Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Trường Nữ trung học Thánh GiuSe nằm gần khu nhà 18 gian trên quốc lộ 1, chỉ tuyển học sinh nữ từ lớp 6 đến lớp 9. Còn Trường trung học Văn Minh trước năm 1965 nằm gần chợ Phong Niên, xã Hòa Thắng, sau đó chiến tranh lan rộng nên chuyển về thuê một cơ sở của Thánh thất Cao Đài ở thị xã để duy trì trường lớp, về sau đầu tư một cơ sở ở góc đường Huỳnh Thúc Kháng - Lê Thánh Tôn, tuy thời gian tồn tại nhà trường không dài nhưng cũng có nhiều học trò thành đạt. Các trường bán công Nguyễn Huệ, tư thục Tân Dân, Minh Tân đều xuất hiện sau này, từ năm 1968 trở đi.
Về trường tiểu học, lúc đó ở thị xã có nhiều trường nhưng nổi tiếng nhất là Trường Nam tiểu học (ở tại Trường tiểu học Trưng Vương hiện nay) và Trường Nữ tiểu học tại vị trí Trường tiểu học Âu Cơ hiện nay). Thời ấy, ở thị xã hoàn toàn không có các cơ sở đào tạo, kể cả bậc trung cấp, ngay việc đào tạo giáo viên tiểu học cũng phải ra Trường Sư phạm Quy Nhơn học. Cả thị xã năm 1964 chỉ có hai hiệu sách là Vạn Kim (gần chợ thị xã) và Nhạn Đà (ở trên Ngả Năm), ngoài ra cũng chỉ thêm mấy quầy sách báo, văn phòng phẩm nhỏ ở gần mấy trường học.
Về giải trí, thể thao, thời ấy thị xã chỉ có hai rạp phim là rạp Diên Hồng vách xây thô sơ, mái tôn (ở Trung tâm Văn hóa Diên Hồng hiện nay) sức chứa khoảng 300 ghế và rạp Đại Nam cũng khoảng chừng ấy chỗ, bình thường thì chiếu phim, khi có đoàn hát hay đại nhạc hội thì chuyển sang làm nhà hát (sau năm 1972 mới có rạp chiếu bóng Hưng Đạo).
Sân vận động tỉnh hiện nay lúc ấy có làm một cổng chào xi măng nhưng bỏ hoang. Thỉnh thoảng trong tỉnh có đá bóng hay lễ hội thì tổ chức ở sân đất nện cạnh Trường Nguyễn Huệ. Khuôn viên sân này là từ hàng rào Trường Nguyễn Huệ đến đường Trần Hưng Đạo, từ đường Lê Quý Đôn đến gần đường Hùng Vương hiện nay, xung quanh không có tường rào, chỉ có một khán đài gỗ sát tường rào Trường Nguyễn Huệ quay mặt về phía Nam. Bình thường sân này là sân đá bóng của học sinh Nguyễn Huệ. Ở phía trên nhà máy điện và dưới nhà máy nước đá Tân Xuân từ 1965 về trước cũng có một sân bóng đá, sau đó biến thành khu nhà ở. Hầu hết các trường trung học có sân bóng chuyền, có trường có sân bóng rổ, bóng bàn.
Riêng Trường Nguyễn Huệ và Trường Bồ Đề có sân bóng đá. Học sinh nhỏ thì chơi bi lắc, học sinh lớn thuộc nhà khá giả thì còn chơi bi da. Thỉnh thoảng có giờ học nhưng thầy không đến được, chúng tôi đèo nhau đi chùa Khánh Sơn, chùa Hồ Sơn, đi Long Thủy uống nước dừa hay đi đò qua Ngọc Lãng ăn mía. Khoảng năm 1964, 1965 còn rủ nhau lên Tháp Nhạn chơi. Đến năm 1966 trở đi, Tháp Nhạn có cơ sở quân sự đặt pháo (tại vị trí Đài Tưởng niệm hiện nay) bắn vào vùng cách mạng nên không cho dân lên chơi. Xung quanh núi Nhạn cây cối bị chặt trụi, đỉnh tháp bị thời gian và chiến tranh tác động nên hủy hoại một phần, nhìn đỉnh tháp chỉ thấy một góc.
Cuộc sống học sinh thời ấy thật đơn giản, không có phương tiện nghe nhìn để học tập, giải trí như ngày nay. Muốn học thêm ngoại ngữ cũng không có trung tâm hay lớp dạy chuyên ngoại ngữ. Các thầy cô hầu như không dạy thêm tại nhà, học sinh muốn tự học phải mua được máy cassette và băng học ngoại ngữ. Vì vậy, học sinh tỉnh lẻ luôn thua kém học sinh các thành phố lớn về ngoại ngữ.
***
Mới đó mà đã 60 năm, năm 1964, 1965 là các năm Giáp Thìn, Ất Tỵ, thì nay 2024, 2025 cũng là Giáp Thìn, Ất Tỵ. Năm tháng đã quay đúng một chu kỳ đời người. Ký ức qua nhiều năm có thể còn thiếu sót, tôi chỉ mong gợi nhớ lại khung cảnh của thị xã nhỏ bé nghèo nàn năm xưa để đối chiếu với TP Tuy Hòa ngày nay, phải nói là khác nhau một trời một vực. Không gian đô thị ngày nay rộng gấp chục lần, phố xá, đường sá, công viên, hệ thống chiếu sáng, trường học các cấp đến bậc đại học… đều khang trang gấp bội. Từ đó để cho ta thêm niềm tin vào con đường đi lên của quê hương hướng tới trở thành đô thị loại 1 thuộc tỉnh.
Để có một đô thị xanh, sạch, đẹp, thông minh, thân thiện không phải là việc ngày một ngày hai. Nhưng với một thành phố có cảnh quan thiên nhiên phong phú: núi, sông, rừng, biển với nhiều di tích văn hóa lịch sử và có truyền thống anh hùng trong kháng chiến, tôi tin rằng Tuy Hòa nhất định sẽ vươn mình trong kỷ nguyên mới để trở thành một thành phố giàu mạnh, hiện đại, đáng sống ở tương lai không xa.