Tông phong nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm

Trúc Lâm Yên Tử là một dòng thiền có nhiều đặc điểm nổi bật, lớn mạnh, đủ tư cách đại diện cho một Thiền phái Phật giáo Việt Nam.

Các giá trị làm nên dòng Thiền Đại Việt này tuy nhiều, nhưng tựu trung nằm trong ba điểm độc đáo: Tông chỉ ngộ tâm, tông phong nhập thế và phương cách đào tạo tri hành hợp nhất, thiền giáo song hành.

Đây là những đặc điểm mang tính cốt lõi, căn cơ, sâu xa; nơi lưu xuất vô vàn giá trị khác của thiền phái thuần Việt. Đồng thời, nó còn mang tính quyết định để định hình và xác quyết các giá trị còn lại. Vì thế, ba đặc điểm này có giá trị hết sức thực tiễn và cần thiết.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ nêu phần cốt lõi trọng yếu của giá trị tông phong nhập thế. Phần còn lại, nếu ai muốn thể nghiệm thì để tâm nghiên tầm, nhận hiểu và thực hành, sẽ tự mình nhận ra các giá trị trên một cách thiết thực, rõ ràng, đôi khi hơn cả sự mong đợi.

***

Tông phong Thiền phái Trúc Lâm là tinh thần nhập thế. Tinh thần này được nhận diện qua hai yếu tố: Một là vào đời làm lợi ích chúng sanh nhưng vô nhiễm (hòa mà không tan); hai là được quần chúng nhân dân đón nhận. Việc làm này được thể hiện qua hai phương diện: Giáo hóa, giảng dạy Phật pháp và các việc phúc thiện xã hội.

Sau khi tu hành sáng đạo, thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, song song với việc hướng dẫn Tăng Ni chuyên sâu, Sơ tổ Trúc Lâm còn vào nhân gian dạy người dân thực hành Thập thiện. Đồng thời ngài tuyên dương các việc công ích khác. Cư trần lạc đạo phú, Hội thứ 8, Sơ tổ nói:

Công danh mảng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ.

Phước tuệ kiêm no, chỉn mới khá nên người thật cốc.

Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu.

Cương hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc.1

Làm lợi ích, nhưng không đắm công danh. Xây dựng cầu đò, chùa tháp, nhưng phải sáng tâm, mới đúng nghĩa trang nghiêm sự tướng chứ không phải chỉ là những việc làm trong tạo tác sanh diệt tầm thường. Các thiền sư đời Trần đi vào đời giáo hóa độ sanh mà thần thái vẫn thanh thoát, cao nhàn, không chút mảy may vướng bận. Từ triều đình cho đến đông đảo người dân đều hưởng ứng, đón nhận, khiến cho Phật giáo bấy giờ phát triển mạnh mẽ.

Trước một chiếc điện thoại thông minh hạng sang vừa mới ra đời, chúng ta có thích hay không? Nếu thích thì rõ là đã bị tan chảy, không có trí tuệ xứng đáng để người khác học hỏi, noi theo. Nếu không thích, quay lưng với nó thì bị lạc hậu, cũng không có trí tuệ gì để quần chúng quan tâm, để mắt. Vậy phải làm sao? Tương tự, trước một thời đại văn minh đang từng ngày phát triển đến choáng ngợp; nếu dấn thân vào thì bị vòng xoáy nhấn chìm; nếu quay lưng thì bị đào thải, ai nuôi sống mình và những người chung quanh? Chưa có câu trả lời thích đáng thì cuộc đời vẫn còn đó nhiều điều chưa có hướng giải quyết.

Nếu có một trí tuệ đủ lớn để thấu rõ, chủ động và có vô vàn cách để giải quyết mọi chuyện một cách nhẹ nhàng thì chúng ta liền học được tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Một thiền phái Việt Nam do vị Tổ sư là người Việt sáng lập, được hình thành cách đây đã hơn 700 năm. Nhưng đến nay, một xã hội văn minh, phát triển hiện đại, tinh thần nhập thế ấy vừa rất văn minh và hiện đại, lại vừa hết sức gần gũi và thiết thực, bởi nó rất cần để giải quyết câu chuyện cuộc sống của mỗi người hiện nay.

Vật chất và tri thức hiểu biết có thể đang rất cao, nhưng trí tuệ và bản lĩnh sống của chúng ta có đang theo kịp hoặc cao hơn như thế hay không là ở đặc điểm nhập thế này. Nếu nhận ra thì sự phát triển sẽ được hoàn hảo, trọn vẹn. Muốn thế, cần phải có sự tu tập, sáng tâm mới đủ diệu lực, đối cảnh không tâm, cho chúng ta hòa vào, nhưng tự vượt thoát tất cả. Do vậy, chư Tổ đời Trần đào tạo hành giả phải có thời gian tu, sau đó mới đủ tư cách hòa quang đồng trần.

Nếu ai đã có kinh nghiệm trong sức sống chân tâm thì thấy ra một cách dễ dàng, bởi hàng ngày đối duyên xúc cảnh, quý vị đã sống như vậy. Thấy ra từ sức sống của mình chứ không phải do học hiểu. Với một người đang trên sa mạc đói khát gần chết thì cốc nước lã mới là cần thiết và trở thành quan trọng. Nhưng người đang ở thành thị đã no đủ món ngon thượng vị rồi thì cốc nước lã muôn đời vẫn chỉ là một cốc nước lã. Cũng thế, chúng ta đang để bụng mình đói khát món ngon thượng vị an định, trí sáng, an lạc của tự tâm cho nên những thứ của nước lã lợi danh, tham vọng, vật chất, được mất, bại thành... đua nhau hấp dẫn, kéo lôi, dày vò, căng thẳng đến điên loạn.

Nếu đã ngộ tâm, tâm tự không, có đại trí, năng lượng sẽ tràn đầy; lòng ta an định, bản lĩnh có thừa; niềm an vui lại ngập tràn khó tả xiết. Lúc này tâm mình không còn chỗ cho những thứ trong đời chen chân chi phối. Mọi việc chỉ là bình thường mà sống động, phi thường; thì nói làm gì đến việc quay lưng với cuộc đời hay hòa vào mà bị tan chảy? Ngay đây, ngay tại tất cả tình huống, hoàn cảnh trong đời mà tự được vượt thoát, thấy biết rõ ràng, tùy thời làm lợi ích cho mọi người mà như là đang nghỉ ngơi chưa từng làm gì cả. Sống được như vậy, tự khắc hay ra tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam đang hiển hiện rờ rỡ, rõ ràng, tại đây, bây giờ, chưa từng bị chìm mất.

Từ ngàn xưa cho đến hôm nay, hoặc đến tận mãi sau này, bạc tiền, lợi danh, tiện ích, đến cả nỗi khổ, niềm đau, được mất, thành bại..., đều không khác nào một chiếc lá đang rơi trước mắt mình. Bởi tất cả là thứ bị mình biết, chỉ là một thứ đang đối diện thôi, không phải thật là mình. Nếu quên đi sự lặng yên sáng suốt để nhìn theo chúng thì sẽ thấy chiếc lá khác với nỗi khổ, niềm đau, liền bị nó chi phối đến não lòng, đau đớn. Nếu không nhìn biết theo tất cả, dám mạnh dạn buông xuống, lặng yên, sức sống sẽ được hồi phục, mọi chuyện trở nên tươi mới; sực hay ra, mọi thứ vốn bình thường, không có quyền chi phối mình lớn đến như vậy.

Vật chất không có lỗi, nhưng nếu con người không đủ sức tự chủ thì bị nó chi phối, mới có lỗi, đưa đến sai lầm, khổ đau. Nếu nhận ra trí tuệ cội nguồn rộng lớn sáng nơi chính mình, hành giả sẽ tự vượt thoát tất cả mà hay bao dung tất cả, liền học được tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.

-------------------------------

1 HT.Thích Thanh Từ (2014), Tam tổ Trúc Lâm, Nxb.Hồng Đức, Hà Nội, tr.190.

Thích Tâm Hạnh/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/tong-phong-nhap-the-cua-thien-phai-truc-lam-post74068.html
Zalo