Tí tách tiếng đục ở làng nghề xã Tiền Phong ngày cận Tết
Do nhu cầu của người dân tăng cao, những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các xưởng mộc điêu khắc sản xuất con vật ở làng nghề thôn Định Quán, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín lại tất bật để kịp cho ra lò những lô hàng phục vụ khách.
Rộn ràng làng nghề ngày cuối năm
Những ngày này, không khí Tết đã rộn ràng về với người dân làng nghề mộc điêu khắc thôn Định Quán, xã Tiền Phong. Dịp cuối năm là thời điểm mọi người ở đây tất bật để hoàn thiện công đoạn cuối cùng của những chú rắn, rồng, trâu, dê… bằng gỗ để kịp thời phục vụ khách hàng khắp cả nước dịp Tết đến Xuân về.
Không khí rộn ràng, tí tách đục chạm trong những xưởng đồ gỗ mỹ nghệ ở các xóm tại thôn Định Quán rất vui tai. Ngoài những sản phầm đồ gỗ truyền thống, năm nay những xưởng mỹ nghệ nơi đây lại đang tất bật hoàn thiện sản phẩm hình những con vật, như: rắn, rồng, trâu, dê… để kịp phục vụ khách hàng chơi Tết.
"Linh vật" của năm 2025 là con rắn nên nhiều sản phẩm hình con rắn được đục đẽo, điêu khắc tỉ mỉ để cho ra những sản phẩm đẹp nhất. Từ những khúc gỗ khô vô tri vô giác, các nghệ nhân chế tác thành hình con vật rất độc đáo, khiến nhiều người không tiếc bỏ hàng triệu đồng mua về chơi Tết Ất Tỵ 2025.
Chị Nguyễn Thị Khiêm, chủ xưởng mộc thủ công mỹ nghệ ở thôn Định Quán cho biết, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cũng như xu hướng linh vật năm nay, xưởng mộc điêu khắc của gia đình đã chuẩn bị gỗ và nghiên cứu mẫu linh vật là con rắn cuộn tròn quấn quanh gây như ý, ngồi trên đồng tiền xu và vàng từ tháng 7/2024.
Khác với những năm trước, công đoạn làm rắn gỗ hết sức tỉ mỉ, khéo léo, tuân thủ yêu cầu đầu ra, đặc biệt truyền hết nhiệt huyết của nghề bằng tâm hồn của mình vào hồn con rắn với mục tiêu cuối cùng để có mẫu mã đẹp, bắt mắt phục vụ thị hiếu khách hàng, tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường không chuộng linh vật rắn nên chỉ sản xuất ở mức độ vừa phải.
Để đưa ra thị trường các mẫu linh vật rắn đẹp, bảo đảm đầy đủ các yếu tố về chất lượng, kích thước, hình dáng thì xưởng có 2 hình thức sản xuất là đục hoàn toàn bằng tay hoặc sản xuất bằng máy. Mẫu mã, kích thước sẽ được sản xuất theo nhu cầu của đối tác khách hàng.
“Với tất cả mẫu rắn lớn nhỏ, đến nay xưởng mộc của gia đình tôi đã đưa ra thị trường trong nước bán buôn, bán trực tuyến trên mạng internet với khoảng 150 sản phẩm. Giá mỗi sản phẩm tùy vào kích cỡ to nhỏ từ 700.000 - 3 triệu đồng. Hiện nay, gia đình đang chuẩn bị sản phẩm rắn gỗ cho những ngày cận tết và ngày đầu năm" - chị Khiêm chia sẻ.
Còn theo nghệ nhân Nguyễn Văn Nhã, chủ xưởng gỗ điêu khắc mỹ nghệ cho biết, năm nay có điểm đặc biệt là khách hàng chủ yếu chọn đặt những con rắn sống động, mềm mại nhưng rắn giỏi, thân hình quấn quanh gậy như ý, ngồi trên tiền xu và vàng là chính với mong muốn năm mới tài lộc, khỏe mạnh được nhiều khách hàng quan tâm, ưa chuộng.
Đầu tư công nghệ cho làng nghề
Chủ tịch Hội làng nghề mộc điêu khắc thôn Định Quán Phạm Văn Nhuận cho hay, năm 2025 là năm con rắn (Ất Tỵ), thuộc mệnh Hỏa (lửa), con rắn là con giáp thứ sáu trong chu kỳ 12 con giáp của văn hóa Á Đông. Theo tín ngưỡng dân gian, năm con rắn thường được xem là biểu tượng của sự thông minh, quyến rũ và bí ẩn, tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển và mềm mại.
Do thời điểm tết cận kề nên số lượng công việc nhiều hơn đáng kể khiến người lao động làng nghề khá tất bật từ nhiều tháng qua, tuy nhiên, từ việc nhiều cơ sở ở làng nghề đầu tư mua máy đục công nghệ cao nên cũng hỗ trợ giải quyết được khối lượng công việc khá lớn. Người lao động chỉ đứng trực máy đục thô xong rồi thực hiện khâu hoàn thiện. Nếu sản xuất bằng máy thì một ngày sẽ đưa ra 7 -10 con linh vật đục thô, tùy thuộc vào kích thước to nhỏ; với những mẫu con vật to, nhiều chi tiết thì sản xuất bằng máy cần từ 1 - 2 ngày; nếu đục hoàn toàn bằng tay thì một con rắn cần tới 3 - 4 ngày tùy theo hình con linh vật.
Những nghệ nhân ở làng nghề mộc điêu khắc thôn Định Quán, xã Tiền Phong chủ yếu sử dụng gỗ hương đá để làm con linh vật rắn bằng gỗ do giá thành hợp lý, chất lượng tốt. Hình con rắn được đục đẽo, điêu khắc tỉ mỉ để có được những sản phẩm đẹp nhất, thu hút được người sử dụng.
Cũng theo Chủ tịch Hội làng nghề mộc điêu khắc thôn Định Quán Phạm Văn Nhuận, thôn Đinh Quán hiện có khoảng 450 hộ gia đình, trong đó có gần 90% nhân khẩu của các hộ gia đình tham gia trực tiếp làm nghề ở các cơ sở sản xuất có thu nhập từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng.
Nói về hoạt động của làng nghề mộc trên địa bàn xã, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Đỗ Duy Sơn khẳng định, nhờ có làng nghề truyền thống nên đã giải quyết việc làm cho lao động, nâng cao đời sống người dân. Không những vậy, nghề mộc của thôn Định Quán còn giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất làng nghề mộc còn giúp địa phương sớm hoàn thành xây dựng xã NTM cũng như để hoàn thành NTM nâng cao vào năm 2025. Để thích ứng với sản xuất ở thời kỳ công nghệ số, hàng trăm gia đình đã đầu tư mua máy đục CNC phục vụ sản xuất và bán hàng online hiệu quả.
“Đồng thời, nhờ có hoạt động sản xuất của các làng nghề truyền thống trên địa bàn xã đã tạo thu nhập đến cuối năm 2024 đạt 82 triệu đồng/người năm. Toàn xã đến nay không còn hộ nghèo và chỉ còn 13 hộ cận nghèo. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn ổn định…” - ông Đỗ Duy Sơn chia sẻ.