Bến Cầu: Mô hình 'Nuôi dế khép kín, không ô nhiễm môi trường' phát huy hiệu quả
Nghề 'Nuôi dế thương phẩm' ở huyện Bến Cầu không mới, nhưng để mô hình này phát triển, không xảy ra dịch bệnh và có lợi nhuận cao thì ít người làm được.
Bắt đầu nuôi dế từ năm 2008 với 20 lồng, anh Võ Văn Tánh (ngụ ấp Bàu Tràm Lớn, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu) đã có sáng kiến kỹ thuật trong thực hiện mô hình “Nuôi dế khép kín không ô nhiễm môi trường” mang lại thu nhập ổn định, ít có trường hợp dế bị dịch bệnh.
Đến nay, anh Tánh đã phát triển nuôi 87 lồng dế, chuồng trại nuôi được thiết kế an toàn với máy tôn cách nhiệt, có trang bị hệ thống phun nước khi thời tiết ở nhiệt độ cao; mỗi lồng nuôi có diện tích khoảng 3m2, được lót gạch men để dế không bò ra ngoài và bên trong chuồng có trang bị hệ thống máy phun sương nước cho dế uống.
Trong chăm sóc, quản lý dế, anh Tánh rất quan tâm về nguồn thức ăn. Ngoài cám công nghiệp và lá mì, vào những thời điểm thiếu lá mì, anh thay thế bằng cây lục bình vớt ở sông. Hiện gia đình anh Tánh thuê hẳn 2 ha đất trồng mì để tạo nguồn thức ăn cho dế; thường xuyên theo dõi điều chỉnh thức ăn, tránh trường hợp cho dế ăn cám công nghiệp quá dư thừa sẽ làm bẩn chuồng trại tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, ảnh hưởng lãng phí, tăng giá thành khi chăn nuôi.
Bên cạnh đó, anh luôn chú trọng đến mật độ chăn nuôi dế cho phù hợp với diện tích lồng; ưu tiên lựa chọn con giống khỏe, từ việc chọn dế bố mẹ đến kỹ thuật làm khai trứng cho dế đẻ và ấp trứng dế tự nở thành dế con.
Nghề “Nuôi dế khép kín, không ô nhiễm môi trường” của hộ anh Tánh thực sự có lãi và tìm được thị trường tiêu thụ. Năm 2016, anh Tánh đầu tư phát triển nghề nuôi dế và mua 1 chiếc xe ô tô tải, mỗi ngày vận chuyển khoảng 200kg dế đi Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Ngoài ra, anh Tánh còn hợp đồng với 16 hộ nuôi dế, với khoảng 250 chuồng nuôi, bao tiêu với giá 40.000 đồng/kg và mỗi tháng tiêu thụ khoảng 1 tấn dế thịt thương phẩm của các hộ nuôi. Gia đình anh Tánh có thu nhập bình quân khoảng 60 triệu đồng/tháng và đã tạo việc làm thường xuyên cho 39 lao động ở địa phương.