Hỗ trợ phụ nữ nghèo ở Khánh Vĩnh vươn lên
Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh cùng các tổ chức, đơn vị đã thực hiện nhiều hoạt động giúp đỡ hội viên nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.
Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Hội Doanh nhân nữ tỉnh trao 5 phương tiện sinh kế, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng để hỗ trợ phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Khánh Vĩnh vươn lên phát triển kinh tế. Bà Cao Thị Mai (sinh năm 1988, trú thôn Bầu Sang, xã Liên Sang) là 1 trong 5 phụ nữ được hỗ trợ đợt này. Gia đình bà Mai mới thoát nghèo vào đầu năm 2024. Hiện nay, gia đình bà thuộc diện hộ cận nghèo, hai vợ chồng có việc làm nhưng không ổn định và đang nuôi con nhỏ. Bà đã được hỗ trợ kinh phí để mua xe nước mía mưu sinh. “Tôi mơ ước có xe nước mía mấy năm nay, bây giờ thành hiện thực nên mừng lắm. Có phương tiện sinh kế, tôi sẽ cố gắng làm ăn để lo cho con ăn học. Mỗi ngày, tôi bán được từ 20 đến 50 ly nước mía và bán thêm cà phê, chè... để kiếm tiền”, bà Mai tâm sự.
Bà Cao Thị Là Bánh (sinh năm 1975, trú thôn Tây Nam, xã Sông Cầu) cũng được các đơn vị hỗ trợ đợt này. Gia đình bà Bánh thuộc hộ nghèo, chồng mất cách đây 8 năm, bản thân bà không có việc làm, một mình phải nuôi 3 người con. Trong đó, người con thứ 3 sinh năm 2005 bị khuyết tật đặc biệt nặng, mọi sinh hoạt đều một tay bà chăm lo. Nhận được tiền hỗ trợ, bà mua 5 con heo giống về nuôi với hy vọng sẽ có thêm thu nhập lo cho gia đình.
Bà Lê Thị Ánh Hồng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sông Cầu cho biết, bên cạnh sự hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức, hàng năm, hội cũng thực hiện trao phương tiện sinh kế cho 1 - 2 hộ nghèo để giúp đỡ hội viên thoát nghèo bền vững. Đặc điểm ở địa phương thích hợp cho việc chăn nuôi gà và heo nên hội hỗ trợ con giống cho chị em. Năm 2022, hội hỗ trợ 2 con heo giống trị giá 1,6 triệu đồng; năm 2023 hỗ trợ 50 con gà giống trị giá 2 triệu đồng. Năm nay, hội sẽ vận động các nguồn lực để hỗ trợ gà giống cho hội viên. Để phát huy hiệu quả các phương tiện sinh kế đã trao, hội tuyên truyền cho chị em kiến thức về chăn nuôi, chăm sóc, sản xuất; hỗ trợ hội viên xử lý những vấn đề khó trong quá trình nuôi.
Theo bà Nguyễn Thị Phấn - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Khánh Vĩnh, những năm qua, các cấp hội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ như: Trao phương tiện sinh kế, vay vốn; xây nhà mái ấm tình thương; tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm; phát động các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”… Năm 2023 và 2024, các cấp hội trên địa bàn huyện đã trao gần 50 phương tiện sinh kế (5 triệu đồng/suất), gồm hỗ trợ bò giống, heo giống, cây keo, cây điều để các chị em phát triển kinh tế. Nhờ đó, đã có nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo tại địa phương. Công tác giám sát, kiểm tra sau khi trao phương tiện sinh kế cho hội viên cũng được các cơ sở hội thực hiện thường xuyên. Hội LHPN huyện còn tổ chức phong trào “5 hội viên khá giúp 1 hội viên nghèo” để hỗ trợ hội viên vươn lên thoát nghèo tại 39 chi hội và 112 tổ. Các cơ sở hội còn đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng nhà “Mái ấm tình thương” cho hội viên nghèo. Năm 2023, từ nguồn vận động mạnh thường quân và đóng góp của hội viên trên địa bàn huyện, các cấp hội đã xây dựng 30 nhà cho 30 hội viên và các gia đình này đã thoát nghèo. Từ năm 2021 đến nay, hội đã phối hợp với các đơn vị giới thiệu cho 961 chị đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp, trường học trong và ngoài huyện; mở 42 lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, công tác thú y cho 2.150 lượt phụ nữ... Hội sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện công tác giảm nghèo.
Bà NGUYỄN HOÀNG VÂN HẠ - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện nhiều hoạt động, phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đối với các chị em có hoàn cảnh khó khăn, không chỉ các cấp hội ở huyện Khánh Vĩnh, Hội LHPN tỉnh cũng đã huy động và kết nối các nguồn lực trao phương tiện sinh kế trong trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nhỏ để hỗ trợ hội viên. Các chị em đã sử dụng có hiệu quả phương tiện sinh kế được trao, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, có nhiều cải tiến kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.