Tương lai của mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ phụ thuộc nhiều vào thế hệ trẻ

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Evans Knapper cho rằng, tương lai của Việt Nam và tương lai của mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ phụ thuộc nhiều vào thế hệ trẻ.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Evans Knapper giao lưu với sinh viên ĐHQGHN - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Evans Knapper giao lưu với sinh viên ĐHQGHN - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Mở ra nhiều cơ hội mới trong hợp tác giáo dục đại học

Ngày 8/1, tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo của ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Evans Knapper thăm ĐHQGHN và giao lưu với sinh viên về chủ đề "Kỷ niệm 30 năm mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ".

Tại chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam vào tháng 9/2023, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức nâng cấp lên thành mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, mở ra một giai đoạn lịch sử mới trong tình hữu nghị và hợp tác song phương.

Sự kiện này mở ra nhiều cơ hội mới trong hợp tác giáo dục đại học, đặc biệt là với mối quan hệ hợp tác giữa ĐHQGHN và các đối tác tại Hoa Kỳ đang ngày càng phát triển.

Thay mặt lãnh đạo ĐHQGHN, Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải bày tỏ vinh dự khi được đón tiếp ngài Đại sứ Marc Knapper tới thăm ĐHQGHN và giao lưu với cán bộ, sinh viên. Là đại học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu tại Việt Nam, ĐHQGHN đã thể hiện tốt vai trò và uy tín học thuật trong việc thực hiện trách nhiệm quốc gia, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội và đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập và kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong thời gian qua, ĐHQGHN vinh dự được đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách cũng như các học giả danh tiếng thế giới. Đặc biệt, vào năm 2000, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, ông đã tới thăm ĐHQGHN và có buổi nói chuyện với sinh viên.

Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cho biết, ĐHQGHN đã ký kết 33 thỏa thuận và hiệp định hợp tác song phương với các đối tác là những trường đại học, tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Hoa Kỳ như: Đại học Iowa, Đại học San José State, Đại học Chicago, Đại học Indiana, Đại học Bang Arisona, ĐH Maryland, Đại học Arizona, Đại học Keuka... Các hình thức hợp tác gồm có: phối hợp xây dựng chương trình đào tạo liên kết; phối hợp nghiên cứu, xây dựng các đề án; trao đổi giáo viên, sinh viên; tổ chức hội nghị, hội thảo.

Cùng với những hoạt động hợp tác trao đổi song phương, hai bên tập trung vào các lĩnh vực khoa học cơ bản là thế mạnh của các đối tác Hoa Kỳ như các chương trình tiên tiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế của ĐHQGHN: ngành toán học hợp tác với ĐH Washington, ngành hóa học với ĐH Illinois, ngành vật lý với ĐH Brown, ngành sinh học với ĐH Turf, ngành môi trường với ĐH Indiana…; ngành bán dẫn với ĐH Arizona; các chương trình trong khuôn khổ Đề án 165 (đào tạo cán bộ nguồn cho Đảng và Nhà nước theo kế hoạch của Ban Tổ chức TW), các chương trình trong khuôn khổ Đề án 911, Đề án 322...

Ngày 24/11/2021, Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER) chính thức được khởi động với sự tham dự của các đại diện lãnh đạo từ ĐHQGHN, ĐHQG TPHCM, ĐH Đà Nẵng cùng các đối tác quốc tế như ĐH Indiana, USAID và Ngân hàng Thế giới. Dự án này nhằm hiện đại hóa các cơ sở giáo dục đại học, cải tiến giáo trình và phương pháp giảng dạy để xây dựng các trường đại học theo mô hình thế kỷ 21. Trong năm tài chính 2024, PHER đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Dự án đã hỗ trợ thành công 17 cơ sở giáo dục đại học, bao gồm ba trường đại học lớn: ĐHQGHN (và 4 trường thành viên), ĐHQG TPHCM (và 5 trường thành viên) và ĐH Đà Nẵng (và 5 trường thành viên). Về phát triển nguồn nhân lực, dự án vượt mức 19% so với chỉ tiêu, hỗ trợ 889 cá nhân với cơ cấu 54% nữ và 46% nam. Đáng chú ý, dự án còn ghi nhận 3 sáng kiến đổi mới được hỗ trợ thông qua chỉ số STIR-10.

Cũng trong năm qua, ĐHQGHN và ĐH Arizona đã ký kết hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ bán dẫn, với kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực từ nhiều cấp độ, từ trung học phổ thông đến đại học và các chuyên gia đang làm việc trong ngành. Dự kiến sẽ có các hoạt động trao đổi như phát triển chương trình đào tạo, chia sẻ học liệu, trao đổi cán bộ và sinh viên, với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Hoa Kỳ.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải tin rằng, chuyến thăm của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper không chỉ là minh chứng cho mối quan hệ bền chặt giữa hai quốc gia mà còn là cơ hội độc đáo để sinh viên của ĐHQGHN tìm hiểu trực tiếp về ngoại giao quốc tế, quan hệ toàn cầu và tầm quan trọng của giao lưu văn hóa. 2025 là dịp để cùng nhìn lại những bước tiến mà hai nước đã cùng nhau đạt được trong 30 năm qua, đồng thời hướng tới phía trước và định hướng tương lai cho mối quan hệ hai nước những năm tiếp theo.

Đại sứ Marc Knapper thăm phòng truyền thống ĐHQGHN - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Đại sứ Marc Knapper thăm phòng truyền thống ĐHQGHN - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Giáo dục là nền tảng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam

Đại sứ Marc Knapper bày tỏ vui mừng khi được đến thăm ĐHQGHN cũng như ấn tượng trước những kết quả hợp tác của ĐHQGHN với các đối tác Hoa Kỳ trong suốt thời gian qua. Ông cho biết, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam sẵn sàng kết nối, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ĐHQGHN và các cơ sở giáo dục của nước này trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, trao đổi.

Thuyết trình trước hơn 400 sinh viên của ĐHQGHN về chủ đề "Kỉ niệm 30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam", Đại sứ nhấn mạnh vào 3 nội dung đó là giáo dục, đổi mới sáng tạo và quan hệ đối tác.

Đại sứ khẳng định, giáo dục là nền tảng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Giáo dục chính là hạt giống giúp các thế hệ trẻ phát triển thành những nhà lãnh đạo, nhà đổi mới và công dân toàn cầu.

Trong thời gian qua, nhiều tổ chức giáo dục Hoa Kỳ đã hợp tác với ĐHQGHN trong các sáng kiến đột phá, bao gồm thúc đẩy nghiên cứu địa không gian cùng NASA, mở rộng các chương trình đào tạo tiếng Anh và hợp tác thiết kế chương trình giảng dạy cho các ngành quan trọng như bán dẫn.

Hơn 60 sinh viên và giảng viên của ĐHQGHN đã tham gia các chương trình trao đổi do Chính phủ Hoa Kỳ tổ chức; ĐHQGHN đã hợp tác với các cơ sở giáo dục Hoa Kỳ trong các hoạt động trao đổi sinh viên và giảng viên, nghiên cứu, cũng như chia sẻ.

Việt Nam luôn nằm trong nhóm các quốc gia có nhiều sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục của Hoa Kỳ. Nhiều du học sinh rất thành công trên con đường học vấn cũng như có những vị trí công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ.

Đại sứ Marc Knapper cho biết, Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER) hay Chương trình Fulbright là những minh chứng cho thấy nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm tăng cường hợp tác trong giáo dục đại học với Việt Nam.

Theo Đại sứ Marc Knapper, tương lai của Việt Nam và Hoa Kỳ gắn bó mật thiết với nhau. Thành công của Việt Nam cũng là thành công của Hoa Kỳ và ngược lại. Hai nước sẵn sàng hợp tác chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề cấp bách của thời đại như biến đổi khí hậu. Ông tin rằng, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa cho 30 năm tiếp theo của mối quan hệ giữa hai nước.

Hai bên đang áp dụng cách tiếp cận hướng tới tương lai để thúc đẩy mối quan hệ phát triển, tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ 5G, năng lượng tái tạo, đổi mới số.

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã chuyển mình mạnh mẽ. Ngày nay, mối quan hệ này đã phát triển rực rỡ, bao phủ hầu như mọi lĩnh vực. Theo Đại sứ, những gì hai nước đã xây dựng cùng nhau trong 30 năm qua là trái ngọt từ cây mà hai nước đã cùng nhau quyết định trồng vào năm 1995.

Ông cho rằng, tương lai của Việt Nam và tương lai của mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ phụ thuộc nhiều vào thế hệ trẻ. Các bạn trẻ có cơ hội để đưa Việt Nam tiến vào một tương lai công nghệ cao và bền vững; tích cực đổi mới sáng tạo để giải quyết các thách thức như biến đổi khí hậu và năng lượng sạch; củng cố hợp tác giữa hai quốc gia.

Phương Liên

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/tuong-lai-cua-moi-quan-he-hop-tac-giua-viet-nam-hoa-ky-phu-thuoc-nhieu-vao-the-he-tre-102250108214731061.htm
Zalo