Rẽ phải khi đèn đỏ: Điều chỉnh kịp thời từ góc nhìn thực tế
Người dân TP.HCM lâu nay đã quen với việc rẽ phải khi đèn đỏ và xem đó là điều hiển nhiên, song luật không cho phép điều đó.
Ngay khi Nghị định 168 có hiệu lực, bên cạnh các vi phạm như vượt đèn đỏ, leo vỉa hè được kéo giảm thì cũng phát sinh vấn đề cho thấy TP.HCM còn thiếu nhiều biển phụ cho phép rẽ phải khi đèn đỏ ở một số ngã tư có lưu lượng xe lớn. Điều này dẫn đến nghịch lý là khi người dân chấp hành tốt việc không rẽ phải khi đèn đỏ thì có những nơi gây ùn ứ giao thông.
Điều đáng mừng là ngay sau khi thấy được bất cập này, các cơ quan chuyên môn thuộc Sở GTVT TP.HCM đã ngay lập tức vào cuộc và rà soát các vị trí giao lộ, các ngã tư để lập danh mục các vị trí ưu tiên lắp biển phụ rẽ phải khi đèn đỏ cho người dân. Đây là tín hiệu tích cực và nó cho thấy sự lắng nghe, ghi nhận nhanh chóng mong mỏi của hàng triệu người dân khi tham gia giao thông.
Trên thực tế, người dân TP.HCM lâu nay đã quen với việc rẽ phải khi đèn đỏ và xem đó là điều hiển nhiên, song luật không cho phép điều đó. Khi đèn đỏ, các phương tiện (trừ các xe ưu tiên) phải dừng lại dù ở bất kỳ hướng nào, trừ khi có quy định về việc một số ngã tư cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ và có biển báo chỉ dẫn cụ thể.
Có thể thấy luật pháp đã có những biện pháp, chế tài để xử lý người vi phạm giao thông nhưng việc chấp hành luật còn phụ thuộc vào ý thức của người tham gia giao thông, lực lượng CSGT và điều kiện cơ sở hạ tầng cụ thể của từng vùng, từng địa phương. Như việc cho phép xe rẽ phải khi đèn đỏ không phải là vấn đề mới và các nước trên thế giới cũng đã áp dụng rất nhiều.
Tuy nhiên, việc giao lộ, ngã tư nào nên cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ sẽ phụ thuộc vào vị trí cụ thể, tùy thuộc vào nút giao thông, hướng lưu thông, phân làn, phân đường, pha đèn, chu kỳ đèn... chứ không nên thực hiện theo kiểu mặc nhiên mọi giao lộ, ngã tư đều như vậy sẽ gây ra những bất cập. Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng phải rà soát, nghiên cứu kỹ càng từng vị trí cụ thể, từ đó rút ra thiết kế hợp lý, hài hòa lợi ích và đi đến kết luận cụ thể.
Ví dụ, tại một giao lộ có một tuyến đường lớn giao cắt với một tuyến đường nhỏ, trong trường hợp hướng của tuyến đường nhỏ không sử dụng hết đèn xanh của nó sẽ gây mất mát, lãng phí thời gian cho tuyến đường lớn dẫn đến xe phải chờ rất lâu trong khi tuyến đường nhỏ xe lác đác. Trong trường hợp này, có thể xem xét cho phép xe từ hướng đường lớn rẽ phải khi đèn đỏ. Tất nhiên đây chỉ là lý thuyết chung, trên thực tế cần nghiên cứu thêm nhiều khía cạnh.
Mặt khác, trong quy định thiết kế đèn tín hiệu giao thông không chỉ đơn thuần là giải quyết tình trạng kẹt xe, mà tiêu chí cao nhất vẫn là vấn đề an toàn giao thông cho cả phương tiện lưu thông và người tham gia giao thông, kể cả người đi bộ. Chính vì vậy, khi nghiên cứu bài toán cho xe máy rẽ phải khi đèn đỏ cũng cần song hành với các quy định về tốc độ, ưu tiên cho người đi bộ băng qua đường.
Việc thiết kế đèn tín hiệu giao thông tại một giao lộ có mật độ giao thông cao phải đảm bảo vừa an toàn giao thông cho người đi bộ, vừa đảm bảo việc lưu thông thuận lợi nhất cho người dân. Chính vì tầm quan trọng đó, mỗi bước thay đổi cần có sự nghiên cứu kỹ càng để đưa ra những giải pháp cụ thể trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Người dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật nhưng cũng mong muốn được rẽ phải khi đèn đỏ một cách hợp lý để tránh gây ùn tắc giao thông ở những giao lộ cụ thể. Đó là mong muốn chính đáng và chúng ta phải tìm ra giải pháp để chính sách ban hành vừa đạt được mục tiêu quản lý vừa hợp lòng dân.