Hòa nhịp đập cùng trái tim dân tộc
Gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ vào dịp trước thềm năm mới 2025, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định đây là 'đội quân văn hóa của Đảng, nhân tố nòng cốt làm nên sức vóc, bề dày văn hóa mới, thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển ngành công nghiệp văn hóa định hướng xã hội chủ nghĩa...'
Gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ vào dịp trước thềm năm mới 2025, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định đây là “đội quân văn hóa của Đảng, nhân tố nòng cốt làm nên sức vóc, bề dày văn hóa mới, thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển ngành công nghiệp văn hóa định hướng xã hội chủ nghĩa, không ngừng nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần của quần chúng nhân dân, góp phần bồi đắp nền văn hiến lâu đời, đặc sắc của dân tộc, làm rạng rỡ non sông, đất nước”.
Ghi nhận nhiều đóng góp của “những người con ưu tú, tinh hoa, lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá văn hóa dân tộc”, nhưng Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt chưa được, cần nỗ lực hơn để văn học nghệ thuật xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và góp phần đắc lực hơn nữa vào công cuộc phát triển đất nước, nhất là ở giai đoạn đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới.
Những nội dung chưa được, cơ bản gồm: hoạt động văn học nghệ thuật trong giai đoạn đổi mới đất nước đang có phần chững lại, kém khí thế, nhiệt huyết; thiếu vắng những tác phẩm có sức khái quát nghệ thuật cao, có năng lực hiệu triệu, lay động, cổ vũ, khích lệ toàn dân, toàn quân muôn người như một, chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện các chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước; chưa phản ánh sinh động và đầy đủ thực tiễn công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, giá trị văn hóa truyền thống bị mai một; chưa hoàn thành sứ mệnh cao cả là ngọn đuốc nhân văn, ngọn đuốc trí tuệ, văn hóa soi lối, dẫn đường, kiến tạo những giá trị và lối sống lành mạnh, tiến bộ...
Đối với văn nghệ sĩ, một số còn thụ động, thiếu khát vọng, chưa dấn thân, thậm chí tha hóa về tư tưởng chính trị, có tư duy lệch lạc, chạy theo thị hiếu tầm thường, theo lợi ích cá nhân trước mắt, sa ngã, vi phạm pháp luật; hoạt động lý luận, phê bình nghệ thuật còn lạc hậu và có biểu hiện tụt hậu, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của cuộc sống, còn xa rời thực tiễn, xơ cứng, chưa thực hiện tốt vai trò dẫn dắt, điều phối...
Như vậy đã rõ, Đảng, Nhà nước, Nhân dân đang kỳ vọng gì ở văn học nghệ thuật nói chung và đội ngũ văn nghệ sĩ nói riêng. Trong sự kỳ vọng này, có phần thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật, có phần phải từ chính trách nhiệm và nỗ lực của từng văn nghệ sĩ cụ thể.
Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ kỳ vọng khi nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng rằng, phát huy truyền thống vẻ vang, đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà nhất định sẽ đạt những thành tựu mới, chiếm lĩnh những đỉnh cao mới trong sáng tạo nghệ thuật, không ngừng bồi đắp, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước và góp phần tích cực phát triển văn minh nhân loại”.
2025 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của Đảng và dân tộc ta, đặc biệt là kỷ niệm 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; năm tăng tốc hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, tạo tiền đề vững chắc để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới. Để đạt được mục tiêu lớn lao này, đòi hỏi sự nỗ lực bứt phá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có sự đóng góp của văn học nghệ thuật, của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Sau đại hội cơ sở đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam trong nhiệm kỳ mới là Đại hội Chi hội Nhà văn Công an, tổ chức ngày 23/11/2024, các cơ sở khác cũng đã lần lượt đại hội, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XI Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030, dự kiến tổ chức vào đầu năm 2025. Điều đáng mừng là Ban Chấp hành đương nhiệm của Hội Nhà văn Việt Nam, thông qua các đại hội cơ sở và trên diễn đàn của hội, đã nhận được nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ X (2020-2025) và phương hướng công tác nhiệm kỳ XI (2025-2030) của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá những ý kiến đó là thẳng thắn, nghiêm túc, đóng góp cho sự phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đã nhấn mạnh “nay nước ta đã giành được độc lập, cần phải có một nền văn hóa hòa hợp với khoa học và hợp với cả nguyện vọng của dân”. Theo quan điểm của Bác, “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa dân tộc và con người mới phải được xây dựng, phát triển phù hợp với thời đại, với mục tiêu chiến lược phát triển mới của đất nước.
Trước vận hội mới của đất nước, mỗi văn nghệ sĩ cần chủ động trang bị ngay cho bản thân một tinh thần mới, nỗ lực mới, chủ động hòa nhịp đập cùng trái tim dân tộc. Và, điều ấy, cần được thể hiện ngay trong những ngày đầu xuân năm mới, khởi đầu của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.