Tuổi trẻ khát khao chinh phục khoa học

Quá trình từ lên ý tưởng tới hiện thực hóa thành sản phẩm thiết bị giáo dục thông minh - VROBOT là một hành trình đáng nhớ của nhóm học sinh Hà Nội.

Học sinh bên sản phẩm “Thiết bị giáo dục thông minh - VROBOT”. Ảnh: NTCC

Học sinh bên sản phẩm “Thiết bị giáo dục thông minh - VROBOT”. Ảnh: NTCC

Trải nghiệm quý giá

Tại lễ bế mạc Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII, sản phẩm “Thiết bị giáo dục thông minh - VROBOT” của nhóm học sinh gồm Kiều Đức Thắng, Đỗ Tiến Bảo, Phùng Khắc Tùng đến từ Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) cùng Trần Chí Bách, Nguyễn Trần Minh Hà (Trường THCS Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy) đã vinh dự đạt giải Nhất Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VII nằm trong khuôn khổ Ngày hội.

Bà Phạm Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên cho biết, đây là thành tích xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của học sinh trên hành trình chinh phục đam mê khoa học. Ngày hội cũng là sân chơi bổ ích, nơi hội tụ những khát vọng trẻ để học sinh, sinh viên toàn quốc cùng nhau khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, góp phần kiến tạo tương lai cho đất nước.

Hiện nay, việc triển khai các hoạt động dạy và học STEM cũng như lập trình robotics gặp một số khó khăn do thiếu hụt thiết bị; nguồn ngân sách của các nhà trường còn hạn chế, trong khi giá thành các bộ thiết bị dạy học bán trên thị trường khá đắt. Do đó, việc nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện các bộ thiết bị dạy học đa năng có xuất xứ Việt Nam như VROBOT vô cùng cần thiết, mở ra hướng đi mới cho việc dạy học, phát triển năng lực học sinh.

Còn Hiệu trưởng Trường THCS Trần Duy Hưng, bà Lê Kim Anh, nhấn mạnh, đây là niềm vinh dự, tự hào mà các em dành tặng bản thân, niềm hạnh phúc dành cho gia đình, thầy cô, bạn bè và nhà trường. Kết quả này còn góp phần tạo nên bức tranh thành tích chung ngành Giáo dục Thủ đô. Chí Bách và Minh Hà dù mới học lớp 7 và lớp 8 nhưng đã đam mê khoa học, nhiệt huyết, sáng tạo trong quá trình nghiên cứu cùng 3 học sinh trường bạn.

Là Trưởng nhóm nghiên cứu, em Kiều Đức Thắng - học sinh lớp 9A4, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, cho hay: Sản phẩm là bộ công cụ lắp ráp robot dùng để giáo dục STEM và được mô hình hóa thông qua một app (VroApp). VroApp sử dụng hình ảnh 3D để hướng dẫn lắp ráp, điều khiển robot thông qua hệ thống trò chơi được nâng cấp theo từng cấp độ. Thông qua VroApp, học sinh được sáng tạo robot, chủ động tự lập trình và lắp ráp thực tế.

Ý tưởng của dự án xuất phát từ quan sát các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống, đặc biệt nhu cầu ứng dụng công nghệ để hỗ trợ sinh hoạt, học tập hoặc giải quyết một vấn đề cụ thể (có thể bổ sung tùy vào sản phẩm robot như: Robot hỗ trợ phân loại rác, robot tưới cây...).

“Khi triển khai, thuận lợi là chúng em đều đam mê công nghệ và tinh thần làm việc nhóm cao. Ban giám hiệu nhà trường luôn tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, động viên chúng em tham gia cuộc thi. Tuy nhiên, khó khăn chủ yếu về mặt kỹ thuật lập trình, tích hợp các linh kiện điện tử và làm sao để sản phẩm vận hành ổn định, nhất là trong điều kiện thi đấu thực tế”, Thắng trao đổi.

 Nhóm nghiên cứu đến từ Trường THCS Ngô Sĩ Liên và Trường THCS Trần Duy Hưng được trao giải Nhất. Ảnh: NTCC

Nhóm nghiên cứu đến từ Trường THCS Ngô Sĩ Liên và Trường THCS Trần Duy Hưng được trao giải Nhất. Ảnh: NTCC

Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm

Đến từ Trường THCS Ngô Sĩ Liên, học sinh Đỗ Tiến Bảo tâm sự: “Em nhớ khoảnh khắc đứng trên sân khấu, trong đầu chỉ hiện hình ảnh cả nhóm từng ngồi học với nhau đến khuya, tranh luận rồi sửa từng chi tiết nhỏ trong dự án. Giải thưởng như cái kết đẹp, nhưng cũng là điểm khởi đầu để chúng em tin vào khả năng mình hơn”.

Nói về quá trình thực hiện sản phẩm, Bảo chia sẻ, khi gặp khó khăn về kỹ thuật, cô trò chủ động tìm kiếm tài liệu, tham khảo các diễn đàn công nghệ, đồng thời nhờ sự hỗ trợ của giáo viên Tin học, Vật lý trong trường. Nhóm cũng thường xuyên thử nghiệm, điều chỉnh sản phẩm, ghi nhận lỗi và cải tiến từng phần. Để tăng tính ứng dụng, nhóm nghiên cứu tập trung hoàn thiện cả phần cứng và mềm, hướng tới sản phẩm thân thiện, dễ sử dụng có khả năng áp dụng vào thực tế học đường hoặc gia đình.

Điểm đáng nhớ là sự phối hợp ăn ý giữa các thành viên dù đến từ hai trường và độ tuổi chênh lệch. Các em đã học được cách chia sẻ công việc, hỗ trợ lẫn nhau và giữ tinh thần làm việc nhóm rất cao. Sau mỗi vòng thi, sản phẩm được điều chỉnh để hoàn thiện hơn như nâng cao tính ổn định, cải tiến giao diện điều khiển, hoặc thêm tính năng mới để tăng tính sáng tạo. Trước khi dự thi cấp quốc gia, đội thi đã hoàn thiện bản thuyết trình, mô hình vận hành sản phẩm và chuẩn bị kỹ phần trả lời phản biện.

Bà Trương Thị Thanh Hiền - mẹ em Trần Chí Bách lớp 8A5, Trường THCS Trần Duy Hưng cho hay, từ bé Bách có sở thích hình khối, robot hay xếp lego. Bố mẹ tạo điều kiện tốt nhất để con phát huy sở trường và đam mê học tập. Dù mới lớp 8 nhưng Bách có thiên hướng về ngành kỹ thuật. Thành tích lần này là tiền đề để con phát triển hơn trong tương lai.

Là thành viên nữ duy nhất trong nhóm nghiên cứu, Nguyễn Trần Minh Hà đến từ lớp 7A9, Trường THCS Trần Duy Hưng đã hăng hái tham gia vào quá trình nghiên cứu, thiết kế sản phẩm. Bà Trần Thị Thùy Hương - mẹ của Minh Hà chia sẻ: Qua cuộc thi này, Hà được rèn luyện thêm kỹ năng làm việc nhóm để triển khai các công việc cụ thể. Nhóm phân công rõ ràng, khoa học để phát huy hết khả năng mỗi người.

“Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp là dịp để nhiều doanh nghiệp, quỹ đầu tư quan tâm, kết nối đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi; tạo điều kiện để học sinh, sinh viên tiếp cận với cơ hội đầu tư cùng những kiến thức thực tế. Hy vọng, dự án khởi nghiệp ‘Thiết bị giáo dục thông minh - VROBOT’ sẽ đem lại giá trị thiết thực, ý nghĩa cho ngành Giáo dục”, bà Lê Kim Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Duy Hưng kỳ vọng.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tuoi-tre-khat-khao-chinh-phuc-khoa-hoc-post729183.html
Zalo