Tuổi 20 rực lửa trên mặt trận: Chân dung thế hệ thanh niên dấn thân vì Tổ quốc qua hồi ức của phóng viên chiến trường

Năm 20 tuổi, phóng viên Trần Mai Hưởng đặt chân tới Quảng Trị, mặt trận có thể nói là khốc liệt nhất lúc bấy giờ. Những lần tác nghiệp sinh tử lúc tuổi vừa đôi mươi đã in dấu trong tâm trí ông những ký ức không thể nào quên.

Ông kể lại: “Đầu năm 1972, khi tôi vừa tròn 20 tuổi và đặt chân đến Quảng Trị, không khí chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công nổi dậy trên toàn miền Nam đã rất khẩn trương. Thông tấn xã Việt Nam lúc bấy giờ cần một lực lượng hoạt động ngay bên kia bờ sông Hiền Lương, trực tiếp phản ánh cuộc chiến đấu giải phóng Quảng Trị, quá trình xây dựng vùng giải phóng, giành chính quyền và thiết lập một khu vực hoàn toàn dưới sự kiểm soát của ta. Đó là một nhiệm vụ vô cùng lớn lao.

Chiến dịch giải phóng Quảng Trị đặt ra vô vàn yêu cầu, từ việc ghi nhận những trận đánh của bộ đội, phản ánh phong trào nhân dân nổi dậy xây dựng chính quyền, cho đến cuộc chiến đấu kiên cường bảo vệ đất, giữ dân sau những đợt giằng co ác liệt giữa hai bên, mà đỉnh điểm là 81 ngày đêm chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị.

Nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại hành trình tác nghiệp những tác phẩm thời chiến.

Nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại hành trình tác nghiệp những tác phẩm thời chiến.

Đó là một thời kỳ sôi động và khốc liệt vô cùng. Khi ấy, quân đội Mỹ vẫn còn tham chiến, sức mạnh không quân và pháo binh của họ rất lớn: B-52, pháo hạm, pháo mặt đất, cùng đủ loại máy bay tiêm kích, cường kích và bom bi trút xuống ngày đêm. Tác nghiệp trong hoàn cảnh đó đòi hỏi phóng viên phải nỗ lực hết mình. Rất nhiều lần tôi theo sát bộ đội trong các chiến dịch lớn, từ giải phóng Gio Linh, Triệu Phong đến thị xã Quảng Trị, rồi hành quân qua những bãi bom, trận địa pháo, đối mặt với vô vàn thử thách.

Nhưng điều quan trọng hơn sự ác liệt của chiến tranh, và cũng là điều khó khăn nhất mà tôi muốn chia sẻ, chính là việc phải có tác phẩm: phải thu thập được tài liệu, có được bài viết, có được bức ảnh và chuyển chúng về cơ quan. Chỉ khi đó, nhiệm vụ của mình mới hoàn thành. Chịu đựng bao gian khổ mà không có tài liệu giá trị, không có hình ảnh chân thực, không có bài viết sâu sắc thì rõ ràng là mình đã không hoàn thành nhiệm vụ. Đó là điều tôi thấm thía sâu sắc.

Có những lúc tôi đi theo bộ đội, nhưng cũng có khi phải một mình quay trở lại căn cứ để gửi bài. Ví dụ như năm 1972, sau khi giải phóng Bích La Đông, quê hương của Tổng Bí thư Lê Duẩn, việc có một bài viết về sự kiện quan trọng này là vô cùng cần thiết. Để thực hiện nhiệm vụ đó, tôi đã ở lại Bích La Đông cùng chính quyền địa phương tổ chức lễ ra mắt, rồi một mình vác ba lô đi bộ từ Triệu Phong về Cửa Việt, qua Cửa Tùng, ra Vĩnh Linh để kịp thời gửi bài. Nếu cứ ở lại, chắc chắn bài viết sẽ chậm trễ. Và việc quay trở lại một mình như vậy cũng đầy rủi ro, khi mà mọi người đều đang tiến về phía trước hoặc bám trụ tại các địa bàn. Tôi đơn độc đi dọc bờ biển, một bên là biển cả mênh mông, một bên là bãi cát trắng trải dài, chỉ có một mình với khẩu súng. Có những lúc, tôi cũng cảm thấy hoang mang, lo lắng khi nghĩ đến những hiểm nguy có thể ập đến bất ngờ. Pháo vẫn nổ và tàn quân địch có thể ẩn náu ở đâu đó.

Đã có những thời điểm sức lực cạn kiệt. Khi về đến Cửa Việt, sau những ngày hành quân và tác chiến liên tục, trong túi của tôi chỉ còn một gói lương khô dự trữ. Nhưng vì đi lại quá nhiều, gói lương khô đã bị vụn nát. Buổi chiều hôm ấy, bên bờ sông Cửa Việt, khi tôi mở gói lương khô ra để ăn thì thứ còn lại chỉ là một nắm bụi. Tôi vừa mở ra thì gió thổi bay hết, tôi vội quơ tay nhưng không thể bốc nổi một chút nào vào miệng.

Không ít lần tôi nằm giữa những trận địa pháo B52, tưởng như cái chết cận kề. Trong những chuyến công tác đơn độc, thâm nhập vào vùng chống phản kích ác liệt ở Triệu Phong, tôi phải viết tên mình lên một mảnh giấy nhỏ, bọc ni lông kỹ lưỡng rồi dùng dây buộc chặt vào người bởi vì nếu chẳng may trúng bom, cơ thể có thể bị vùi lấp, quần áo có thể tan nát, thì ít ra mảnh giấy đó giúp người ta biết tôi là ai, của cơ quan nào… Chúng tôi, những người làm báo thời chiến, chấp nhận mọi rủi ro, xem đó như một phần tất yếu của công việc.

Chúng tôi sống trong những căn hầm, hứng chịu những trận pháo kích suốt đêm. Sáng hôm sau, nhìn ra xung quanh chỉ thấy chi chít những hố bom, may mắn thay, hầm của mình vẫn an toàn. Nhưng nếu không may mắn, thì sự sống cũng chấm dứt. Đó là những thử thách thường xuyên, buộc chúng tôi phải chấp nhận và vượt qua. Tôi luôn nghĩ rằng một năm ở Quảng Trị năm 1972 khắc nghiệt bằng cả một đời người. Trải qua tất cả những điều đó, nhiều năm sau này, nó vẫn còn rèn giũa con người tôi.

Cựu phóng viên chiến trường giới thiệu những bức ảnh để đời năm 1975.

Cựu phóng viên chiến trường giới thiệu những bức ảnh để đời năm 1975.

Ngay cả việc nằm giữa bãi bom mà không chết, đó cũng là một sự rèn luyện bản lĩnh. Nếu không giữ được bình tĩnh, cái chết có thể đến rất nhanh. Bom B52 có thể ném thành ba loạt, sáu loạt, cả một vùng rộng lớn hàng trăm mét vuông dày đặc hố bom. Khi bom đã nổ, cách duy nhất là nằm im tại chỗ. Bất kỳ ai sợ hãi vùng dậy chạy đều có thể trúng phải vô vàn mảnh đạn.

Trong những trận đánh phản kích, mối liên hệ giữa người phóng viên và những chiến sĩ trở nên thắm thiết hơn bao giờ hết. Tại những vùng đất mà ranh giới giữa ta và địch chỉ là một con đường làng, nơi quân ngụy đóng ở đầu, du kích Quân Giải phóng giữ ở cuối, tôi đã cùng họ sống và chiến đấu.

Đêm đêm, tiếng súng có thể nổ ra bất ngờ, và những người du kích ấy luôn lo lắng cho sự an toàn của tôi, ân cần chỉ dẫn đường đi nước bước khi có giao tranh. Chúng tôi đã chia sẻ mọi gian khổ, hiểm nguy, từ bữa ăn đến giấc ngủ. Dù sự hy sinh luôn rình rập, nhưng đó là cái giá phải trả của người phóng viên để có thể phản ánh một cách chân thực cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương.

Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, sự hy sinh của những người đồng đội là một nỗi đau không thể nào nguôi ngoai. Tôi nhớ nhà báo, nhà nhiếp ảnh đàn anh Nghĩa Dũng, anh đã ngã xuống ngay trong những ngày đầu của cuộc Tổng tiến công vào Quảng Trị năm 1972, một sự mất mát đột ngột. Anh hy sinh ở miền Tây Quảng Trị, và sau này, những tác phẩm của anh đã được vinh danh, nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Gần đây, ở Đông Hà, tên của anh đã được đặt cho một con đường.

Một nhà báo khác của Thông tấn là anh Hồ Minh Khởi đã đưa các nhà báo mới ra trường vào thực tế và rồi mãi mãi nằm lại Quảng Trị. Anh hy sinh bởi mảnh pháo oan nghiệt găm vào tim, dù anh đang trú ẩn trong hầm. Hay như những nhà quay phim của Điện ảnh Giải phóng quân đội, họ cũng gục ngã trên đất Gio Linh. Tất cả những điều đó diễn ra ngay bên cạnh, nhắc nhở rằng cái chết có thể đến với bất kỳ ai, bất cứ lúc nào.

Và tôi cũng phải thừa nhận rằng, sự sống sót ở chiến trường còn cần đến cả sự may mắn. Có người bị thương tật, có người hy sinh, nhưng cũng có những người như tôi, chỉ chịu sức ép bom đạn, cuối cùng vẫn trở về được. Đó là điều may mắn lớn lao trong cuộc đời tôi.”

Trong vô vàn câu chuyện nhà báo Trần Mai Hưởng kể, chúng tôi luôn cảm nhận được vẻ đẹp của một thế hệ thanh niên hào hoa, oai hùng mà theo ông, đó là thế hệ “dấn thân”; “ra chiến trường là lẽ tự nhiên.” Họ lên đường chiến đấu không cần lời kêu gọi, không cần khẩu hiệu, chỉ với tinh thần tự nguyện và sự sẵn sàng hy sinh cao cả vì Tổ quốc.

Nhà báo Trần Mai Hưởng chậm rãi lật giở những bức ảnh tư liệu quý giá, giới thiệu cho chúng tôi những nhân vật đã đi qua trang nhật ký chiến trường của ông. Đến bức ảnh một nữ du kích Quảng Trị, ông dừng lại rất lâu, ông kể: “ Tôi nhớ mãi câu chuyện về nữ du kích Thu Hồng. Tôi chụp ảnh chị, năm chị 20 tuổi, vào giữa tháng 2 năm 1972 ở Quảng Trị, nhưng đến cuối tháng 3 chị đã anh dũng hy sinh. Là một người con của miền Nam tập kết ra Bắc, chị tình nguyện trở về quê hương, về tận xã làm du kích chiến đấu, và ngã xuống trong đợt tổng tiến công đầu tiên.

Nhà báo Trần Mai Hưởng chậm rãi lật giở những bức ảnh tư liệu quý giá, giới thiệu cho chúng tôi những nhân vật đã đi qua trang nhật ký chiến trường của ông. Đến bức ảnh một nữ du kích Quảng Trị, ông dừng lại rất lâu, ông kể: “ Tôi nhớ mãi câu chuyện về nữ du kích Thu Hồng. Tôi chụp ảnh chị, năm chị 20 tuổi, vào giữa tháng 2 năm 1972 ở Quảng Trị, nhưng đến cuối tháng 3 chị đã anh dũng hy sinh. Là một người con của miền Nam tập kết ra Bắc, chị tình nguyện trở về quê hương, về tận xã làm du kích chiến đấu, và ngã xuống trong đợt tổng tiến công đầu tiên.

Những câu chuyện như thế khiến lòng tôi trào dâng xúc động. Họ là những người thật sự sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, không màng đến sự mất mát về tính mạng hay những thiệt thòi cá nhân. Nếu ở lại miền Bắc, chị có thể học hành, có thể có một tương lai nghề nghiệp khác, một ước mơ riêng, nhưng chị đã chọn trở về quê hương chiến đấu, chọn con đường du kích gian khổ.

Đặc biệt, chị còn là con của cán bộ cấp cao, bố là Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, Trưởng ban Dân vận, mẹ là Hội phó Hội Phụ nữ Giải phóng. Một người hoàn toàn có cơ hội ở lại nơi an toàn, tìm kiếm những cơ hội tốt cho bản thân, lại sẵn sàng trở về chiến đấu và hy sinh, đó thực sự là một tấm gương cao đẹp. Sau này, trong những buổi gặp mặt tưởng nhớ phong trào học sinh miền Nam tập kết, bức ảnh của chị luôn được trân trọng như một biểu tượng. Và còn rất nhiều “chị Hồng” khác mà sau mỗi bức ảnh, bài viết là cả một câu chuyện về sự phấn đấu, sự hy sinh thầm lặng.

Tôi còn nhớ câu chuyện về một người phụ nữ ở Triệu Trạch. Khi quê hương giải phóng, chị chui lên từ hầm trú ẩn sau ba năm sống trong bóng tối. Gặp tôi, chị vẫn không dám ra ngoài sân vì không quen với ánh sáng ban ngày. Ba năm ẩn mình dưới lòng đất, chỉ đêm mới dám lên. Họ phải tập làm quen với ánh sáng mặt trời từng ngày một. Sự hy sinh ấy, nghe có vẻ bình thường, nhưng thực ra là một sự hy sinh vô cùng lớn lao của những con người bám trụ địa bàn, bám dân, dùng mọi cách để góp sức vào cuộc chiến.

Thời ấy, sinh viên Hà Nội vào chiến trường rất đông, đặc biệt là ở Thành cổ Quảng Trị và khu vực lân cận. Hầu hết lực lượng tham gia chiến đấu giai đoạn sau đều là sinh viên. Thế hệ thanh niên, sinh viên, học sinh thời ấy ra trận với một tinh thần vô tư, trong sáng đến lạ kỳ.

Nhà báo Trần Mai Hưởng và đồng đội tại chiến trường. (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Trần Mai Hưởng và đồng đội tại chiến trường. (Ảnh: NVCC)

Giữa bom đạn khốc liệt, chúng tôi dần quen với tiếng nổ, với sự tàn phá. Kiến thức về chiến tranh có được qua sách báo, tìm hiểu, nhưng thực tế chiến trường đòi hỏi những nỗ lực phi thường. Khi đối diện với những thử thách sinh tử, không còn cách nào khác ngoài việc phải vượt lên chính mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Tất nhiên, lần đầu nghe tiếng bom nổ, ai cũng giật mình, nhưng dần dà rồi cũng thành quen. Chứng kiến những thi thể của lính ngụy hay cả những đồng đội ngã xuống, ban đầu là sự ám ảnh, nhưng rồi cũng chai sạn theo thời gian. Sau này, năm 1975, khi ra cảng Đà Nẵng, xác lính ngụy còn rải rác khắp nơi, hay cả những trận đánh trước đó ở Quảng Trị cũng vậy. Chúng tôi buộc phải quen với những mất mát, với sự tàn khốc của chiến tranh. Mà nếu sợ hãi, cũng chẳng biết trốn chạy về đâu. Với chúng tôi thời đó, đào ngũ chẳng khác gì chết, ai trở về quê mà sống cho được với mác đào ngũ. Đó là lẽ sống của cả một thế hệ. Tôi vẫn thường nói, đối với thế hệ chúng tôi, ra chiến trường là lẽ tự nhiên, bình thường. Đó là một con đường mà mọi người đều đi qua. Gặp nhau, chỉ hỏi bao giờ đi, hay khi trở về thì hỏi về từ khi nào, chứ không ai thắc mắc tại sao lại có mặt ở đó.

Bức ảnh lịch sử của cựu phóng viên chiến trường Trần Mai Hưởng.

Bức ảnh lịch sử của cựu phóng viên chiến trường Trần Mai Hưởng.

Những thanh niên, sinh viên ra trận tỏa ra khí chất đặc biệt. Giữa khói lửa chiến tranh, giữa lằn ranh sinh tử, họ vẫn giữ trọn vẹn nét hào hoa, yêu đời tuổi đôi mươi. Cây đàn guitar trở thành người bạn đồng hành trên những chặng đường gian khổ, những vần thơ, điệu hát cất lên như một khúc tráng ca, vừa lãng mạn, vừa hùng tráng. Tôi cho rằng, đó là vẻ đẹp tinh thần không gì lay chuyển được. Trong tổ phóng viên TTXVN ở phía đông, chỉ có tôi và một đồng nghiệp nữa còn khá trẻ, chúng tôi cũng cố gắng giữ cho mình một đời sống tinh thần tươi trẻ như vậy.

Nhìn lại những năm tháng ấy, tôi càng thấm thía giá trị của hòa bình hôm nay, được đánh đổi bằng máu xương của cả một thế hệ. Nếu ai đó đang xem những ngày bình yên này là điều hiển nhiên, thì hãy nhớ rằng, trong chiến tranh, một chị du kích ở vành đai điện tử từng ước mơ giản dị đến nao lòng: một ngày không tiếng súng, được ngắm nhìn trời xanh. Chỉ vậy thôi, không cần gì hơn. Khi tôi hỏi về tương lai, chị chỉ mong nếu hòa bình mà mang thương tật, sẽ được vào làm công nhân nông trường, để tuổi già có nơi nương tựa. Về hạnh phúc riêng, nếu lỡ dở không ai se duyên, chị chỉ mong có một đứa con. Ước mơ nhỏ bé đến xót xa, không dám nghĩ đến một gia đình trọn vẹn. Hay một người em, khi tôi hỏi về khát vọng, em chỉ mong hòa bình, thống nhất để có cơ hội đi thăm đất nước mình, không đòi hỏi bất cứ điều gì cho riêng tư. Đó là cả một thế hệ!

Tôi đã không ít lần viết về sự hy sinh của những con người, của cả một thế hệ. Trong bài "Trở Lại Hiền Lương", tôi có những câu thơ:

"Đất nước mình bao nhiêu dòng sông

Nhưng duy nhất chỉ Hiền Lương là một

Mong những chia cắt một thời mãi liền da thịt

Trong lòng sông và cả lòng người".

Đó là thế hệ đã ra đi, nhiều người không bao giờ trở về. Họ cũng là những con người với khát vọng sống, với ước mơ, với bao hoài bão, nhưng họ đã không có cơ hội thực hiện. Họ hy sinh vì điều gì? Vì hòa bình cho đất nước. Mỗi ngày hòa bình hôm nay là máu xương của biết bao người đã ngã xuống, đã chiến đấu gian khổ để giành lấy.

Bản thân tôi cũng vậy. Mỗi ngày thức dậy, mở cửa ra đường, dắt xe khi còn đủ sức, ngước nhìn trời xanh, đó đã là một hạnh phúc lớn lao. Dù cuộc sống còn nhiều lo toan, phấn đấu về danh vọng, tiền bạc, nhưng được sống đã là điều vô cùng quý giá.

Sống như thế nào cho xứng đáng lại là trách nhiệm của mỗi người, trong từng hoàn cảnh riêng. May rủi là lẽ thường, nhưng bản thân sự sống luôn đáng trân trọng, không nên sống với thái độ bất mãn hay chán chường. Tôi tin rằng vượt lên những bi kịch cá nhân, trân trọng khát vọng sống sẽ giúp chúng ta có một cuộc đời ý nghĩa hơn. Từng con người hạnh phúc sẽ tạo nên một đất nước có đời sống tinh thần phong phú. Điều này nghe có vẻ lớn lao, nhưng thực sự là như vậy.

Trong không gian ấm cúng của căn nhà nhỏ giữa lòng Hà Nội, những câu chuyện của nhà báo Trần Mai Hưởng đã khép lại buổi trò chuyện đầy xúc động của chúng tôi. Qua lời kể của một người lính cầm bút, một chứng nhân lịch sử, chúng tôi đã hình dung rõ hơn về một thế hệ thanh niên Việt Nam quả cảm, sẵn sàng gác lại mọi ước mơ riêng để dấn thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Họ ra đi không hề do dự, không cần bất kỳ sự thôi thúc nào, bởi trong trái tim họ, tình yêu nước đã trở thành lẽ sống, sự hy sinh là một lựa chọn tự nguyện và cao cả.

Những thước phim quay chậm về một thời khói lửa, về những con người kiên cường mà nhà báo Trần Mai Hưởng đã khắc họa bằng cả trái tim và ngòi bút, sẽ mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ sau. Để hôm nay, giữa bầu trời hòa bình, chúng ta càng thêm trân trọng những gì đã được đánh đổi, và sống xứng đáng với những ước mơ còn dang dở của những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.

Chúng tôi tạm biệt nhà báo Trần Mai Hưởng, ông tiễn chúng tôi. Mặt trời đã tắt từ bao giờ nhưng trong lòng tôi vẫn rạo rực một tinh thần nhiệt huyết, một thôi thúc cống hiến, hòa cùng không khí kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nội dung: Lê Vượng - Ngọc Thanh | Ảnh: Lê Trung - Trâm Anh |

Thiết kế: Nguyễn Thu Trang

Lê Vượng

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tuoi-20-ruc-lua-tren-mat-tran-chan-dung-the-he-thanh-nien-dan-than-vi-to-quoc-qua-hoi-uc-cua-phong-vien-chien-truong-post1738021.tpo
Zalo