Từng có nhà sáng chế gửi thư cho vua Bảo Đại xin tiền mua động cơ máy bay

Hồ Đắc Cung - một chàng trai gốc Huế lớn lên ở Cai Lậy, Tiền Giang với niềm đam mê nghiên cứu về động cơ đã tự mày mò, sáng chế chiếc máy bay cho riêng mình. Do tài chính eo hẹp, năm 1935, ông Cung đã viết thư gửi vua Bảo Đại xin hỗ trợ và được nhà vua đồng ý.

Câu chuyện ấy diễn ra gần 100 năm trước, được ông Bernard Hồ Đắc - con trai của cụ Hồ Đắc Cung kể lại tại buổi tọa đàm “Trí tuệ và tâm đức của sĩ phu trong buổi giao thời cuối triều Nguyễn từ một gia tộc điển hình Hồ Đắc” vào sáng 24/4.

Ông Bernard Hồ Đắc chia sẻ tại buổi tọa đàm

Ông Bernard Hồ Đắc chia sẻ tại buổi tọa đàm

Tọa đàm diễn ra ở không gian Điểm gặp gỡ liên văn hóa - Lan Viên Cố Tích (đường Bạch Đằng, quận Phú Xuân) thu hút đông đảo nhà nghiên cứu, người yêu văn hóa tham dự.

Kể chi tiết về cha mình Hồ Đắc Cung, ông Bernard Hồ Đắc, người mang 2 dòng máu Pháp - Việt không chỉ xúc động mà còn tự hào. Ngược lại, người nghe cũng vô cùng bất ngờ về một nhân vật lịch sử với hành trình "khởi nghiệp" vô cùng đặc biệt.

Cụ Hồ Đắc Cung, sinh năm 1907 tại Huế, trước học ở Trường Nguyễn Phan Long tại Sài Gòn cũ, sau qua Pháp học ở Montpellier tại Trường Kỹ nghệ điện học. Tốt nghiệp và làm việc ở Pháp 2 năm, sau đó về lại Sài Gòn.

Ở Sài Gòn, ông Cung làm nghề sửa chữa ô tô. Thời gian rảnh, ông mê nghiên cứu về máy bay. Trong một lần thấy được một chiếc máy bay nhỏ gọi là “rận trời”, ông Cung đã phỏng theo và quyết định chế tạo ra một chiếc mới. Thế nhưng khi chế tạo xong, “rận trời” không thể bay được do thiếu bánh xe và động cơ.

Ngày đó, ông đã gửi nhập mua những thứ ấy từ nước Pháp của hãng Poinssard. Tuy nhiên do số tiền quá lớn nên ông Cung bạo gan gửi thư cho vua Bảo Đại xin hỗ trợ.

Chuyện này đã được Tràng An Báo số 25 (ra ngày 24/5/1935) viết: “Thư gửi đi, ông Hồ Đắc Cung có cảm tưởng nó sẽ bị vò và liệng xuống sọt. Nhưng mới đây, ông được tin nhà băng Đông Pháp ở Saigon đòi gặp ông. Ngạc nhiên, ông tới ngay, một tờ giấy nhỏ với mấy dòng chữ đơn sơ báo cho ông biết rằng thư ông dâng lên Hoàng đế đã được ngài để ý đến: “Lệnh đức Hoàng đế Bảo Đại ban cho ông thợ máy Hồ Đắc Cung số tiền 300 bạc”. Xiết bao mừng rỡ, sau khi lãnh số tiền kếch sù ấy, ông liền gửi ngay sang Pháp giục gửi máy thiệt mau. Khi nào được máy, ông Hồ Đắc Cung sẽ bay tới Huế để cảm ơn đức Hoàng đế”.

Tiếp đó, Tràng An Báo số 75 (ra ngày 15/11/1935) đưa tin: “Có tin ở Saigon ra nói rằng chiếc máy bay nhỏ kêu bằng con “rận trời” của ông Hồ Đắc Cung đã do ông cầm máy bay lên tại sân bay Tân Sơn Nhất trong một buổi trưa mới đây. Máy lên rất cao, khi lên khi xuống đều như ý. Cũng đã trải qua mấy lần sửa chữa mới được vậy. Lần đầu hết, ông Cung đem thử tại sân Tân Sơn Nhất, chân vịt quay mà cất cánh không lên vì sợi dây buộc cánh lúc lắc. Lần giữa vào ngày 26 tháng 10, máy bay lên được nhưng đương cao bỗng thình lình chúi đầu xuống làm ông Cung suýt nguy. Lần thứ ba mới bay được hoàn toàn. Nghe chừng ông sẽ bay ra Huế”.

Câu chuyện về cụ Hồ Đắc Cung đã được người con trai Bernard Hồ Đắc kể lại đã khiến nhiều người bất ngờ

Câu chuyện về cụ Hồ Đắc Cung đã được người con trai Bernard Hồ Đắc kể lại đã khiến nhiều người bất ngờ

Bernard Hồ Đắc kể rằng, sau sự cố gặp nạn ấy, cha mình đã sang Pháp và mở công ty về kỹ thuật. Tiếp đó, sang Tunisie làm việc. Trước khi qua đời năm 1984, những câu chuyện về quê hương, ông bà, tổ tiên cũng như những hoài bão đã được ông Hồ Đắc Cung gởi gắm lại cho người con trai của mình.

Có ảnh hưởng ít nhiều bởi cha mình, Bernard Hồ Đắc cũng đã thành danh khi ở tuổi 22 đã thành lập CRIFA, một Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Pháp - Đức tập trung chủ yếu vào các kỹ thuật xây dựng dân dụng mới.

Sau đó, ông hợp tác tại SICOM, nơi ông trở thành tổng giám đốc và phát triển công nghệ ứng suất bằng sợi thủy tinh, trong đó ông tích hợp hệ thống giám sát dựa trên sợi quang đầu tiên. Chính ông đã phát triển phương pháp giám sát liên tục bằng cáp quang, ủng hộ phương pháp của kỹ sư kết cấu. SICOM sẽ trở thành OSMOS, trong đó Bernard Hồ Đắc là Chủ tịch sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành.

Năm 1993, ông được giao nhiệm vụ giám sát Tháp Eiffel, công trình vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Là một nhà phát minh, Bernard Hồ Đắc là chủ nhân của hơn 35 bằng sáng chế. Ông là tác giả của nhiều ấn phẩm trong lĩnh vực hợp tác liên công ty, ứng suất trước và giám sát kết cấu.

NHẬT MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/thong-tin-van-hoa/tung-co-nha-sang-che-gui-thu-cho-vua-bao-dai-xin-tien-mua-dong-co-may-bay-152941.html
Zalo