Tuần 'chao đảo' lịch sử của Phố Wall
Phố Wall kết thúc một tuần đầy biến động với cú bật mạnh vào phiên 11/4. Cả 3 chỉ số lớn đều tăng vọt nhờ kỳ vọng về tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Phố Wall biến động theo diễn biến thuế quan của chính quyền ông Trump. Ảnh: Vox.
Theo CNBC, thị trường chứng khoán Mỹ đã hồi phục mạnh trong phiên 11/4 và khép lại một tuần biến động lịch sử.
Cụ thể, chỉ số S&P 500 tăng 1,81% và chốt phiên ở mức 5.363,36 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 619,05 điểm, tương đương 1,56%, lên 40.212,71 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,06% và dừng ở mức 16.724,46 điểm.
Động lực thúc đẩy thị trường xuất hiện sau khi Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump “lạc quan” rằng Trung Quốc sẽ tìm kiếm một thỏa thuận với Mỹ.
Đây là một trong những tuần biến động nhất trong lịch sử Phố Wall. Các chỉ số lớn lao dốc hôm 10/4 khi giới đầu tư chuyển sang chế độ phòng thủ do tâm lý bị ảnh hưởng bởi sự bất định trong chính sách thương mại.
Trước đó, các chỉ số ghi nhận mức tăng lịch sử trong phiên 9/11 sau khi Tổng thống Trump tuyên bố tạm hoãn chính sách thuế “có đi có lại” trong vòng 90 ngày.
Trong khi S&P 500 tăng vọt 9,52% - mức tăng theo ngày lớn thứ 3 kể từ Thế chiến II - thì Dow Jones nhảy vọt hơn 2.900 điểm.
Chỉ số biến động CBOE (VIX) - thước đo nỗi sợ hãi của thị trường - đã vượt 50 điểm hồi đầu tuần trước khi hạ nhiệt xuống khoảng 37 điểm vào chiều 11/4.

S&P 500 biến động khó lường. Ảnh: CNBC.
Trái với động thái cứng rắn ban đầu, chính quyền Tổng thống Trump đã lựa chọn áp mức thuế chung là 10% và hoãn thuế “có đi có lại” trong vòng 90 ngày, trừ Trung Quốc. Hàng hóa từ Bắc Kinh sẽ phải chịu mức thuế lên tới 145%.
Đáp trả, Trung Quốc hôm 11/4 cũng tuyên bố nâng mức thuế đối với hàng hóa Mỹ lên 125%, từ mức 84% trước đó. “Ngay cả khi Mỹ tiếp tục áp các mức thuế cao hơn, điều đó cũng không còn mang ý nghĩa kinh tế và sẽ trở thành một trò cười trong lịch sử kinh tế thế giới”, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố.
Trong khi đó, EU cho biết đại diện thương mại của liên minh sẽ bay tới Washington vào ngày 13/4 để “cố gắng ký kết các thỏa thuận”.
“Chúng ta vẫn đang ở những hiệp đầu tiên trong sự chuyển đổi chế độ thương mại toàn cầu và dù lệnh tạm hoãn 90 ngày với thuế có đi có lại đã giúp đảo chiều đợt bán tháo, nó cũng đồng thời kéo dài sự bất định”, Darrell Cronk, Chủ tịch Viện Đầu tư Wells Fargo, nhận định.
Dù trải qua một tuần đầy sóng gió, cả 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều ghi nhận mức tăng trong tuần. Trong đó, S&P 500 tăng 5,7%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2023. Nasdaq tăng 7,3%, mức tăng theo tuần tốt nhất kể từ tháng 11/2022. Dow Jones cũng tăng gần 5% trong tuần.
Tuy nhiên, tính từ ngày 2/4, thời điểm Nhà Trắng công bố chính sách thuế “có đi có lại” với hàng hóa từ các quốc gia khác, các chỉ số lớn vẫn đang giảm mạnh. Trong đó, S&P 500 đã mất hơn 5%.
Dữ liệu mới nhất về tâm lý người tiêu dùng trong tháng 4 cho kết quả tệ hơn dự kiến. Kỳ vọng lạm phát cũng tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 1981, theo khảo sát của Đại học Michigan.