Tuần bận rộn của các ngân hàng trung ương toàn cầu
Năm 2024 khép lại với những diễn biến quan trọng trong chính sách tiền tệ toàn cầu, khi các ngân hàng trung ương lớn đồng loạt đưa ra quyết định lãi suất cuối năm trong tuần này.
Theo Bloomberg, tuần này sẽ là tuần dày đặc cuộc họp của các ngân hàng trung ương thế giới từ Mỹ, châu Âu đến châu Á.
Thông báo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 18/12 sẽ là tâm điểm của thị trường, tiếp theo đó là các quyết định từ Nhật Bản và Vương quốc Anh vào ngày hôm sau. Những quốc gia này chiếm một nửa trong số 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới.
Đây sẽ là sự kiện được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh giới đầu tư đang chuẩn bị cho tuần lễ cuối cùng đầy sôi động của chính sách tiền tệ trong năm 2024. Tính đến cuối ngày 20/12, dự kiến có ít nhất 22 ngân hàng trung ương, đại diện cho 40% nền kinh tế toàn cầu, sẽ đưa ra mức lãi suất mới.
Kết quả sẽ làm nổi bật sự khác biệt ngày càng lớn trong cách các quốc gia thúc đẩy nới lỏng chính sách, đặc biệt khi các nhà hoạch định phải cân nhắc những rủi ro khác nhau cho năm tới.
Mỹ và Châu Âu điều chỉnh thận trọng
Tại Mỹ, Fed dự kiến giảm 0,25 điểm % lãi suất trong cuộc họp tới. Tuy nhiên, việc bước sang năm 2025 cùng với nguy cơ lạm phát trở lại do chính sách thuế nhập khẩu của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump đề xuất có thể khiến Fed phải cân nhắc chậm lại việc hạ lãi suất.
“Ông Trump hứa hẹn sẽ thực hiện một loạt chính sách ảnh hưởng đến lạm phát và hoạt động kinh tế khiến nhiệm vụ của Fed thêm phức tạp. Vì chính sách tiền tệ thường có độ trễ, các nhà hoạch định cần dự đoán và điều chỉnh dựa trên tình hình kinh tế sẽ diễn ra trong một hoặc hai năm tới. Khi đưa ra các quyết định sắp tới, Fed sẽ phải đánh giá khả năng thực thi các đề xuất của ông Trump và cân nhắc rủi ro từ chúng”, David Wilcox, Giám đốc nghiên cứu kinh tế Mỹ nhận định trên Bloomberg Economies.
Tại Mỹ, chỉ số lạm phát cốt lõi (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - dự kiến công bố vào cuối tuần, ngay sau quyết định lãi suất sẽ được công bố hôm thứ Tư. Các quan chức Fed có thể cảm thấy nhẹ nhõm khi áp lực giá cả dường như đang hạ nhiệt.
Theo dự đoán, chỉ số PCE tháng 11 (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) sẽ chỉ tăng 0,2% - mức thấp nhất trong 3 tháng. Báo cáo này cũng được kỳ vọng cho thấy tiêu dùng và thu nhập của người dân tăng trưởng ổn định, củng cố sức mạnh của nền kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) gần như chắc chắn sẽ giữ nguyên lãi suất trong quyết định cuối cùng của năm, duy trì cách tiếp cận thận trọng đối với việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Các dữ liệu về việc làm và lạm phát trước đó sẽ tiếp tục cung cấp cơ sở để BOE đánh giá, sau báo cáo tuần trước cho thấy nền kinh tế Anh thu hẹp 2 tháng liên tiếp tính đến tháng 10.
Dự kiến, báo cáo việc làm sẽ cho thấy mức tăng trưởng lương hàng năm, tuy nhiên không đủ để gây lo ngại lớn cho các nhà hoạch định chính sách. Trong khi đó, số liệu lạm phát có thể cho thấy cả chỉ số tổng thể và cốt lõi đều tăng tốc, củng cố lý do để BOE duy trì sự thận trọng.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng chọn cách điều chỉnh thận trọng nhằm theo dõi áp lực giá cả và bất ổn chính trị tại Đức và Pháp.
ECB đã cắt giảm lãi suất lần thứ 4 trong năm nay, đưa lãi suất cơ bản từ 3,25% xuống 3% vào tuần trước. ECB cảnh báo rằng nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ chỉ tăng trưởng 1,1% trong năm tới, giảm so với dự báo trước đó là tăng 1,3%.
Các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đang dự báo ECB sẽ thực hiện thêm 5 lần cắt giảm lãi suất nữa trong thời gian từ nay đến tháng 9/2025, đưa lãi suất về mức 1,75%.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg ngày 15/12, thành viên HĐQT Martins Kazaks của ECB cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu nên hạ lãi suất hơn nữa nhưng có lẽ sẽ không cần phải hạ xuống mức có thể kích thích tăng trưởng kinh tế.
Riêng tại Nga, ngân hàng trung ương nước này có thể tăng lãi suất lên mức kỷ lục 23% nhằm đối phó với lạm phát đã tăng gấp đôi mục tiêu 4%.
Châu Á phân hóa
Tại châu Á, Trung Quốc khởi đầu tuần với hàng loạt dữ liệu, được kỳ vọng cung cấp tín hiệu rõ ràng hơn về việc liệu các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ có đủ mạnh để thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hay không. Các báo cáo về sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ sẽ là tâm điểm chú ý.
Tuần trước, áp lực lạm phát dai dẳng và tăng trưởng suy yếu đã khiến chính quyền Bắc Kinh quyết định thay đổi định hướng chính sách tiền tệ từ “thận trọng” sang “nới lỏng vừa phải” sau 14 năm.
Dù vậy, các chuyên gia dự đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ thận trọng với việc cắt giảm lãi suất do lo ngại về dòng vốn chảy ra nước ngoài và giá trị đồng nhân dân tệ giảm.
Bên cạnh đó, các chỉ số PMI từ Australia, Ấn Độ và Nhật Bản dự kiến cũng sẽ được công bố, mang đến bức tranh tổng quát hơn về tăng trưởng trong khu vực.
Quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ diễn ra vào ngày 19/12, với dự đoán giữ nguyên lãi suất, sau những tín hiệu không nhất quán từ các quan chức khiến thị trường tin rằng việc điều chỉnh sẽ được hoãn lại.
Trước đó, BOJ là ngân hàng trung ương lớn duy nhất tăng lãi suất trong năm nay và đã có 2 đợt tăng. Lần tăng lãi suất đầy bất ngờ vào tháng 7 của BOJ đã gây ra chấn động khắp thị trường tài chính toàn cầu. Vì vậy, BOJ có thể không vội tăng lãi suất thêm lần nữa từ mức 0,25% hiện nay.
Ở các nơi khác, Ngân hàng Trung ương Pakistan được dự đoán giảm lãi suất, nhờ lạm phát đã hạ nhiệt.
Trong khi đó, tại Đông Nam Á, Ngân hàng Trung ương Thái Lan được dự báo giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 2,25% vào ngày 18/12. Indonesia và Philippines đều được kỳ vọng giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.
Tại Hàn Quốc, ngân hàng trung ương cam kết ổn định thị trường tài chính, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp tài khóa và kinh tế quan trọng một cách liền mạch, trong bối cảnh Tổng thống Yoon Suk Yeol vừa bị quốc hội luận tội.
New Zealand dự kiến công bố dữ liệu vào ngày 19/12, cho thấy nền kinh tế đã rơi trở lại suy thoái sau khi giảm trưởng trong quý III.