Từ vụ bé trai ở Nam Định 'phải đóng tiền mới được cấp cứu': Tạm ứng viện phí có cần thiết không?

Những ngày gần đây, sự việc bé trai được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cấp cứu nhưng bị phản ánh 'phải đóng đủ tiền mới cấp cứu' đã tạo nên làn sóng bức xúc trong dư luận.

Dù không có người thân đưa vào cấp cứu, anh C. vẫn được chuyển vào phòng mổ gắp viên đạn. Ảnh: Bích Nhàn

Dù không có người thân đưa vào cấp cứu, anh C. vẫn được chuyển vào phòng mổ gắp viên đạn. Ảnh: Bích Nhàn

Thực tế, nhiều bệnh nhân nặng vào viện cấp cứu không có thân nhân, không có tiền vẫn được các bệnh viện tại Đồng Nai cứu chữa tức thời. Dù vậy, tình trạng không ít bệnh nhân trốn viện sau đợt điều trị cũng khiến các bệnh viện rơi vào thế khó.

“Ưu tiên cứu tính mạng là trên hết”

Sau khi bị bắn vào bụng, ngay trong đêm 1-5, anh T.M.C. (25 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu) đã được người dân đưa vào Bệnh viện Đồng Nai -2 cấp cứu, rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Nai tiếp tục cứu chữa do vượt khả năng chuyên môn.

Các bác sĩ xác định, anh C. bị vết thương vùng bụng do đạn gây ra và không có người thân đi cùng. Đây là trường hợp cấp cứu nên các y, bác sĩ đã thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng như siêu âm, chụp CT bụng để xác định “đường đi” của viên đạn.

Sau đó, bệnh nhân C. được đưa lên phòng mổ ngay để phẫu thuật lấy viên đạn. “Lúc này, người nhà vẫn chưa xuất hiện cùng bệnh nhân nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục mổ để cứu sống bệnh nhân” - ThS, bác sĩ Cao Thanh Tùng, Khoa Ngoại tổng hợp - tiêu hóa, BVĐK Đồng Nai - người mổ cho bệnh nhân C. cho hay.

Chị Trương Thị Thu Phương, chị gái của bệnh nhân C. cho biết thêm, lúc gia đình vào bệnh viện thì anh C. đang ở trong phòng mổ. Hiện tại, anh C. đang hồi phục sức khỏe sau mổ. “Không có người thân bên cạnh, em trai tôi vẫn được các y, bác sĩ cứu chữa bình thường. Ngay khi có mặt ở bệnh viện, gia đình tôi mới đóng tạm ứng viện phí. Lúc ấy, ca mổ đã kết thúc” - chị Phương nói.

Điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu tổng hợp của BVĐK Đồng Nai Thị Tuyết Nhung cho biết, trường hợp bệnh nhân C. không phải là hi hữu. Hầu như ngày nào khoa cũng tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân vào viện cấp cứu trong tình trạng nặng, nguy kịch. Những bệnh nhân này sẽ được ưu tiên cấp cứu ngay dù không có người nhà đi cùng hay không mang theo tiền…

Đối với những ca bệnh cấp cứu khác, bệnh nhân cũng được khám và làm các cận lâm sàng cần thiết như siêu âm, chụp X-quang, CT hay khâu vết thương… ổn định mới yêu cầu đóng tạm ứng viện phí. “Chúng tôi có quy trình và được đưa vào thang chấm điểm của bệnh viện. Ngày nào bệnh viện cũng có những ca bệnh nhân xin duyệt miễn viện phí do vô gia cư, bệnh nặng hoặc hoàn cảnh khó khăn” - chị Nhung chia sẻ.

Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ảnh: Bích Nhàn

Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ảnh: Bích Nhàn

Năm 2024, gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (ngụ phường Bàu Sen, thành phố Long Khánh) cũng gấp rút đưa người nhà vào cấp cứu tại BVĐK khu vực Long Khánh do nhồi máu cơ tim cấp. Lúc ấy, người nhà chị Hạnh trong tình trạng kích thích, khó thở… Song song với cấp cứu bệnh nhân, bác sĩ phải giải thích tình trạng mà bệnh nhân đang gặp phải với người nhà. Theo đó, dì của chị Hạnh bị nhồi máu cơ tim cấp và cần phải can thiệp tim mạch mới có thể cứu sống bệnh nhân.

Với sự đồng thuận của gia đình, bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào Phòng Tim mạch can thiệp để đặt stent vượt qua cơn “thập tử nhất sinh”. Đến khi đẩy bệnh nhân vào phòng can thiệp, bệnh viện mới yêu cầu gia đình chị Hạnh đóng tiền tạm ứng viện phí do chi phí đặt stent khá lớn.

“Vừa xuống khỏi xe cấp cứu, các bác sĩ nhanh chóng đưa dì tôi vào phòng cho thở oxy, đặt nội khí quản và siêu âm tại giường. Tận mắt chứng kiến người nhà bệnh nặng, tôi lo lắng vô cùng” - chị Hạnh tâm sự.

Theo Quyết định 1313/QĐ-BYT năm 2013 của Bộ Y tế quy định việc thu tiền tạm ứng viện phí của bệnh nhân. Theo đó, bệnh viện có trách nhiệm: kiểm tra thẻ bảo hiểm y tế và các giấy tờ liên quan; thu tiền tạm ứng viện phí đối với trường hợp khám theo yêu cầu hoặc vượt tuyến…

Ngoài ra, theo Điều 18, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 9-1-2023, người bệnh tham gia bảo hiểm y tế có nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Người không có thẻ bảo hiểm y tế cũng có nghĩa vụ chi trả chi phí khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Bệnh viện… vẫn lo

Trong tổng số 150-300 ca cấp cứu mỗi ngày tại BVĐK khu vực Long Khánh, có khoảng 10-20% là bệnh nhân nặng. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Lan Phương, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BVĐK khu vực Long Khánh cho hay, bệnh viện đã thực hiện việc không thu tiền tạm ứng viện phí tại Khoa Cấp cứu. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua cho thấy, tình trạng bệnh nhân trốn viện không hề hiếm.

“Sau khi khám, bác sĩ Khoa Cấp cứu cho bệnh nhân làm các cận lâm sàng như siêu âm, xét nghiệm hay chụp X-quang… là bệnh nhân “về nhà” ngay, không thanh toán. Hoặc có nhiều trường hợp say xỉn vào viện được các bác sĩ truyền thuốc, bệnh nhân tỉnh lại là đi về luôn mà “quên” thanh toán viện phí. Hầu như ngày nào, chúng tôi cũng gặp tình trạng này trong suốt nhiều năm qua” - bác sĩ Phương chia sẻ.

Bác sĩ giải thích với người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh nặng tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ảnh: Bích Nhàn

Bác sĩ giải thích với người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh nặng tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ảnh: Bích Nhàn

Trong khi đó, Bộ Y tế cũng có quy định về nghĩa vụ của bệnh nhân là phải thực hiện chi trả viện phí khi vào bệnh viện dù có bảo hiểm y tế hay không. Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc BVĐK Đồng Nai cho rằng, từ năm 2017, các bệnh viện công lập đã thực hiện tự chủ tài chính. Do đó, bệnh viện phải lấy tiền viện phí để chi trả các khoản chi lương, thưởng cho nhân viên y tế hay thanh toán tiền vật tư y tế, thuốc men… cho các công ty dược, thiết bị y tế.

Bác sĩ Trâm bày tỏ: “Không phải trường hợp nào vào viện chúng tôi cũng yêu cầu bệnh nhân phải tạm ứng viện phí. Tùy tình trạng cụ thể của mỗi bệnh nhân, các y, bác sĩ linh hoạt xử lý nhưng vẫn phải ưu tiên tính mạng của bệnh nhân lên trên hết. Dù vậy, các trường hợp phải sử dụng kỹ thuật cao, chi phí lớn mà có người nhà đi cùng thì chúng tôi vẫn phải yêu cầu tạm ứng phần nào để đảm bảo hoạt động của bệnh viện”.

Khi bệnh nhân trốn viện, bệnh viện phải tự tự bỏ tiền ra để bù cho bệnh nhân vì không còn cách xử lý nào khác, nhất là với những bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng phải sử dụng kỹ thuật cao. Do đó, nhiều lãnh đạo bệnh viện cho rằng, để các y, bác sĩ không phải “cân não” giữa bài toán “cứu người” hay giữ quỹ (nhất là trong tình hình các BV công đã tự chủ tài chính hiện nay) thì cần có một nguồn quỹ chung dành cho các trường hợp cấp cứu khẩn cấp.

Không thu tiền tạm ứng viện phí tại Khoa Cấp cứu

Sau vụ việc “yêu cầu phải đóng đủ viện phí mới tiến hành cấp cứu cho bé trai bị tai nạn giao thông” xảy ra tại Nam Định, hơn 1 tuần trước, lãnh đạo BVĐK khu vực Long Khánh đã chỉ đạo các trường hợp vào viện trong tình trạng cấp cứu tại Khoa Cấp cứu của bệnh viện này không cần phải đóng tiền tạm ứng.

Bệnh viện sẽ thu tiền bệnh nhân trong các trường hợp gồm: chuyển viện, khám cấp cứu lấy toa thuốc và có chỉ định nhập viện điều trị (thu tiền tạm ứng ở tại các khoa điều trị).

Bích Nhàn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/y-te/202505/tu-vu-be-trai-o-nam-dinh-phai-dong-tien-moi-duoc-cap-cuu-tam-ung-vien-phi-co-can-thiet-khong-ce7227b/
Zalo