Tư tưởng nhân văn và khát vọng hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua lăng kính bạn bè quốc tế
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại dấu ấn đặc biệt trong tâm trí các nhà báo, học giả, chính khách và giới truyền thông quốc tế. Với họ, Người không chỉ là một chiến lược gia lỗi lạc mà còn là hiện thân của một nền đạo lý Á Đông khoan hòa, một tấm lòng nhân hậu kết tinh từ tinh thần dân tộc và tư tưởng tiến bộ của nhân loại, là biểu tượng của tư tưởng nhân văn sâu sắc, của tinh thần hòa hiếu và khát vọng hòa bình.
Là người từng trải qua nhiều năm sống, làm việc và hoạt động cách mạng tại nhiều quốc gia từ Pháp, Liên Xô, Trung Quốc đến Mỹ, Anh... nên tư tưởng của Người không bị giới hạn trong khuôn khổ quốc gia mà là kết tinh của các nền văn hóa lớn. Nhưng dù ở bất cứ nơi nào thì điều xuyên suốt trong tư tưởng ấy vẫn là lòng yêu thương con người và khát vọng mang lại hạnh phúc cho nhân loại.
Nhà báo nổi tiếng của Pháp Jean Lacouture từng dành nhiều thời gian nghiên cứu và viết về Hồ Chí Minh. Ông bày tỏ sự ngưỡng mộ và khâm phục đối với Hồ Chí Minh, đặc biệt là về khả năng lãnh đạo một cuộc chiến tranh mà vẫn giữ được phẩm chất nhân đạo, rằng Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng độc đáo, khiến người ta tin tưởng vào cái thiện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chủ tịch Wilhelm Pieck (bên trái) và Thủ tướng Otto Grotewohl trong chuyến thăm Cộng hòa dân chủ Đức, tháng 7-1957. Ảnh tư liệu
Còn nhà báo Australia Wilfred Burchett trong lần gặp gỡ đầu tiên với Bác Hồ tại đại bản doanh của Người ở Thái Nguyên trên vùng Chiến khu Việt Bắc cuối tháng 3-1954, ngay trước trận Điện Biên Phủ-đã mô tả: “Thật khó tin là chỉ sau vài giờ sau khi đến nơi, chúng tôi đã có thể ngồi đối diện với nhà lãnh tụ cách mạng huyền thoại này. Nhưng mà ông ở đó, gương mặt hiền từ không lẫn với ai được, đôi mắt đen sâu thẳm lấp lánh, bộ râu mỏng rối bời, gương mặt chúng tôi đã biết từ những bức ảnh và chân dung trong nhiều năm qua”.
Trong nhận định của Wilfred Burchett, Người không bao giờ thể hiện sự thù hận, ngay cả đối với kẻ thù xâm lược; ở Người toát ra sự khoan dung, từ bi của Phật giáo, kết hợp với ý chí sắt đá của một người chiến sĩ cách mạng.
Tinh thần nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn thể hiện rõ nét trong cách Người đối xử với tù binh Pháp, với dân thường và trong tư tưởng “lấy đại nghĩa thắng hung tàn”. Người dạy cán bộ: Thương binh dù là của ta hay của địch, đều là con người, đều phải được cứu chữa. Một nguyên lý đơn giản nhưng đã chạm đến trái tim triệu triệu con người.
Tư tưởng hòa hiếu là một trong những điểm nổi bật trong đường lối đối ngoại của Hồ Chí Minh: Không nuôi dưỡng hận thù, không bài ngoại, luôn tìm cách hóa giải mâu thuẫn bằng đối thoại, bằng sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Trong thư gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman ngày 18-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn Mỹ giúp nhân dân Việt Nam đạt được độc lập và ủng hộ nhân dân Việt Nam trong quá trình tái thiết đất nước. Người cam kết nếu nhận được sự ủng hộ của Mỹ, Việt Nam Dân chủ cộng hòa "sẽ có đủ khả năng góp phần xây dựng nền hòa bình và thịnh vượng chung trên thế giới”.
Cũng trong năm 1946, với nỗ lực tránh đổ máu, Người đã tìm mọi cách thương lượng với chính quyền Pháp, và khi chiến tranh buộc phải nổ ra, Người khẳng định: Chúng tôi không chống nhân dân Pháp, chúng tôi chống thực dân Pháp. Báo Le Monde của Pháp, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đã viết: Hồ Chí Minh là người cộng sản duy nhất khiến ngay cả kẻ đối lập cũng nể phục vì tinh thần hòa giải và sự bao dung.
Xuyên suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo đuổi một lý tưởng cao cả: Hòa bình và tự do cho nhân dân Việt Nam và cho toàn nhân loại. Người khẳng định: Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Nhưng độc lập không đồng nghĩa với đối đầu hay cô lập. Với Hồ Chí Minh, hòa bình không chỉ là đích đến mà là phương thức hành động. Người sẵn sàng đối thoại, nhượng bộ trong phạm vi có thể để giữ gìn hòa khí, tránh đổ máu.
Tại Hội nghị Geneva năm 1954, Phái đoàn ngoại giao Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã kiên trì lập trường giải quyết xung đột bằng thương lượng. Tư tưởng hòa hiếu đó được giới quan sát quốc tế ghi nhận như một dấu ấn khác biệt của Việt Nam trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh chia rẽ thế giới.
Ghi nhận những đóng góp của Người, Khóa họp lần thứ 24 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris năm 1987 đã thông qua Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Bạn bè quốc tế đã nhìn nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ bằng lăng kính chính trị mà bằng ánh mắt kính trọng dành cho một nhân cách hiếm có: Một con người không mang hận thù vào chiến thắng, không gieo chia rẽ khi đối thoại và không bao giờ lãng quên giá trị nhân văn trong hành trình đấu tranh cách mạng.