Từ ngày mai, người dân có thể góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp chỉ đạo bắt đầu từ ngày mai (6/5) sẽ tổ chức công bố lấy ý kiến nhân dân về toàn văn dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các tài liệu kèm theo.

Thông qua 6 văn bản phục vụ việc sửa đổi Hiến pháp

Chiều 5/5, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (gọi tắt là Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày 6 văn bản. (Ảnh: Media Quốc hội).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày 6 văn bản. (Ảnh: Media Quốc hội).

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp Hoàng Thanh Tùng đã trình bày tóm tắt 6 văn bản.

Cụ thể là Dự thảo Tờ trình Quốc hội về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự thảo Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Cùng đó là Dự thảo Nghị quyết phân công nhiệm vụ của thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp; Dự thảo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp; Dự thảo Kế hoạch phục vụ các phiên họp của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Các thành viên Ủy ban biểu quyết thông qua 6 văn bản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. (Ảnh: Media Quốc hội).

Các thành viên Ủy ban biểu quyết thông qua 6 văn bản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. (Ảnh: Media Quốc hội).

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban nhất trí cao với các nội dung do Thường trực Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp chuẩn bị và cho rằng nội dung các văn bản đã bảo đảm yêu cầu theo quy định.

Nhiều ý kiến ghi nhận, đánh giá cao việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này có sự đổi mới rõ rệt trong tư duy, phương pháp, cách làm trên cơ sở rõ việc, rõ tiến độ, rõ vai trò, rõ trách nhiệm, rõ cơ chế chủ trì, phối hợp.

Sau đó, 100% thành viên Ủy ban tham dự đã biểu quyết thông qua 6 văn bản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Tài liệu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp được công bố ở đâu?

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp Trần Thanh Mẫn đề nghị khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp và hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp Trần Thanh Mẫn chỉ đạo tại cuộc họp. (Ảnh: Media Quốc hội).

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp Trần Thanh Mẫn chỉ đạo tại cuộc họp. (Ảnh: Media Quốc hội).

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp chỉ đạo bắt đầu từ ngày mai (6/5) sẽ tổ chức công bố lấy ý kiến nhân dân về toàn văn dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các tài liệu kèm theo.

Các tài liệu này sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, các cơ quan báo chí: Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông tấn xã Việt Nam và Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp yêu cầu đẩy mạnh và không ngừng đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, động viên sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn hệ thống chính trị, tạo thành những đợt sinh hoạt chính trị, phong trào thi đua yêu nước, có trách nhiệm với đất nước, dân tộc trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013.

Bên cạnh đó cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng điện tử VneID.

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp Trần Thanh Mẫn đề nghị trong quá trình triển khai lấy ý kiến, các thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp thời định hướng, tăng cường công tác tuyên truyền.

Ủy ban cũng cần theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp.

Ông cũng yêu cầu tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp, đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết; phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động triển khai nhiệm vụ được phân công, khắc phục các khó khăn về áp lực tiến độ, công việc để cùng toàn thể Ủy ban hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

Trang Trần

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/tu-ngay-mai-nguoi-dan-co-the-gop-y-vao-du-thao-sua-doi-hien-phap-192250505195406422.htm
Zalo