HĐND, UBND, Đảng bộ TP.HCM được sắp xếp ra sao khi sáp nhập?
TP.HCM vừa ban hành đề án sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, gồm phương án sắp xếp HĐND, UBND, Đảng bộ TP, dự kiến vận hành từ tháng 9-2025.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa ký ban hành Đề án sắp xếp tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM. Sau sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, TP.HCM mới có 168 ĐVHC cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu.
Về tổ chức bộ máy HĐND, đại biểu HĐND của tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM được hợp thành HĐND của đơn vị hành chính mới là TP.HCM và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Thực hiện Kết luận số 50/2025 của Bộ Chính trị, khi thực hiện, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, không bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, trưởng, phó Đoàn đại biểu Quốc hội; trưởng các Ban HĐND và Ủy viên UBND theo quy định.
Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh có liên quan nêu trên. Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh (mới).

TP.HCM vừa ban hành đề án sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: THUẬN VĂN
Theo đó, HĐND TP.HCM có bốn Ban như mô hình các Ban HĐND TP hiện nay. Khóa của HĐND TP.HCM mới giữ nguyên tên gọi TP.HCM như trước khi sáp nhập 3 địa phương nên được tiếp tục tính theo khóa của TP.HCM (khóa X).
Việc tổ chức các cơ quan thuộc HĐND, các cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP.HCM mới được thực hiện theo quy định Nghị quyết số 76/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC.
Chính quyền địa phương TP.HCM (mới) hoàn thành xong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15-9-2025.
Đại biểu HĐND các xã thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM được hợp thành HĐND của ĐVHC cấp xã mới theo số lượng, phương án sắp xếp và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chính quyền địa phương cấp xã (mới) hoàn thành xong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15-8-2025.
Đáng chú ý, các phường thuộc TP.HCM thực hiện mô hình chính quyền địa phương sau khi sắp xếp tiếp tục không tổ chức HĐND theo quy định tại Nghị quyết số 131/2020. Việc tổ chức HĐND phường nhiệm kỳ 2026 - 2031 thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Về tổ chức bộ máy UBND TP và cấp xã, TP có tổng 168 ĐVHC, gồm 113 UBND phường, 54 xã và 1 đặc khu.
Khi sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, thành lập ĐVHC cấp xã mới, không bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và Ủy viên UBND theo quy định. Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp xã chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh có liên quan nêu trên.
Chính quyền địa phương TP.HCM (mới), ĐVHC cấp xã (mới) hoàn thành xong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15-8-2025 (đối với cấp xã) và chậm nhất là ngày 15-9-2025 (đối với cấp tỉnh).
Việc tổ chức các cơ quan của HĐND, UBND xã, phường sau sắp xếp thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Về tổ chức các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, xây dựng Đề án, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sắp xếp thanh tra cấp tỉnh theo định hướng sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tin, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đồng bộ với sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh.
Sắp xếp các đài truyền thanh, truyền hình cấp tỉnh và các cơ quan, báo của đảng bộ cấp tỉnh đồng bộ với sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh (có đề án riêng).
Tổ chức lại các cơ quan chuyên môn của TP.HCM mới trên cơ sở sắp xếp nguyên trạng các sở và cơ quan hành chính của ba địa phương. TP còn 15 sở và tương đương, 1 sở An toàn thực phẩm thí điểm theo Nghị quyết 98. Giữ nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập (có đề án sắp xếp riêng).
Sau sắp xếp, TP.HCM có 6 tổ chức đảng cấp trên cơ sở gồm: Đảng bộ UBND TP; Đảng bộ cơ quan Đảng TP; Đảng bộ Công an TP; Đảng bộ Quân sự TP; Đảng bộ Bộ đội biên phòng TP; Đảng bộ Đại học Quốc gia TP; 168 Đảng bộ cấp trên cơ sở (cấp xã).
Về tổ chức Đảng, sau khi sắp xếp ĐVHC ba địa phương, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM chủ trì phối hợp với Tỉnh ủy Bình Dương và Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức đảng đồng bộ với Đề án tinh gọn đơn vị hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM.
Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tham mưu Bộ Chính trị ban hành Quyết định thành lập Đảng bộ TP trên cơ sở sắp xếp tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM; tham mưu chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy TP. Lãnh đạo, chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức, cán bộ đảng ủy các cơ quan đảng, Đảng ủy UBND TP, Đảng ủy Quân sự, Đảng ủy Công an, Đảng ủy Bộ đội biên phòng, đảng ủy ở nơi có đặc điểm riêng trực thuộc Thành ủy.
Lãnh đạo, chỉ đạo việc thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ cơ quan MTTQ Việt Nam TP.HCM.
Chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đảng ủy phường, xã nhiệm kỳ 2025 - 2030 đồng bộ với nhân sự HĐND xã, phường nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Chỉ định đại biểu dự Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Về tổ chức cơ quan lãnh đạo MTTQ, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Trung ương hiệp y thống nhất với Thành ủy quyết định thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam của TP mới thành lập; công nhận danh sách Ủy viên Ủy ban, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam (lâm thời).
Thực hiện sắp xếp Học viện Cán bộ TP và Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương. Giao Học viện Cán bộ TP chủ trì, phối hợp Trường Chính trị hai tỉnh xây dựng đề án thực hiện.