Thông cáo báo chí số 1, Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV

Sáng 5-5, Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV khai mạc tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội và bước vào ngày làm việc đầu tiên, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Buổi sáng, từ 7 giờ 15 phút: Các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ 7 giờ 45 phút: Quốc hội họp phiên trù bị.

Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu; nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV; sau đó, Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình Kỳ họp thứ chín với tỷ lệ tán thành cao.

 Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TRỌNG HẢI

Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TRỌNG HẢI

Từ 9 giờ: Quốc hội họp phiên khai mạc (Phiên họp được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền hình, phát thanh trực tiếp).

Quốc hội làm lễ chào cờ; nghe Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tham dự Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV.

Phiên khai mạc có sự tham dự của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Lương Cường, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; các đại sứ, trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Hà Nội; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và nước ngoài thường trú tại Hà Nội.

Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe các nội dung sau: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Tờ trình về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Từ 11 giờ, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung sau: Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Buổi chiều, nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường để nghe các nội dung sau: Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các nội dung sau: Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Tại phiên thảo luận, có 4 đại biểu Quốc hội phát biểu; trong đó, đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, nhằm tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy; xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Các ý kiến đại biểu cũng tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này chỉ tập trung vào một số điều quy định về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, việc phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; nhất trí hình thức văn bản để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này là Nghị quyết của Quốc hội (tương tự như đã thực hiện tại các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1988, 1989 và 2001). Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận về: Mục đích, yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; định hướng nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013; công tác tổ chức thực hiện; kỹ thuật lập hiến; việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Kết thúc thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Sau đó, Quốc hội nghe Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết trên bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: Đối với Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013: Có 452 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,56% tổng số đại biểu Quốc hội), có 452 đại biểu tán thành (bằng 94,56% tổng số đại biểu Quốc hội), bằng 100% tổng số đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường.

Đối với Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013: Có 446 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,31% tổng số đại biểu Quốc hội), có 446 đại biểu tán thành (bằng 93,31% tổng số đại biểu Quốc hội), bằng 100% tổng số đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường.

Thứ ba, ngày 6-5, buổi sáng: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.

Buổi chiều: Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thong-cao-bao-chi-so-1-ky-hop-thu-chin-quoc-hoi-khoa-xv-827047
Zalo