Từ mê Tin học đến giáo viên cốt cán công nghệ thông tin

Xuất phát từ mong muốn ứng dụng tốt công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học, cô Nguyễn Thị Thu Linh, Tổ trưởng bộ môn Toán - Tin , Trường trung học cơ sở (THCS) Tam Phước (phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa) đã tham gia nhiều khóa học về CNTT.

Cô Nguyễn Thị Thu Linh luôn chủ động học và ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: Hải Yến

Cô Nguyễn Thị Thu Linh luôn chủ động học và ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: Hải Yến

Không chỉ áp dụng có hiệu quả trong dạy học, cô Thu Linh còn đạt được nhiều giải thưởng, trong đó có sáng kiến được đưa vào Sách Vàng sáng tạo Việt Nam.

Sinh viên Toán lại mê Tin học

Hành trình đến với CNTT của cô Thu Linh bắt đầu từ khi vào đại học. Khi đó, cô Thu Linh là sinh viên ngành Sư phạm Toán học, Trường đại học Đà Lạt nhưng lại đăng ký học cả các môn học của ngành Sư phạm Tin học. “Khóa học của tôi, lớp Toán và Tin học các môn đại cương chung, sau đó sinh viên được quyền chọn các môn chuyên ngành Toán hoặc Tin. Tôi là sinh viên duy nhất chọn học cả 2 chuyên ngành” - cô Thu Linh nhớ lại.

Tốt nghiệp đại học năm 2010, cô Thu Linh ở lại Đà Lạt để dạy học và học tiếp chương trình thạc sĩ chuyên ngành Toán học. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, cô giáo trẻ này về Đồng Nai dạy học tại một trường quốc tế sau đó mới chuyển về dạy học tại Trường THCS Tam Phước.

Trong hành trình dạy học 15 năm qua, cô Thu Linh chưa bao giờ ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng về CNTT để ứng dụng có hiệu quả trong dạy học.

Ngoài các kiến thức tin học thời đại học, cô Thu Linh còn tham gia các khóa học trên mạng do Microsoft cung cấp. Từ năm 2016, cô giáo này đã chủ động tham gia Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, tham gia Cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT và có sản phẩm được vào vòng quốc gia. Đây là cuộc thi do Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp cùng Microsoft Việt Nam tổ chức.

Cô Thu Linh làm dự án ứng dụng CNTT cho dạy học đối với mô hình lớp học đảo ngược. Cô sử dụng nền tảng tương tác trực tuyến để khen thưởng, động viên, khuyến khích học sinh; phụ huynh có thể tham gia vào lớp học này để nắm tình hình, kết quả học tập của con. Đối với bài học, cô thiết kế e-learning, sử dụng các video có tương tác để học sinh tìm hiểu trước ở nhà; trên lớp thì có hoạt động trải nghiệm, học tập dự án… để học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn.

Khi học đầy đủ bộ chứng chỉ của Microsoft, cô càng ứng dụng được nhiều hơn cho giảng dạy và còn hướng dẫn học sinh tự học các khóa học của Microsoft để lấy chứng chỉ (được công nhận quốc tế); các em cũng sử dụng kỹ năng CNTT để tham gia các hoạt động phong trào của nhà trường, các cuộc thi cấp tỉnh, cấp bộ...

Chia sẻ kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho đồng nghiệp

Khi tham gia Cộng đồng giáo viên sáng tạo, ứng dụng có hiệu quả CNTT trong giảng dạy, cô Thu Linh đã hướng dẫn đồng nghiệp trong trường tham gia các khóa đào tạo CNTT của Microsoft. Cô cũng là nhân tố tích cực, thúc đẩy Trường THCS Tam Phước xây dựng Trường học số.

Hiện nay, Trường THCS Tam Phước đang triển khai Trường học số trên nền tảng của Microsoft. Tất cả giáo viên và học sinh của trường đều được cấp một tài khoản giáo dục và hoàn toàn miễn phí. Đây là nền tảng thuận lợi để giáo viên và học sinh ứng dụng AI trong học tập, giảng dạy.

Theo cô giáo Thu Linh, mỗi tài khoản giáo dục đồng thời là 1 trợ lý ảo AI. Giáo viên có thể ứng dụng AI này trong soạn giảng, tìm ý tưởng, thu thập tài liệu, lập kế hoạch, viết bài phát biểu, thông báo, thiết kế tranh ảnh và video, phục vụ làm các thiết bị dạy học… Học sinh có thể sử dụng AI để phục vụ trực tiếp việc học mà không bị lạc trong rừng thông tin trên môi trường internet.

Cô Thu Linh bắt đầu ứng dụng AI trong dạy học từ đầu năm 2024. Thời điểm này, việc sử dụng AI vẫn còn khá xa lạ với giáo viên, vì vậy bản thân cô phải “vừa đi vừa dò đường”. Thấy có nhiều cái hay, cô đã xin ý kiến Ban giám hiệu để tổ chức hội thảo và mời chuyên gia tập huấn cho giáo viên về ứng dụng AI trong dạy học.

Cũng trong năm 2024, cô Thu Linh là giáo viên trực tiếp đứng lớp được Sở Giáo dục và đào tạo cử tham gia lớp tập huấn “Nâng cao năng lực số cho đội ngũ giáo viên phổ thông” do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức. Như vậy, từ một giáo viên đứng lớp bình thường, cô Thu Linh đã trở thành giáo viên cốt cán CNTT để tập huấn lại cho giáo viên trong tỉnh về chuyển đổi số trong nhà trường.

Năm 2023, giải pháp Vận hành trường học số trên nền tảng Office 365 giúp học sinh phát triển năng lực tự chủ, tự học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 do cô Nguyễn Thị Thu Linh và cô Phạm Thị Nam (khi đó là Hiệu trưởng Trường THCS Tam Phước) thực hiện đã đạt giải nhất Chương trình Sáng tạo Khoa học kỹ thuật của Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Đồng Nai, được chọn tham gia cuộc thi cấp quốc gia và được đưa vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202505/tu-me-tin-hoc-den-giao-vien-cot-can-cong-nghe-thong-tin-f6210fd/
Zalo