Thầy Thái Thành Thuận: Thắp sáng nghị lực từ nghịch cảnh

Một tai nạn nghiệt ngã tưởng chừng đã khép lại ước mơ nghề giáo của thầy Thái Thành Thuận, giáo viên bộ môn Lịch sử - Địa lý Trường THCS Tam Bình (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Thế nhưng, bằng nghị lực phi thường và ngọn lửa đam mê với nghề giáo chưa bao giờ tắt, sau những tháng ngày kiên cường chống chọi với số phận, thầy đã trở lại bục giảng, tiếp tục truyền dạy tri thức và lan tỏa nghị lực vượt lên nghịch cảnh cho biết bao thế hệ học trò.

NGHỊ LỰC VƯỢT LÊN NGHỊCH CẢNH

Trong cuộc sống, có những biến cố bất ngờ ập đến tưởng chừng sẽ quật ngã cả một đời người. Nhưng cũng từ đó, những con người như thầy Thuận với ý chí, quyết tâm mạnh mẽ đã chọn cách đứng dậy, kiên cường bước tiếp, để truyền cảm hứng sống mãnh liệt cho biết bao người khác.

Đã 9 năm trôi qua, kể từ ngày 12-5-2016, biến cố tai nạn ập đến với thầy Thuận. Đó là vào một buổi chiều, trong lúc giúp người hàng xóm mé nhánh cây cao, một sự cố bất ngờ xảy ra: Vì sợ nhánh cây to ngã xuống đường làm cản trở giao thông đi lại của bà con nên thầy Thuận đã cố gắng kéo nhánh cây vào trong để không rơi xuống phần đường đi, chính vì vậy, trong lúc nhánh cây rơi xuống không may ngã trúng đường dây điện, bị điện giật khiến thầy Thuận rơi từ độ cao khoảng 6 m, dẫn đến chấn thương nặng ở cột sống, dập tủy và liệt hoàn toàn hai chân.

Các em học sinh đang chăm chú theo dõi thầy Thuận giảng bài.

Các em học sinh đang chăm chú theo dõi thầy Thuận giảng bài.

Tai nạn đến quá bất ngờ, khiến cuộc sống của người thầy trẻ đang ở độ tuổi sung sức, tràn đầy hoài bão bỗng chốc đảo lộn. Khi ấy, thầy vừa có con nhỏ được 3 tuổi, sự nghiệp đang rộng mở với nhiều năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Nỗi đau thể xác, sự mất mát tinh thần và gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai của thầy. Nhưng giữa những tháng ngày tưởng như không lối thoát ấy, ngọn lửa yêu nghề trong thầy vẫn chưa bao giờ tắt. Chính khát khao được tiếp tục giảng dạy đã trở thành điểm tựa tinh thần giúp thầy vượt qua chuỗi ngày khó khăn sau biến cố.

Thầy Thuận chia sẻ rằng: “Từ chính trải nghiệm đau đớn của bản thân, thầy thấu hiểu sâu sắc nỗi bất hạnh của những người chẳng may bị khiếm khuyết về cơ thể. Nhưng nếu họ vẫn còn niềm đam mê, sức khỏe, tinh thần và mong muốn cống hiến thì hãy cho họ cơ hội được tiếp tục làm việc. Chỉ khi được sống với đam mê, được chứng minh giá trị của bản thân, họ mới có thể tự tin vươn lên và sống một cuộc đời thật sự có ý nghĩa”.

Thầy Thuận chia sẻ, gần 6 tháng điều trị bệnh ở TP. Hồ Chí Minh, đó là những ngày tháng thật sự rất khó khăn, vừa phải vượt qua nỗi đau về thể xác, vừa phải đối mặt với thực tại, khi đôi chân không thể đi lại được nữa và điều này đồng nghĩa với việc rất khó để thầy trở lại với nghề giáo, đó cũng chính là nỗi đau về tinh thần mà thầy phải đối mặt.

Với thầy, một người yêu nghề còn hơn cả bản thân của mình tâm sự: “Tai nạn có thể bị ảnh hưởng tay hay chân… nhưng thầy không sợ bằng việc không thể đến trường, không thể sống với đam mê nghề giáo”.

Cùng với ngọn lửa yêu nghề và trách nhiệm của một người chồng, người cha, cũng như nhận được rất nhiều sự động viên từ người thân, gia đình, đồng nghiệp và những em học sinh thân yêu luôn mong thầy trở lại trường tiếp tục truyền đạt cho các em.

Chính vì vậy, thầy từng bước phục hồi, học cách làm quen với chiếc xe lăn, kiên trì luyện tập, thích nghi với cuộc sống mới và không ngừng học hỏi để sẵn sàng ngày trở lại lớp học.

Ngày thầy quyết định nộp đơn xin đi dạy học lại, thầy cũng có nhiều trăn trở, đây không chỉ là một quyết định khó khăn với bản thân thầy, mà còn khó khăn cho cả nhà trường và lãnh đạo cấp trên.

Thầy chia sẻ thêm: “Hầu như những trường hợp như thầy từ trước đến nay rất ít được đi dạy học lại, nhưng thầy vẫn không từ bỏ hy vọng, vẫn theo đuổi đam mê và cuối cùng trái ngọt cũng đến với thầy, đó thật sự là một bước ngoặt của cuộc đời, như được sinh ra lần hai khi nhà trường thông báo kết quả thầy được trở lại trường dạy học”.

Sau hơn một năm ngày bị tai nạn, ngày 29-11-2017, thầy chính thức trở lại trường, niềm vui, hạnh phúc vỡ òa, thầy muốn thét lên cho mọi người nghe thấy: “Trường ơi, tôi đã quay trở lại rồi!”.

LAN TỎA THÔNG ĐIỆP NHÂN VĂN

Sau những biến cố, thầy Thuận đã trở lại với nghề giáo và vẫn như ngày nào, thầy tiếp tục cống hiến hết mình cho từng tiết dạy. Trên bục giảng hôm nay, tuy cơ thể không còn lành lặn như trước, nhưng ánh mắt, giọng nói và trái tim nhiệt huyết của thầy vẫn rực sáng như ngày đầu.

Học sinh của thầy không chỉ tiếp nhận kiến thức, mà còn học được bài học sâu sắc về nghị lực, sự kiên trì và lòng dũng cảm trước nghịch cảnh.

Những nỗ lực của thầy cũng được ghi nhận khi thầy trở thành một trong những nhà giáo của ngành Giáo dục được nhận Bằng khen: “Đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc năm 2020” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong một giờ ra chơi của thầy Thuận và các em học sinh.

Trong một giờ ra chơi của thầy Thuận và các em học sinh.

Hiện nay, thầy Thuận sống vui vẻ, lạc quan và tiếp tục cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”. Thầy vui vẻ chia sẻ: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui, được gặp đồng nghiệp và được truyền dạy kiến thức cho học sinh để thỏa niềm mong ước và điều đặc biệt là được nhìn con khôn lớn, trưởng thành từng ngày, được học trong ngôi trường mà cha mình đang dạy, đó chính là niềm vui, hạnh phúc vô bờ bến với thầy, là liều thuốc giảm đau hiệu quả nhất để thầy tiếp tục vượt qua những cơn đau hằng ngày từ di chứng của vụ tai nạn, từ đó, thầy tiếp tục chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học trò”.

“Em và các bạn lớp 81 đã có 2 năm được thầy Thuận dạy học, đến tiết thầy dạy, các bạn trong lớp đều rất thích, lớp học luôn vui vẻ, các bạn rất ngoan và chăm chú nghe thầy dạy; đồng thời, thầy cũng hay tổ chức các trò chơi cho lớp nhằm củng cố thêm kiến thức cho các bạn dễ tiếp thu bài học. Trong 2 năm học vừa qua, em và các bạn trong lớp luôn có kết quả tốt về môn thầy Thuận dạy.

Em và các bạn trong lớp đều mong rằng qua năm học mới sẽ được thầy Thuận tiếp tục dạy học và mong cho thầy luôn mạnh khỏe để tiếp tục dạy học cho chúng em và các thế hệ tiếp theo.

Thầy không chỉ dạy cho chúng em về kiến thức mà còn là tấm gương sống động nhất, chân thật nhất và gần gũi nhất về nghị lực vượt lên nghịch cảnh để hiện thực hóa ước mơ của mình.

Em và các bạn trong lớp hy vọng rằng, một ngày nào đó sẻ có một phép màu giúp cho đôi chân của thầy đi lại được” - em Huỳnh Ngọc Thanh Thủy lớp 81, Trường THCS Tam Bình chia sẻ.

Thầy Lê Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS Tam Bình cho biết, để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thầy Thuận dạy học, nhà trường đã bố trí 1 phòng riêng cho thầy, phòng không có thiết kế bục giảng để thầy dễ dàng di chuyển và được trang bị cơ sở vật chất từ tivi, máy chiếu… để thuận tiện cho việc giảng dạy các em học sinh.

Thầy Thuận luôn vui vẻ, hòa đồng, được các đồng nghiệp quý mến và hết lòng hỗ trợ cho thầy đạt được kết quả tốt trong công tác tại trường. Trong công việc, thầy luôn năng nổ, nhiệt tình, có chuyên môn giỏi, rất thương yêu học sinh và là một trong những giáo viên có tiếng của huyện Cai Lậy trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi đạt nhiều kết quả cao trong các kỳ thi học sinh giỏi của huyện và tỉnh.

Vì lý do sức khỏe, 2 năm qua, thầy Thuận không trực tiếp bồi dưỡng học sinh giỏi, mà thầy chuyển sang công tác tư vấn, hỗ trợ cho giáo viên dạy bồi dưỡng cho các em học sinh đi thi học sinh giỏi các cấp. Những năm qua, tuy hoàn cảnh và sức khỏe thầy Thuận bị nhiều ảnh hưởng từ tai nạn nhưng thầy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của nhà trường giao.

Câu chuyện về thầy Thuận không chỉ là hành trình vượt lên số phận, mà còn là thông điệp nhân văn sâu sắc về nghị lực sống, về lòng yêu nghề và tinh thần không khuất phục. Thầy là minh chứng sống động cho chân lý: “Nghị lực có thể làm nên điều kỳ diệu và tình yêu nghề có thể hồi sinh cả những giấc mơ tưởng chừng đã tắt”.

HỮU THÔNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202505/thay-thai-thanh-thuan-thap-sang-nghi-luc-tu-nghich-canh-1043463/
Zalo