Từ mái chèo năm cũ đến cánh buồm ngày mới

“Ai về Đồng Tháp, ghé ngang bến nước,

Nghe tiếng hò bên lở, bên bồi.

Sông Tiền lững lờ, sông Hậu mênh mông,

Chở nặng nghĩa tình theo năm tháng...”

Tháng Tư lại về. Tháng Tư của những ngày lịch sử. Tháng Tư của những hồi ức 50 năm không thể phai mờ trong lòng mỗi người dân Việt Nam, của những người con của quê hương Đất Sen hồng.

Giấc mơ Sen (Ảnh: Ngô Quang Tuyên)

Giấc mơ Sen (Ảnh: Ngô Quang Tuyên)

Dẫu đã đi qua bao mùa lúa trổ bông, trong tôi vẫn còn in đậm những ký ức vào ngày non sông nối liền một dải năm ấy, ngày 30/4/1975. Một học sinh còn đang học trung học cơ sở ở Cao Lãnh, hòa mình trong dòng người tấp nập, chen chúc bên bến đò, dọc theo những con đường, khu chợ. Những tiếng gọi nhau, những tiếng khóc vỡ òa khi gặp lại người thân sau bao năm chia cắt. Tôi cũng vậy, trong vòng tay cha mẹ từ chiến khu trở về, cảm giác vừa thân quen, vừa lạ lẫm đến nghẹn ngào. Những người thân tập kết ra Bắc trở về quê nhà, mang theo cả niềm vui đoàn tụ lẫn những câu chuyện dở dang của một thời bom đạn thời chia cắt.

Nhưng niềm vui thống nhất không đồng nghĩa với những ngày bình yên nối tiếp. Tôi còn nhớ những đêm trắng, bên ánh đèn leo lét, ngồi dưới bến sông, lắng nghe tiếng bánh xe nghiến trên mặt đất, tiếng súng đì đùng xa xăm. Vậy là một đoàn quân lại tiếp tục hành quân lên miền biên giới Tây Nam, bước vào cuộc chiến mới sau một cuộc chiến vừa khép lại, tiếp nối sứ mệnh bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Đồng Tháp Mười khi ấy còn là vùng đất hoang sơ, phèn chua. Người dân quê tôi, từ già tới trẻ, từ phụ nữ đến đàn ông, ai cũng thành những người lính trong cuộc chiến mới: cuộc chiến khai phá đất hoang, mở đất, đào kênh, đắp đê, dẫn nước ngọt vào ruộng đồng. Tôi cũng là một trong những chứng nhân thầm lặng, xắn quần lội nước, cùng bạn bè đào từng con kênh, đắp từng con đê, với ước mơ một ngày nơi này cây lúa sẽ rợp màu xanh mát. Kênh Đường Thét, kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng và nhiều con kênh, con đường tiến sâu vào Đồng Tháp Mười. Dòng nước ngọt đi đến đâu, cây lúa trổ bông, cây trái oằn sai đến đó.

Thế rồi, cũng chính chúng tôi lại chứng kiến một giai đoạn khác, khi cơ chế tập trung, bao cấp như một cái áo chật ních, ngăn sông cấm chợ, kìm hãm sức dân, sức nước. Cái đói, cái thiếu kéo dài, hằn lên khuôn mặt từng người, từng mái nhà. Những ngày ấy, ký ức về những mái chợ vắng tanh, những cánh đồng trơ trụi, vẫn còn đau đáu trong lòng, ký ức của những bữa cơm độn khoai, độn bắp, độn bo bo ngay giữa những cánh đồng lúa bạt ngàn.

Lại đến những trận lũ lịch sử năm 2000, năm 2011, những dòng nước cuồn cuộn phá vỡ những con đê mới vừa đắp, tràn vào phố xá. Nước ngập tới gác nhà, trẻ con đội cặp sách trên đầu đến trường, người lớn đi chợ bằng xuồng. Nước bủa vây trắng đồng, người chết trong lũ được báo trong bản tin hàng ngày, dòng người và trâu bò tá túc tạm bợ trên gò cao. Nhưng cũng từ trong gian khó ấy, lòng người quê tôi càng bền bỉ, càng thắm thiết tình làng nghĩa xóm.

Rồi đất nước bước vào công cuộc đổi mới. Những mầm xanh đầu tiên bật lên từ đất cằn Đồng Tháp. Tôi tận mắt nhìn thấy quê mình chuyển mình từng ngày. Cá tra bơi kín sông, những vườn xoài, vườn cam, vườn nhãn đua nhau trĩu quả; lúa gạo không chỉ đủ ăn mà còn tiến ra thế giới với ước mơ gạo sạch, gạo hữu cơ, gạo giảm phát thải vì một tương lai bền vững.

Từ những trăn trở ấy, tôi cùng anh em, đồng chí, cùng bà con nghĩ ra chuyện phải làm khác đi: phải cộng đồng hóa sức mạnh, phải nối kết những bàn tay. Thế là ra đời Hội quán nông dân, ra đời Câu lạc bộ doanh nhân, ra đời Không gian khởi nghiệp, ra đời Cà phê Doanh nhân. Từ chỗ đơn lẻ, manh mún, chúng tôi tập hợp lại, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, hỗ trợ nhau để vươn xa hơn. Nhiều hợp tác xã mới, nhiều chuỗi liên kết ngành ra đời từ những cái bắt tay chan chứa nghĩa tình đó.

Giờ đây, khi đứng trước chủ trương hợp nhất hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang thành một tỉnh mới nhưng vẫn giữ được cái tên Đồng Tháp. Như một nhịp cầu ký ức, tôi lại nghĩ đến dòng sông Tiền và sông Hậu. Hai con sông như hai mạch nguồn bất tận, bồi đắp phù sa cho đất mẹ, bồi đắp niềm tin cho con người. Sông đã nối liền hai bờ, còn lòng người Đồng Tháp hôm nay cũng nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai. “Sông nước mênh mang. Câu hò ai gửi cho bâng khuâng lòng người...”.

Ngày thống nhất không chỉ là ngày đoàn tụ những miền đất, mà còn là ngày đoàn tụ những khát vọng, những giấc mơ, những trái tim Việt Nam, trái tim người Đồng Tháp hôm nay và người Đồng Tháp sau khi hợp nhất, cùng chung nhịp đập. Vậy là chúng ta lại tự hào, tự tin viết tiếp “Giấc mơ Sen”, viết tiếp bản hùng ca trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong giây phút xúc động này, tôi xin tri ân đến các thế hệ đi trước đã đổ máu xương để giành lại độc lập, thống nhất cho đất nước. Tôi xin tri ân những con người bền bỉ khai hoang phục hóa Đồng Tháp Mười, từng nhát cuốc, từng giọt mồ hôi gầy dựng quê hương. Tôi xin tri ân những doanh nhân, doanh nghiệp đã dấn thân, thổi hồn sáng tạo vào từng sản phẩm, từng mùa vụ. Tôi xin tri ân những cán bộ, công chức ngày đêm tận tâm, tận lực, tận hiến, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo phục vụ, lấy hạnh phúc xã hội làm hạnh phúc của mình.

Chúng ta, những người đi sau, hãy cùng nhau tiếp bước, tiếp tục cuộc trường chinh của lòng tin, của tinh thần cộng đồng, của ước mơ vươn xa, để Đồng Tháp không chỉ xanh ngát những cánh đồng, mà còn rực rỡ những tấm lòng. Chúng ta đã bước qua lời nguyền một mảnh đất “khuất nẻo” để cùng nhau kiến tạo một “Đồng Tháp - Có một nơi như thế” trong lòng người phương xa.

Nhân ngày trọng đại này, xin gửi đến bà con quê hương Đồng Tháp thân thương và bạn bè muôn nơi lời chúc cho mỗi mái nhà, mỗi xóm làng, mỗi nhịp cầu quê mình luôn đầy ắp tiếng cười, chan hòa nghĩa tình, sáng bừng niềm tin vào một tương lai rộng mở! Từ những mái chèo năm xưa, người Đồng Tháp - Sen hồng tự tin vươn buồm đi ra biển lớn.

“Đồng Tháp quê tôi,

Đất lành chim đậu, người về hội tụ,

Bên sông Tiền mênh mông, bên sông Hậu chan chứa,

Bước tiếp hành trình, nối tiếp những ước mơ...”.

Lê Minh Hoan - Người con của quê hương Đất Sen hồng

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/tu-mai-cheo-nam-cu-den-canh-buom-ngay-moi-131128.aspx
Zalo