Tự lập quy hoạch sẽ phát sinh 'tư duy nhiệm kỳ'

Quy hoạch là công việc đặc thù, đòi hỏi chuyên môn sâu và cũng chỉ có một số viện quy hoạch quốc gia và địa phương mới đủ đội ngũ chuyên gia kỹ thuật để thực hiện. Do vậy, cần quy đinh chặt chẽ: cơ quan lập quy hoạch phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thay vì tự lập quy hoạch để 'tránh tư duy nhiệm kỳ'.

Đây là ý kiến của các đại biểu Đoàn Đại biểu thành phố Hà Nội khi thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch vào chiều nay (10/5).

Theo các đại biểu, liên quan tới quy định tại dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 17 của Luật Quy hoạch) về việc cho phép cơ quan lập quy hoạch được lựa chọn tổ chức tư vấn quy hoạch theo quy định của pháp luật về đấu thầu: vì công tác tư vấn lập quy hoạch khi thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện, gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả quy hoạch; do đó, cần có quy định mở trong việc giao nhiệm vụ thực hiện tư vấn quy hoạch trên cơ sở xem xét, đánh giá năng lực của các cơ quan tư vấn (có tiêu chí xem xét lựa chọn); cùng với đó là hình thức đấu thầu để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn, yêu cầu, quy mô của mỗi loại quy hoạch trên quan điểm phân cấp cho tổ chức, cá nhân, địa phương quyết định và tự chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cho phép cơ quan tổ chức lập quy hoạch được quyền chỉ định và đặt hàng các đơn vị tư vấn quy hoạch là các viện nghiên cứu quy hoạch mà không cần phải thông qua đấu thầu vì quy hoạch là công việc đặc thù, đòi hỏi chuyên môn sâu và cũng chỉ có một số viện quy hoạch quốc gia và địa phương mới đủ đội ngũ chuyên gia kỹ thuật để thực hiện lập quy hoạch.

Liên quan tới công tác lập quy hoạch, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết: "Cần phải điều chỉnh lập quy hoạch có thể lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, cần thay đổi lại thành 'Cơ quan lập quy hoạch lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch' để tránh tình trạng cơ quan lập quy hoạch tự lập quy hoạch, điều này dễ dẫn tới 'tư duy nhiệm kỳ'. Chúng ta vẫn phải giữ lại là phải thuê đơn vị tư vấn. Trường hợp không thuê được tư vấn mới được tự tổ chức lập quy hoạch. Nếu trong quy định chúng ta tự bỏ điều đó, nghĩa là có thể lập thì lập rất nhanh nhưng lúc đó 'ý chí' của các lãnh đạo sẽ được lập vào đây sẽ mang tính nhiệm kỳ rất cao, mang tính ngắn hạn và không tạo ra được đột phá”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

"Đối với trường hợp điều chỉnh quy hoạch làm thay đổi quy mô, nội dung lớn như thay đổi định hướng phát triển, mục tiêu sử dụng đất mà không phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược sẽ có tác động xấu đến môi trường và tiềm ẩn rủi ro cho tính bền vững. Do đó, cần phải quy định rõ tiêu chí, điều kiện không phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 quy định tại Điều 2 của dự thảo Luật và theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Điều 54a của Luật Quy hoạch (đã được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật)", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ.

Theo đại biểu Tạ Đình Thi: “Tôi thấy cần phải quy định rõ hơn về việc lồng ghép các yếu tố về môi trường bền vững, đề cao vai trò môi trường trong quá trình thẩm định, phê duyệt các quy hoạch”.

Liên quan tới việc thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (bỏ cấp huyện), một số tỉnh sau sáp nhập có diện tích được mở rộng nên không gian quy hoạch thay đổi; một số tỉnh không phải thực hiện sáp nhập nên không gian quy hoạch không thay đổi nhưng phải thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã sau khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện. Do vậy, đại biểu đề nghị bảo lưu quy hoạch cấp tỉnh và phân khu để thực hiện việc chuyển tiếp và trong quá trình thực hiện sẽ tiến hành điều chỉnh cục bộ thay vì nếu làm lại sẽ lãng phí và mất nhiều thời gian.

Bà Phạm Thị Thanh Mai - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội phát biểu kết luận phiên thảo luận tổ.

Bà Phạm Thị Thanh Mai - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội phát biểu kết luận phiên thảo luận tổ.

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh nêu quan điểm: “Tôi kiến nghị các quy hoạch này nếu đã phê duyệt, chúng ta tiếp tục thực hiện và điều chỉnh cục bộ có có vấn đề, thực hiện theo quy trình rút gọn”. Tại Thủ đô, có những quy hoạch phân khu mà thành phố vừa duyệt, tôi kiến nghị giữ nguyên giá trị. Bên cạnh đó, đối với quy hoạch phân khu chúng ta thực hiện theo yêu cầu thực hiện quy hoạch phân khu xong mới tiến hành quy hoạch điều chỉnh khác thì mất nhiều thời gian nên việc này cần phải được tiến hành song song”.

Một số ý kiến cho rằng, nội dung vướng mắc về quy hoạch hiện nay không chỉ liên quan đến quy định của Luật Quy hoạch mà liên quan đến nhiều luật khác có quy định về sự phù hợp với quy hoạch. Do đó, việc sửa đổi Luật Quy hoạch lần này mới chỉ là giải pháp tình thế mà chưa xử lý được triệt để các điểm nghẽn đã được nhiều địa phương phản ánh trong thời gian qua. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về tiến độ sửa đổi Luật Quy hoạch theo Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần xác định rõ mục đích và phạm vi sửa đổi Luật Quy hoạch lần này nhằm bảo đảm tính khả thi; trong đó tập trung giải quyết các vấn đề mang tính cấp bách cần xử lý ngay, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đối với các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng khi sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu rõ: “Cần có một phương án, nghị quyết của Quốc hội để xử lý những vấn đề phát sinh đối với các quy hoạch đã có và chuẩn bị xây dựng những quy hoạch mới trong giai đoạn tới. Tiếp theo, chúng ta sẽ xây dựng kế hoạch căn cơ tổng thể để sửa Luật quy hoạch để luật thực sự là một công cụ quản lý cho quá trình phát triển, không nên sửa theo tính tình huống và nhỏ lẻ”.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch nhằm phù hợp với tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sau khi sáp nhập. Quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch dự kiến sẽ được phân cấp mạnh mẽ, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy nhanh hoạt động quy hoạch trong thời gian tới.

Dự thảo Luật bao gồm 2 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 33 điều, khoản của Luật Quy hoạch.Theo kế hoạch, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 28/5 tới.

Khiếu Hương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tu-lap-quy-hoach-se-phat-sinh-tu-duy-nhiem-ky-328608.htm
Zalo