Phân cấp lại thẩm quyền Thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh về quy hoạch khi sáp nhập

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ quy hoạch phải bảo đảm minh bạch và đồng bộ; đổi mới mạnh mẽ phân cấp thẩm quyền quyết định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch.

Quốc hội chiều nay thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết lần sửa đổi này nhằm hoàn thiện hệ thống quy hoạch tích hợp và đồng bộ, bảo đảm liên kết giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Nếu được Quốc hội thông qua sẽ tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã; trong cấp xã sẽ có phường, xã, đặc khu.

Đổi mới mạnh mẽ phân cấp thẩm quyền quyết định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương trong việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; tăng cường các yếu tố phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quy hoạch...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Quốc hội

"Trước mắt, sửa đổi, bổ sung một số điều để phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền - việc gì Quốc hội quyết, việc gì Chính phủ, bộ, địa phương quyết - để thực hiện cho đồng bộ" - ông nhấn mạnh.

Theo ông, quy hoạch phải minh bạch và đồng bộ; phải quy định công khai thông tin quy hoạch, lấy ý kiến nhân dân, đặc biệt là lấy ý kiến của nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp; thiết lập cơ chế giám sát độc lập để quy hoạch không bị điều chỉnh tùy tiện vì lợi ích cục bộ.

"Có khi quy hoạch nhiệm kỳ này nhưng sang nhiệm kỳ sau, bí thư, chủ tịch mới lại điều chỉnh hay thay đổi, bổ sung. Nếu không bảo đảm tính công khai, minh bạch, đồng bộ thì quy hoạch sẽ liên tục bị thay đổi. Vì vậy, quy hoạch phải được tính toán thật kỹ" - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Về triển khai quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ phải tăng cường cơ chế thực thi và giám sát. Quốc hội, HĐND các địa phương, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân giám sát. Nếu quy hoạch được công khai, minh bạch để nhân dân giám sát, đồng thuận thì việc triển khai quy hoạch sẽ tốt, khả thi, hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ phải tăng cường cơ chế thực thi và giám sát việc triển khai quy hoạch. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ phải tăng cường cơ chế thực thi và giám sát việc triển khai quy hoạch. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Về phân cấp thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đổi mới mạnh mẽ theo chủ trương của Đảng.

Theo đó, phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ trong việc xác định các vùng cần lập quy hoạch vùng và quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng cho bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh; phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng cho bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh đối với quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đáp ứng yêu cầu về sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp...

Phải sửa ngay Luật Quy hoạch, 'nếu không sẽ tắc hết'

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết dự thảo luật quy hoạch bổ sung các quy định để xử lý các vấn đề cấp bách cần tháo gỡ. Việc sửa luật nhằm đảm bảo điều chỉnh quy hoạch các cấp sau khi sắp xếp đơn vị hành chính có hiệu lực, các địa phương có thể điều chỉnh quy hoạch ngay.

“Khi điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập các địa phương với nhau thì quy hoạch tỉnh cần được điều chỉnh, nếu không địa phương không làm gì được. Do đó, Luật Quy hoạch phải sửa ngay mới đáp ứng được, nếu không sẽ tắc hết” - ông Thắng nói.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Hoàng Hà

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Hoàng Hà

Về phân cấp, phân quyền, ông Thắng nêu rõ dự luật đưa ra quy định mạnh hơn, như đề xuất được trao quyền quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, vốn thuộc thẩm quyền của Quốc hội; phân cấp cho các bộ thẩm định quy hoạch chuyên ngành; UBND tỉnh thẩm định quy hoạch tỉnh…

Dự luật cũng bổ sung quy định quy hoạch chuyên ngành, vùng, tỉnh được phép lập đồng thời, nhằm xử lý vướng mắc lâu nay và đẩy nhanh việc lập quy hoạch, không cần chờ cấp trên được duyệt hay quyết định mới lập quy hoạch cấp dưới.

Về xử lý mâu thuẫn, chồng lấn giữa các quy hoạch, ông Thắng thừa nhận đây là vấn đề vướng mắc lâu nay.

Ví dụ như một số địa phương có tuyến đường đã có quy hoạch giao thông nhưng lại chồng lấn với quy hoạch khoáng sản, giờ quy hoạch nào điều chỉnh theo quy hoạch nào, rất khó phân định. Một số trường hợp cụ thể được đề xuất trình Thủ tướng xem xét quyết định việc quy hoạch nào phải điều chỉnh để không chồng lấn, nhưng không triệt để.

Do đó, theo ông Thắng, dự luật bổ sung quy định mang tính nguyên tắc. Trường hợp có mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy hoạch chuyên ngành, kỹ thuật thì cấp có thẩm quyền cao hơn sẽ quyết việc quy hoạch nào phải điều chỉnh.

Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết tại nghị định, trong đó đưa ra nguyên tắc, tiêu chí về trường hợp quy hoạch cùng cấp thì quy hoạch nào điều chỉnh.

Liên quan tới quy hoạch phân vùng, cần thay đổi khi sáp nhập địa giới hành chính, địa phương, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, báo cáo Chính phủ để phân lại vùng kinh tế xã hội, phù hợp với địa giới hành chính mới sau sắp xếp, sáp nhập.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phan-cap-lai-tham-quyen-thu-tuong-bo-truong-chu-tich-tinh-ve-quy-hoach-2399778.html
Zalo