Từ khúc tráng ca thống nhất đến khát vọng hùng cường
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định kỷ nguyên mới chúng ta đang bước tới với công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh và phát triển bền vững
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), bài viết "NƯỚC VIỆT NAM LÀ MỘT, DÂN TỘC VIỆT NAM LÀ MỘT" của Tổng Bí thư Tô Lâm đã một lần nữa khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nhấn mạnh những giá trị trường tồn đã làm nên sức mạnh Việt Nam qua những bước ngoặt lịch sử, đồng thời thắp sáng khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên hội nhập, đổi mới và phát triển mạnh mẽ.
Chiến lược lâu dài, nền tảng bền vững
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong bài viết một thông điệp vừa sâu sắc vừa mang tầm nhìn chiến lược lâu dài: "Hòa hợp dân tộc không có nghĩa là quên lãng lịch sử hay xóa nhòa sự khác biệt, mà là chấp nhận những góc nhìn khác nhau trong tinh thần bao dung và tôn trọng, để cùng hướng tới mục tiêu lớn hơn: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hùng mạnh, văn minh, thịnh vượng".

Đoàn kiều bào về nước thăm Khu Công nghệ Quang Trung (TP HCM) tìm cơ hội đầu tư. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hòa hợp không phải là sự đồng nhất cưỡng ép, mà là bản lĩnh cao quý biết bao dung những dị biệt, biết cùng nhau gác lại những đau thương quá khứ để xây đắp tương lai chung. Chính tinh thần đó đã giúp dân tộc Việt Nam, ngay sau những tháng ngày bom đạn, giờ mở lòng đón nhận tất cả những người Việt Nam, dù trong nước hay ở nước ngoài, cùng chung tay dựng xây quê hương.
Hình ảnh những Việt kiều từng rời xa đất nước trong thời kỳ chiến tranh, nay trở về đầu tư, mở trường học, xây bệnh viện, phát triển khu công nghiệp là minh chứng sống động cho sức mạnh của hòa hợp dân tộc. Những trí thức Việt kiều trong lĩnh vực công nghệ cao, như các nhà khoa học Việt Nam tại Silicon Valley (Hoa Kỳ), những chuyên gia trẻ tại Pháp, Đức, Nhật Bản... đang không ngừng trở thành cầu nối, đem tinh hoa thế giới trở về quê hương, cống hiến cho sự phát triển của đất nước.
Hòa hợp dân tộc, vì thế, không chỉ là bài học lịch sử mà còn là chiến lược phát triển bền vững cho hiện tại và tương lai. Trong một thế giới ngày càng đa dạng, đan xen lợi ích và quan điểm, Việt Nam càng phải gìn giữ và phát huy sức mạnh đoàn kết - hòa hợp ấy như một báu vật quốc gia.
Trong ánh sáng của hòa hợp dân tộc, mỗi người Việt Nam, dù khác biệt về quan điểm, vùng miền, tôn giáo, hoàn cảnh, đều có một mẫu số chung thiêng liêng: Tình yêu Tổ quốc. Chính tình yêu ấy, trong tinh thần bao dung và trách nhiệm, sẽ là sức mạnh nội lực để Việt Nam vững vàng vượt qua mọi thử thách, tự tin tiến về phía trước, vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Văn hóa là sức mạnh nội sinh
Nếu hòa hợp dân tộc là cội nguồn gắn kết con người Việt Nam trong một khối đại đoàn kết thì văn hóa chính là dòng chảy ngầm sâu xa, nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc, tạo nên sức mạnh mềm trường tồn qua mọi biến thiên của lịch sử.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nhấn mạnh về việc phải phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời sáng tạo, hội nhập để văn hóa Việt Nam bay cao, vươn xa cùng nhân loại.
Văn hóa Việt Nam là sự kết tinh của hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, của truyền thống hiếu học, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", lòng nhân ái, thủy chung, tinh thần tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Chính những giá trị ấy đã làm nên bản lĩnh Việt Nam - một dân tộc nhỏ bé về địa lý nhưng lớn mạnh về tinh thần, kiên cường qua bao cuộc chiến tranh vệ quốc, vững vàng trong xây dựng hòa bình.
Trong thời đại mới, văn hóa không chỉ là di sản quá khứ để trân trọng mà còn là động lực nội sinh mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Không chỉ trên lĩnh vực nghệ thuật, tinh thần văn hóa còn thấm sâu vào từng bước phát triển kinh tế, xã hội. Những sản phẩm "Make in Vietnam", từ công nghệ đến nông sản, ngày càng chú trọng giá trị bản sắc, gắn kết câu chuyện văn hóa trong từng thương hiệu. Văn hóa chính là linh hồn giúp sản phẩm Việt Nam vươn xa, là bản sắc để con người Việt Nam tự tin hội nhập mà không hòa tan.

Nút giao Bình Chuẩn trên dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Ảnh: THẢO NGUYỄN
Ở những vùng quê, miền núi, nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn, văn hóa cũng là sức mạnh để cộng đồng gắn bó, cùng nhau vượt qua thách thức. Những lễ hội truyền thống, những ngôi nhà văn hóa thôn bản, những lớp học gìn giữ chữ viết dân tộc… là những "tế bào" bền bỉ của bản sắc Việt Nam trong đời sống hôm nay.
Chính văn hóa sẽ là sức mạnh âm thầm nhưng bền bỉ, nâng cánh cho khát vọng Việt Nam bay cao, vươn xa.
Thế hệ trẻ viết tiếp bản hùng ca
Nếu lịch sử hào hùng là món quà vô giá mà cha ông đã để lại thì tương lai rạng rỡ của đất nước lại nằm trong tay những thế hệ hôm nay và mai sau.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã gửi gắm một thông điệp đầy tâm huyết: "Thế hệ hôm nay - từ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đến công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, học sinh, sinh viên, mọi tầng lớp nhân dân đều là con Rồng cháu Tiên - cần ý thức sâu sắc rằng: Chúng ta đang thừa hưởng những giá trị di sản vĩ đại từ cha ông và chúng ta có trách nhiệm làm rạng danh đất nước trong thời đại mới. Mỗi hành động hôm nay phải xứng đáng với máu xương đã đổ xuống, với những hy sinh, mất mát mà cả dân tộc đã từng gánh chịu".
Chưa bao giờ thế hệ trẻ Việt Nam có nhiều cơ hội để cống hiến và khẳng định mình như hôm nay. Trên những diễn đàn quốc tế, trong những phòng thí nghiệm công nghệ cao, ở các sàn đấu thể thao, sân khấu nghệ thuật hay những khu công nghiệp hiện đại, bóng dáng của những người trẻ Việt Nam đang ngày càng tỏa sáng.
Chúng ta tự hào với những gương mặt trẻ giành giải Olympic quốc tế về toán học, vật lý, tin học; với những nhà sáng lập start-up như Zalo, MoMo, Sky Mavis (Axie Infinity) - những thương hiệu công nghệ Việt Nam gây tiếng vang toàn cầu; với những vận động viên như Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Huy Hoàng trên đường đua xanh, Nguyễn Thị Oanh trên đường chạy điền kinh - biểu tượng của ý chí và nghị lực Việt Nam.
Không chỉ ở trong nước, những sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam tại Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… cũng đang ngày đêm học tập, nghiên cứu, mang trí tuệ Việt Nam tỏa sáng khắp năm châu. Họ không chỉ đi tìm kiếm cơ hội cho riêng mình mà còn nuôi khát vọng trở về, cống hiến cho quê hương, để Việt Nam bước nhanh hơn, mạnh mẽ hơn trong dòng chảy hội nhập toàn cầu.
Thế hệ trẻ hôm nay không còn chỉ là niềm hy vọng, mà phải trở thành động lực trực tiếp thúc đẩy sự chuyển mình của đất nước. Trách nhiệm đặt lên vai họ không chỉ là học tập, lao động xuất sắc, mà còn là gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng bản lĩnh vững vàng trước những thách thức toàn cầu và dám đổi mới, dám sáng tạo để tạo nên những kỳ tích mới cho đất nước.
Vươn tầm thế giới
Khi thế giới bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa sâu rộng, hội nhập quốc tế không còn là một lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu để mỗi quốc gia phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm từng chỉ rõ: Việt Nam cần xây dựng một nền kinh tế tự lực, tự cường; một nền quốc phòng - an ninh toàn dân, toàn diện và hiện đại; đồng thời hội nhập chủ động, hiệu quả để đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định khu vực và toàn cầu.
Hội nhập không chỉ đơn thuần là mở cửa giao thương mà còn là mở lòng tiếp nhận tinh hoa nhân loại, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc riêng. Đó là hành trình song hành giữa việc làm bạn với thế giới và giữ trọn bản lĩnh Việt Nam. Hội nhập là để Việt Nam không chỉ hội nhập vào kinh tế toàn cầu mà còn hội nhập bằng văn hóa, trí tuệ và những giá trị tinh thần cao đẹp đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử.
Chúng ta đã và đang chứng kiến những thành tựu ấn tượng: Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do nhất thế giới, từ CPTPP, EVFTA đến RCEP, mở ra những cánh cửa rộng lớn cho hàng hóa, dịch vụ và con người Việt Nam. Từ việc trở thành thành viên tích cực của Liên hiệp quốc, ASEAN đến việc đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, Việt Nam đang từng bước khẳng định là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, có trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng quốc tế.
Trong đời sống kinh tế, những doanh nghiệp Việt Nam như VinFast, Viettel, Vingroup, TH True Milk... đang mạnh mẽ vươn ra thị trường thế giới. Những sản phẩm "Make in Vietnam" đang dần hiện diện tại các siêu thị, trung tâm thương mại từ châu Á đến châu Âu, từ Mỹ đến châu Phi.

Các đại biểu xem triển lãm "Đại thắng mùa xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam" ẢNH: QUỐC THANH
Hội nhập còn thể hiện trong những lớp sinh viên Việt Nam học tập ở nước ngoài, những nhà khoa học Việt đóng vai trò trong các dự án nghiên cứu toàn cầu, những nghệ sĩ Việt nhận giải thưởng quốc tế, những vận động viên Việt Nam giành vinh quang trên đấu trường thế giới. Mỗi thành công ấy, dù nhỏ bé hay lớn lao, đều đang góp phần đưa hình ảnh Việt Nam hiện đại, năng động và đầy khát vọng lan tỏa khắp năm châu.
Song hành với mở cửa hội nhập, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường. Chỉ khi chúng ta tự đứng vững trên đôi chân của mình, chủ động hội nhập thay vì bị cuốn theo dòng chảy, Việt Nam mới có thể bước đi vững chắc trong thế giới đầy biến động này.
Hội nhập chủ động và bản lĩnh - đó là tinh thần của một Việt Nam mới: vừa mở cửa đón nhận cơ hội vừa vững vàng trước thách thức; vừa giữ gìn bản sắc vừa đổi mới sáng tạo; vừa kế thừa di sản cha ông vừa kiến tạo những giá trị mới cho tương lai.
Nắm bắt vận hội của thời đại
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Kỷ nguyên mới mà chúng ta đang bước tới - với công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh và phát triển bền vững - đòi hỏi phải có tư duy mới, mô hình phát triển mới, con người mới".
Đổi mới không thể chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu. Đổi mới phải bắt đầu từ tư duy, lan tỏa tới hành động, thấm sâu vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội.
Việt Nam hôm nay đang từng bước thể hiện tinh thần ấy: các khu công nghệ cao mọc lên tại Hòa Lạc, TP HCM, Đà Nẵng; những trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được đầu tư bài bản; các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tiên phong nghiên cứu AI, Big Data, Blockchain; những thành phố thông minh được quy hoạch bài bản; những mô hình nông nghiệp công nghệ cao trải dài từ Bắc vào Nam...
Chúng ta tự hào khi nhìn thấy những sản phẩm do người Việt Nam làm chủ công nghệ - từ xe điện VinFast vươn ra thị trường quốc tế đến mạng 5G do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất, từ những ứng dụng số do chính các start-up Việt Nam sáng tạo đến những giải pháp công nghệ Việt được quốc tế công nhận.
Trí tuệ Việt Nam không chỉ thể hiện ở công nghệ mà còn lan tỏa trong văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, y tế... Những nhà khoa học Việt trong và ngoài nước đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu vì một Việt Nam xanh hơn, khỏe mạnh hơn, thông minh hơn. Những nghệ sĩ Việt Nam mang âm nhạc, điện ảnh, thời trang Việt Nam vươn ra thế giới. Những nhà giáo Việt thắp sáng ngọn lửa tri thức cho các thế hệ tương lai.
Tuy nhiên, để đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực bứt phá, Việt Nam cần kiên trì đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cần xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng mở, trong đó tài năng được nuôi dưỡng, ý tưởng được khuyến khích, thất bại được bao dung và thành công được tôn vinh.
Mỗi người trẻ Việt Nam hôm nay cần hiểu rằng: Trong thế giới phẳng này, cơ hội chia đều cho tất cả nhưng chiến thắng chỉ thuộc về những ai đủ dũng cảm, đủ bản lĩnh và đủ khát vọng để bứt phá. Mỗi ý tưởng sáng tạo, mỗi hành động đổi mới, mỗi nỗ lực không ngừng sẽ là những viên gạch xây dựng tương lai phồn vinh của đất nước.
Phát huy trí tuệ Việt Nam - đó là cách để chúng ta không chỉ hội nhập mà còn dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực. Đổi mới sáng tạo mạnh mẽ - đó là cách để Việt Nam không chỉ đi cùng thời đại mà còn góp phần làm nên diện mạo của thời đại mới...