Cơ yếu Quân đội phục vụ Tổng hành dinh, góp phần làm nên đại thắng

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, cán bộ, nhân viên cơ yếu Quân đội đã bám trụ, bảo đảm trực 24/24 giờ liên tục, phục vụ lãnh đạo, chỉ huy của Đảng, Quân ủy Trung ương (QUTƯ) và Bộ Quốc phòng được thông suốt, bí mật, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống, góp phần đánh bại kẻ thù. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, ngành cơ yếu Quân đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cuối năm 1974, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên vào mùa xuân năm 1975. Chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 10-1-1975, Cục Cơ yếu (Bộ Tổng Tham mưu) chỉ đạo Phòng Mã dịch cử một tổ công tác gồm 7 đồng chí phục vụ Đoàn A75 (do Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng chỉ huy) bí mật vào Tây Nguyên nghiên cứu, tổ chức thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị. Hàng nghìn công điện chỉ đạo của QUTƯ, Bộ Tổng Tư lệnh và điện báo cáo tình hình chiến trường của A75 đã được Phòng Mã dịch mã hóa, giải mã, chuyển nhận bí mật, chính xác, kịp thời. Ngày 10-3-1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mở màn bằng Chiến dịch Tây Nguyên với trận đánh táo bạo, bất ngờ vào thị xã Buôn Ma Thuột. Trong chiến dịch này, cán bộ, nhân viên Phòng Mã dịch đã góp phần quan trọng bảo đảm hoàn toàn bí mật ý định, kế hoạch tác chiến, mã dịch kịp thời điện đi và đến, phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, tạo thế bất ngờ để chiến dịch giành chiến thắng vang dội.

Bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 7-4-1975. Ảnh tư liệu

Bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 7-4-1975. Ảnh tư liệu

Tại cơ quan Tổng hành dinh, cuối tháng 3-1975, theo yêu cầu của Bộ Tổng Tư lệnh, để kịp thời mã hóa và chuyển điện quan trọng của Bộ Chính trị, QUTƯ, Bộ Tổng Tư lệnh đến các chiến trường, Phòng Mã dịch cử một tổ cơ yếu sang nhà QUTƯ làm việc. Tại đây, những bức điện tối khẩn, tuyệt mật đều được tổ cơ yếu mã hóa, giải mã và chuyển đi chính xác, kịp thời, an toàn với những chữ ký: Ba (Lê Duẩn); Trường Chinh; Tô (Phạm Văn Đồng); Văn (Võ Nguyên Giáp); Thành (Hoàng Văn Thái); gửi các đồng chí: Sáu (Lê Đức Thọ); Bảy Cường (Phạm Hùng); Tuấn (Văn Tiến Dũng)...

Tổ cơ yếu đã mã và chuyển đi những công điện tối mật, vô cùng quan trọng, khẩn trương của Đảng, QUTƯ, Bộ Tổng Tư lệnh. Có những công điện chính tay đồng chí Lê Duẩn viết; Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp đưa điện cho cơ yếu, cũng có lúc đồng chí Cao Văn Khánh, Phó tổng Tham mưu trưởng hoặc cán bộ tác chiến đưa sang. Có những công điện Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết được đoạn nào thì đưa cho cơ yếu mã hóa để bộ phận thông tin chuyển đi đoạn đó. Công điện đến, dịch đến đâu cơ yếu chuyển ngay cho các đồng chí lãnh đạo đến đó. Nhiều công điện rất dài nhưng yêu cầu truyền đạt lại rất khẩn trương, phải tranh thủ từng phút, như công điện của đồng chí Lê Đức Thọ gửi về ngày 25-4-1975 dài 10 trang đánh máy, báo cáo về tình hình chiến trường B2. Có công điện dài 15-20 trang viết tay trong điều kiện rất khẩn trương đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng của cán bộ, nhân viên cơ yếu. Tuy làm việc rất vất vả, công việc đòi hỏi hết sức khẩn trương, nhưng được trực tiếp phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội tại cơ quan Tổng hành dinh là vinh dự lớn lao, niềm tự hào của cán bộ, nhân viên Cục Cơ yếu nói chung và Phòng Mã dịch tại cơ quan Tổng hành dinh nói riêng.

Theo bước chân thần tốc của từng cánh quân, tin tức chiến thắng từ các chiến trường dồn dập báo về. Không khí làm việc của cơ yếu tại cơ quan Tổng hành dinh hết sức khẩn trương. Khối lượng công việc tăng lên dồn dập, cán bộ, nhân viên triển khai tài liệu làm ngay. Tốc độ mã dịch không ngừng được tăng lên: Bảy phút, sáu phút, năm phút... Thậm chí còn hơn bốn phút rưỡi một công điện. Rút ngắn được một phút lúc này là quý giá vô cùng. Có nhiều công điện có độ khẩn cao gửi đến các cánh quân, đôn đốc các hướng đẩy mạnh tốc độ tiến công. Ở Bộ Tư lệnh cánh Đông, khi nhận được điện mật chuyển đến, đồng chí Lê Trọng Tấn đã vui vẻ ôm lấy đồng chí nhân viên cơ yếu Vũ Văn Cảnh và ghi vào bức điện: “Hoan hô cơ yếu, thông tin rất kịp thời”. Đặc biệt, 9 giờ 30 phút ngày 7-4-1975, cơ yếu Tổng hành dinh mã bức điện tối khẩn số 157/TK của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp truyền đạt mệnh lệnh đến các đơn vị trên chiến trường: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.

Cán bộ nghiên cứu Cục Cơ yếu trao đổi về tính năng kỹ thuật, chiến thuật của sản phẩm mật mã mới hoàn thành. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Cán bộ nghiên cứu Cục Cơ yếu trao đổi về tính năng kỹ thuật, chiến thuật của sản phẩm mật mã mới hoàn thành. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị và QUTƯ thông qua kế hoạch giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Phòng Mã dịch đã mã công điện số 37/TK của Bộ Chính trị gửi cho Bộ tư lệnh chiến dịch. 19 giờ cùng ngày, Bộ tư lệnh chiến dịch đã nhận được bức diện có nội dung: “Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Chiều 15-4, tại Sở chỉ huy tối cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị và giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Duy Phê, Cục trưởng Cục Cơ yếu: “Trong những ngày chiến đấu đặc biệt khẩn trương vừa qua của quân và dân ta trên mặt trận miền Nam, cán bộ chiến sĩ, nhân viên cơ yếu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. QUTƯ khen ngợi các đồng chí. Cuộc chiến đấu hiện đang tiếp tục và càng gần đến ngày toàn thắng càng khẩn trương, quyết liệt. Nhiệm vụ bảo đảm bí mật, chính xác, kịp thời nội dung của mệnh lệnh, sự lãnh đạo và chỉ huy của Bộ Chính trị, QUTƯ và Bộ Tổng Tư lệnh có ý nghĩa quyết định đối với thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam. Toàn thể các đồng chí cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên, nhân viên của Cục Cơ yếu phải có quyết tâm lớn, tìm mọi cách bảo đảm bằng được yêu cầu đó”.

Chấp hành chỉ thị của Tổng Tư lệnh, cán bộ, nhân viên cơ yếu Tổng hành dinh xác định tốt trách nhiệm, rèn luyện ý chí, nâng cao năng lực chuyên môn, nỗ lực phấn đấu, mỗi người làm việc bằng hai, quyết tâm hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tổ cơ yếu đã thường xuyên túc trực mã dịch điện từ cơ quan Tổng hành dinh đến các chiến trường và ngược lại. Dù rất căng thẳng và làm việc liên tục, song cán bộ, nhân viên cơ yếu vẫn thận trọng bảo đảm chính xác từng chữ, từng ý, từng dấu chấm câu, nhắc nhau hết sức cẩn thận, bởi chỉ cần sai một chữ, sót một ý thì hậu quả sẽ khôn lường. Những công điện được chuyển kịp thời đến các chiến trường trên toàn miền Nam vừa là mệnh lệnh, đồng thời như lời thôi thúc cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận.

Ngày 22-4-1975, Phòng Mã dịch Cục Cơ yếu đã mã dịch bức điện của Bộ Chính trị do đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn ký gửi Bộ tư lệnh Chiến dịch: "Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi, ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm, các anh ra chỉ thị ngay cho các hướng hành động kịp thời".

11 giờ ngày 24-4, cơ yếu Tổng hành dinh mã dịch Công điện của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với nội dung: Tổng tiến công vào Sài Gòn. 5 giờ ngày 29-4, các cánh quân ta đồng loại nổ súng tiến công vào Sài Gòn, Tổ cơ yếu đã mã và chuyển công điện của Bộ Chính trị và QUTƯ gửi Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh: "Bộ Chính trị, QUTƯ gửi lời chào quyết thắng đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên. Các đồng chí hãy anh dũng tiến lên giành thắng lợi cho chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại".

Đến 10 giờ cùng ngày, Tổ cơ yếu mã và chuyển Công điện số 149/TK của Bộ Chính trị và QUTƯ gửi Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh với nội dung: "Các đồng chí lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch. Tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất! Giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố. Tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng. Công bố đặt thành phố Sài Gòn-Gia Định dưới quyền của Ủy ban quân quản do Tướng Trần Văn Trà làm chủ tịch".

10 giờ 30 phút ngày 30-4, Tổ cơ yếu Tổng hành dinh mã dịch và chuyển công điện của Bộ Chính trị và QUTƯ gửi Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh với nội dung: "Bắt Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện". Một tiếng sau, đồng chí Nguyễn Duy Phê, Cục trưởng Cục Cơ yếu vào đọc điện của đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng, Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh báo cáo: Một đơn vị thuộc Bộ tư lệnh cánh Đông đã cắm cờ Quân giải phóng lên nóc dinh Độc Lập...

55 ngày đêm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 sử dụng lực lượng lớn và phạm vi chiến trường rất rộng, hành quân và chiến đấu với tốc độ thần tốc chưa từng có trong lịch sử của dân tộc; yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy khẩn trương, liên tục. Từng cán bộ, nhân viên cơ yếu ở Sở chỉ huy của Bộ Tổng Tư lệnh đến các sở chỉ huy tiền phương hay các bộ phận được cử đi phục vụ các hướng, các mũi theo các đoàn quân thần tốc trên chiến trường đều đề cao tinh thần trách nhiệm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tổ chức mã dịch gần 160.000 công điện, trong đó trên 70% là điện tối khẩn. Riêng cơ yếu Tổng hành dinh đã mã dịch, chuyển nhận kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn gần 41.000 công điện, trong đó hơn 600 công điện khẩn, 139 công điện đặc biệt và hơn 2.000 công điện tối khẩn dịch ngay. Trong tháng 4-1975, khoảng 80 giây có một bức điện được cơ yếu mã dịch, đáp ứng mọi yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Chính trị, QUTƯ, Bộ Tổng Tư lệnh đối với các chiến trường, góp phần xứng đáng vào chiến công chung của dân tộc, thực hiện điều mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Thiếu tướng HOÀNG VĂN QUÂN, Cục trưởng Cục Cơ yếu, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/co-yeu-quan-doi-phuc-vu-tong-hanh-dinh-gop-phan-lam-nen-dai-thang-826057
Zalo