Tứ giang xứ Quảng
Nhắc đến Quảng Ngãi, nhiều người vẫn hay nhớ về miền Ấn - Trà, với ngọn núi Thiên Ấn và dòng sông Trà Khúc, cùng với các dòng sông Trà Bồng, sông Vệ, sông Trà Câu, là bốn dòng sông lớn ở xứ Quảng.Những tứ (bốn) nổi tiếng ở xứ Quảng
Những dòng sông bắt đầu từ đâu?
Có rất nhiều câu chuyện về các dòng sông, mà chỉ riêng thượng nguồn của dòng sông đã là câu chuyện dài, thú vị. Những con sông được hợp thành từ nhiều nguồn nước, nên khó xác định nguồn gốc chính xác bắt đầu từ đâu, mà chủ yếu tìm hiểu về những hợp nguồn chính tạo nên. Theo Địa chí Quảng Ngãi, sông Trà Khúc là sông lớn có lượng nước dồi dào nhất so với các sông khác trong toàn tỉnh. Ở thượng nguồn sông, có ba nguồn nước chính hợp thành gồm sông Re, sông Rin, sông Xà Lò. Sông Trà giống như một cái cây có nhiều nhánh tẻ ở đầu nguồn. Công trình thủy lợi Thạch Nham bắc ngang dòng sông, đã mang nước tưới cho nhiều cánh đồng trong tỉnh, góp phần mang đến những vụ mùa bội thu.
Núi Ấn - sông Trà. ẢNH: LÊ VĂN THUẬN
Còn dòng sông Trà Bồng nổi tiếng với tác phẩm “Nhớ con sông quê hương” của nhà thơ Tế Hanh nằm về phía bắc của tỉnh, bắt nguồn từ những dãy núi cao của huyện Trà Bồng. Trên dòng chảy của mình, sông Trà Bồng còn có nhiều phụ lưu, là những con suối chảy dồn về như suối Trà Bói, suối Nun, suối Nguyên, suối Cà Đú... Sông chảy qua huyện Bình Sơn, đổ ra biển tại cửa Sa Cần. Hạ lưu phía đông huyện Bình Sơn có thế đất khá cao, nên sông Trà Bồng không còn chảy xiết như đoạn thượng nguồn, mà dòng chảy chậm hơn.
Sông Vệ bắt nguồn từ núi rừng huyện Ba Tơ, chảy theo hướng tây nam - đông bắc, giữa các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức. Sông Vệ đổ ra Biển Đông qua hai cửa biển, gồm cửa Lở và hợp với sông Trà Khúc đổ về cửa Đại Cổ Lũy. Sông Vệ có các phụ lưu như sông Liên, sông Tà Nô, sông Mễ... Ngoài ra, sông Vệ có các chi lưu như sông Thoa, các nhánh sông khác như sông Cây Bứa, sông Phú Thọ. Còn sông Trà Câu nằm về phía nam của tỉnh, bắt nguồn từ vùng núi huyện Ba Tơ. Ở cuối nguồn, sông Trà Câu nhập lưu với sông Thoa đổ ra cửa Mỹ Á.
Sông và người
Tùy theo mùa mà các con sông ở Quảng Ngãi lúc thì hùng vĩ, lúc nên thơ. Nhưng sẽ vô hồn nếu thiếu những con người và sinh hoạt của nó. Những con thuyền đánh cá, những chiếc ghe buôn sớm chiều trên sông là cảnh thường thấy ở mọi nơi.
Nhưng cảnh đặc thù có thể nhận ra, trên sông Trà Khúc xưa là những bờ xe nước chắn ngang sông, kỳ vĩ quay đưa nước lên đồng. Phía trung lưu có những cái ống cắm trên sông, người ta dắt đò đi dốc ống, đó là đánh bắt cá bống làm nên đặc sản cá bống sông Trà. Ở hạ nguồn có những người ngâm mình sâu trong nước, dắt theo chiếc chậu thau nổi trên mặt nước, đó là người ta đang nhủi don, cũng là một món đặc sản Quảng Ngãi.
Còn biết bao sinh hoạt mang tính đặc thù khác mà ta khó lòng biết hết. Ngoài việc cung cấp nước cho con người và cây trái, lòng sông từ nguồn chí biển cũng cung cấp thủy sản cho cuộc sống con người. Có rất nhiều tôm cá, từ thượng nguồn có cá niên, cá chình, ở trung lưu thì có cá tràu, cá diếc, cá rô, cá thác lác, ở hạ nguồn thì có các loài thủy sản nước lợ, như don, hến, lịch... Sông có nhiều đá thì có nhiều ốc đá, như sông Giang, sông Trà Bói. Sông có nhiều vực sâu thì có nhiều cá chình. Ở sông Vực Liêm phía tây huyện Đức Phổ có nhiều cá chình, nhiều người mê đi bắt cá chình thâu đêm suốt sáng, nên mới có câu ca: “Bao giờ sông hết cá chình/ Thì ta mới để cho mình ngủ chung”.
Tại vùng thượng lưu ngày nay có những hồ thủy lợi, hồ thủy điện. Tại vùng trung châu thì nổi tiếng là công trình thủy lợi Thạch Nham. Đó là những dấu ấn sâu sắc mà con người gắn cùng các dòng sông.
Người xưa với cảm nhận sông là thiêng, sông là cội nguồn sự sống, có lễ hội đua thuyền trên sông, có thả hoa đăng trên sông, cũng là dấu ấn tâm linh của con người đối với sông nước.
Sông - nguồn cảm hứng
Gắn thân thiết với đời sống con người, sông cũng khơi nguồn cảm hứng vô tận cho các trước tác. Một đêm trăng huyền hoặc vào giữa thế kỷ XIX, thi sĩ Cao Bá Quát đã lang bạc đến sông Trà Khúc, nơi có “bãi uốn, sông như sầu quặn khúc” hùng vĩ đã khiến ông cảm hứng viết nên hai bài thơ nổi tiếng “Trà Giang dạ bạc” và “Trà Giang thu nguyệt ca”, với những nét thơ trầm hùng: Trượng phu chống kiếm, đi thì đi! Hai bài thơ ấy được xem là kiệt tác thơ của Cao Bá Quát. Dòng sông có sức mê hoặc, khơi chí hướng, vô hình góp sức làm nên khí chất con người.
Hai bài thơ nổi tiếng của Tế Hanh (Quê hương, Nhớ con sông quê hương) đều gắn với dòng sông Trà Bồng quê ông. Thời Pháp thuộc có Borel, một nhân viên trồng trọt phụ trách tại Trạm Thí nghiệm Quảng Ngãi viết trên Tạp chí Kinh tế Đông Dương (B.E.I.C) năm 1906 nhan đề “Ghi chép về guồng xe nước ở tỉnh Quảng Ngãi” (nguyên văn tiếng Pháp Notes sur les Norias de la Province de Quảng Ngãi).
Chính sự mê hoặc của các guồng xe nước trên sông Trà Khúc khiến P.Guilleminet, Chánh sở Dân vụ, đã viết một chuyên khảo rất công phu mang tên “Một ngành công nghiệp An Nam: Các guồng nước ở Quảng Ngãi” (nguyên văn tiếng Pháp Une industrie Annamite: Les Norias du Quảng Ngãi). Cho mãi đến sau này, đây là chuyên luận chi tiết nhất, đầy đủ nhất và mang tính khoa học nhất về các guồng xe nước.
Thời hòa bình, các dòng sông tiếp tục khơi nguồn cảm hứng cho thơ và nhạc. Như nhạc sĩ Trương Quang Lục và nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu có ca khúc Hồ Thạch Nham mùa xuân sông Trà, nhạc sĩ Phan Quý và nhà thơ Nguyễn Ngọc Trạch viết ca khúc Chiều sông Re. Còn có bao nhiêu thơ nhạc thì không thể kể xiết.