Điều ít biết về những khẩu đại bác rền vang bên bến Bạch Đằng
Dàn đại bác M101 105mm rền vang trời tại bến Bạch Đằng, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh, mở đầu Lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bắt đầu bằng nghi lễ chào cờ trong tiếng rền vang của 21 loạt đại bác do đội pháo lễ thực hiện tại bến Bạch Đằng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Tiếng đại bác vang rền trên bầu trời Thành phố mang tên Bác không chỉ là lời chào mừng Đại lễ 30/4 mà còn là biểu tượng cho tinh thần bất diệt của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập, hòa bình và thống nhất đất nước.
Từ đầu tháng 4, Lữ đoàn 96 đưa 15 khẩu đại bác đến lắp đặt tại công viên bến Bạch Đằng (quận 1) để triển khai trận địa pháo phục vụ Lễ kỷ niệm 50 năm.
Các chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 96, Binh chủng Pháo binh, Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện màn khai hỏa các khẩu đại bác này.
Điều ít ai ngờ tới là những khẩu pháo 105mm M101 được sử dụng trong nghi thức trọng đại này vốn là chiến lợi phẩm thu được từ quân đội Mỹ trong thời kỳ chiến tranh.
Sau khi được tiếp quản, các khẩu pháo này được Quân khu 7 quản lý và bàn giao cho Lữ đoàn 96 (Binh chủng Pháo binh) để phục vụ trong các nghi lễ trọng đại của quốc gia.
Dù đã trải qua nhiều thập kỷ, các khẩu pháo vẫn được bảo quản cẩn thận và duy trì trong tình trạng tốt.
Chúng không chỉ là biểu tượng của một thời oanh liệt mà còn thể hiện khả năng bảo dưỡng và sử dụng hiệu quả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Pháo M101 thường được sử dụng để yểm trợ bộ binh trong giao tranh, thay vì đấu pháo với đối phương do chúng sở hữu tầm bắn ngắn.

Các khẩu pháo loại này được bố trí phía sau chiến tuyến, khai hỏa để tập kích đối phương khi lực lượng bộ binh xung kích gặp khó khăn, rồi nhanh chóng di chuyển trước khi bị bắn trả.

Tuy ra đời đã lâu, nhưng lựu pháo kéo M101 vẫn rất phổ biến và đang tiếp tục được tin dùng ở nhiều nước.

Pháo lựu M101 105 mm được Mỹ nghiên cứu chế tạo và sản xuất trong giai đoạn từ năm 1941 - 1953 bởi nhà máy chế tạo đại bác Rock Island Arsenal.

Khẩu pháo này có trọng lượng chỉ 2,2 tấn; dài 5,9 mét trong đó độ dài nòng pháo đạt 2,31 m.

Pháo sử dụng cỡ đạn 105x372R, độ nâng nòng pháo đạt từ -5 đến +66 độ, góc xoay nòng đạt 46 độ.

Khoảng cách bắn tối đa lên tới 11.200 mét với gia tốc đầu nòng đạt 472 m/s.
Tốc độ bắn từ 3 - 10 lần/phút, góc quay ngang 46 độ, tùy thuộc vào kỹ năng của khẩu đội.
Pháo sở hữu bộ càng có thể xếp mở cơ động, thiết bị chống giật thủy lực, khóa nòng trượt theo phương ngang và cơ chế nạp đạn riêng biệt.
Với độ chính xác cao và hỏa lực mạnh pháo chủ yếu được sử dụng để yểm trợ bộ binh tiến công.
Quân đội Mỹ sử dụng loại pháo này trong suốt Chiến tranh Thế giới II, chiến tranh Triều Tiên và tại Việt Nam. Sau đó loại pháo này đã xuất hiện trong nhiều cuộc xung đột lớn nhỏ trên thế giới.

Pháo hiện được sử dụng bởi hơn 40 quốc gia khác nhau nên đã từng có rất nhiều bản cải tiến, nâng cấp với nhiều mục đích khác nhau.

Việt Nam và Hàn Quốc đã cải tiến để biến lựu pháo M101 thành pháo tự hành.