Từ điển Gen Z: Biểu đạt 1001 cảm xúc chỉ bằng một chữ 'Ê', hài hước mà luôn đúng

Chỉ một chữ 'Ê' đơn giản nhưng tùy vào cách nhấn nhá, kéo dài hay lên giọng mà nó có thể mang cả trăm ý nghĩa khác nhau. Cùng khám phá những kiểu 'Ê' mà giới trẻ ngày nay thường dùng nhé!

Những ngày gần đây, khi lướt mạng xã hội, không ít lần chúng ta bắt gặp những comment bắt đầu bằng chữ “Ê” lặp đi lặp lại dưới nhiều bài viết. Tùy vào chủ đề được nói đến, mỗi chữ “Ê” dẫn đến một cách phản ứng khác nhau mà người đọc có thể “bắt sóng” ngay lập tức.

Mới đây, một tài khoản TikTok có tên @quangnham8 đã tổng hợp lại định nghĩa những chữ “Ê” của giới trẻ và nhận được nhiều lượt tương tác tích cực. Trong video, chàng trai chỉ ra một vài cụm từ bắt đầu bằng “Ê” và giải nghĩa cụm từ ấy được hiểu như thế nào trong thực tế.

Cụ thể, câu cửa miệng “Ê má” của nhỏ bạn, nghĩa là chắc chắn chuẩn bị có chuyện hay ho để nói rồi. Hay “Ê mày ơi” giọng nhẹ nhàng và mắt long lanh là biết chắc chuẩn bị muốn nhờ việc gì đó, 80% là muốn mượn tiền còn 20% xin tư vấn tình cảm.

Nếu có ai nhắn mà thêm dấu câu như “Ê?”, “Ê!” là đang nghiêm túc, không được kiếm chuyện với họ trong lúc này. Còn thấy “Ê ê ê” phải nhận ra ngay là gấp lắm rồi, có chuyện "nóng sốt" cần nói ngay kẻo nguội đi là thành “người tối cổ” mất.

Nguồn: @quangnham8

Ngoài ra, nhắc đến cú pháp “Ê biết gì không?” là cách mở đầu cho cuộc tám chuyện xuyên ngày đêm về chủ đề drama đang hot hay có cú “quay xe” nào đó cần phải kể cho nhau nghe ngay. Hoặc trong trường hợp nhỏ bạn thân đột nhiên nhắn câu này lúc nửa đêm để “tung hỏa mù” rồi biến mất làm chúng ta không thể ngủ tiếp được vì tò mò.

Ngoài những cách “Ê”, “Ê bây ơi” hay “Ê?” cho những trường hợp cụ thể, dường như giới trẻ ưa chuộng nhất cụm “Ê nha”. Một cụm dễ sử dụng, phù hợp với tất cả hoàn cảnh và tùy theo tông giọng có thể biểu đạt vô vàn cảm xúc.

Dưới phần bình luận cũng có rất nhiều câu nói hài hước được chia sẻ thêm đầy thú vị. Netizen cho rằng cụm “Ê nha = bất ngờ, hoảng loạn đồ đó” dùng để bổ sung thêm một cách biểu đạt trạng thái bất ngờ. Nhưng cũng có người bình luận “Ê nha = đồng tình, không đồng tình” là để giải thích đơn giản hơn về cách dùng cụm từ này.

Gen Z yêu thích cách sử dụng những từ ngắn khi giao tiếp. Ảnh chụp màn hình

Gen Z yêu thích cách sử dụng những từ ngắn khi giao tiếp. Ảnh chụp màn hình

Nhìn chung, việc giới trẻ mở đầu một câu chuyện bằng từ “Ê” đã trở nên phổ biến. Đây gần như một câu cửa miệng để cuộc trò chuyện diễn ra dễ dàng hơn. Nhiều bài viết viral cũng bắt đầu bằng cú pháp này để thu hút nhiều người tiếp cận đến bài viết, tạo cảm giác gần gũi và “bắt trend” với Gen Z. Với sự sáng tạo mới mẻ và "lắm chiêu", cảm thấy việc bình luận chữ quá đỗi bình thường, teen đã cho ra lò những chiếc “meme” hài hước để phục vụ cho việc comment dạo.

Chiếc bình luận được nhiều người sử dụng nhất để “thay lời muốn nói”. Ảnh chụp màn hình

Chiếc bình luận được nhiều người sử dụng nhất để “thay lời muốn nói”. Ảnh chụp màn hình

"Anh tài" Bùi Công Nam cũng không thoát được số phận làm meme. Ảnh chụp màn hình

"Anh tài" Bùi Công Nam cũng không thoát được số phận làm meme. Ảnh chụp màn hình

Chỉ với một chữ "Ê", giới trẻ có thể biến hóa thành hàng loạt kiểu giao tiếp khác nhau, mỗi kiểu lại mang một sắc thái riêng. Vì vậy, lần sau nếu có ai đó gọi "Ê!", đừng vội bỏ qua - biết đâu đó lại là một chuyện "động trời" đang chờ bạn khám phá!

Minh Thu (tổng hợp)

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/tu-dien-gen-z-bieu-dat-1001-cam-xuc-chi-bang-mot-chu-e-hai-huoc-ma-luon-dung-post1730738.tpo
Zalo