Làm gì để ngăn biến chứng sởi ở người lớn?

Theo chuyên gia y tế, phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng nhằm hạn chế lây lan và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm từ sởi. Khi có các biểu hiện như sốt cao, ho, tiêu chảy, phát ban… cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.

Nhiều người lớn biến chứng nặng

Bộ Y tế cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh nhất, mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh, không chỉ trẻ em. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc hoặc tiêu chảy,... thậm chí tử vong.

Ngày 17/4, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết đang tiếp nhận và điều trị một số ca mắc sởi là người lớn, ở độ tuổi 35-46 tuổi. Trong đó có ca diễn biến nặng, nguy kịch...

Một trường hợp người lớn mắc sởi có biến chứng nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC

Một trường hợp người lớn mắc sởi có biến chứng nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC

Điển hình là trường hợp một nam bệnh nhân (46 tuổi, Nghệ An) khởi phát sốt cao, ho, đi ngoài nhiều lần. Sau 3 ngày tự điều trị tại nhà không thuyên giảm, bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa TP Vinh.

Tại đây, tình trạng hô hấp xấu đi nhanh chóng, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc sởi biến chứng hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS). Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy, tuy nhiên độ bão hòa oxy trong máu rất thấp.

Trước diễn biến nguy kịch, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và ngay lập tức được chỉ định VV ECMO (hệ thống oxy hóa máu qua màng ngoài cơ).

Trường hợp khác là bệnh nhân L.T.S. (42 tuổi, Yên Bái) đang nằm viện sau mổ sỏi mật tại cơ sở y tế thì bất ngờ xuất hiện triệu chứng sốt cao, phát ban, ho, đau rát họng, viêm phổi và được nghi ngờ mắc sởi có biến chứng. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được điều trị tích cực, hỗ trợ thở oxy. Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân đã cắt sốt và tình trạng sức khỏe dần ổn định.

Trước đó, tại Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận ca tử vong sởi người lớn đầu tiên trong năm nay. Bệnh nhân tử vong mắc sởi trên nền bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đái tháo đường.

Từ đầu năm đến nay Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận hàng trăm ca sởi ở người lớn. Mỗi ngày viện tiếp nhận 10-20 bệnh nhân là người lớn mắc sởi với các triệu chứng sốt, phát ban, ho, chảy nước mắt, nước mũi.

Nhiều bệnh nhân diễn tiến nặng với biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, tiêu chảy,... thậm chí viêm não - màng não.

Kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất

BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) khuyến cáo, việc tiêm đủ hai mũi vaccine sởi là biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Người từng mắc sởi hoặc từng tiêm vaccine sẽ có miễn dich suốt đời. Những ai không rõ mình đã từng tiêm hay từng mắc bệnh nên đi tiêm nhắc lại nếu dịch bùng phát.

Vaccine sởi là vaccine sống giảm độc lực, chống chỉ định với người bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch. Với những đối tượng này, cần chủ động phòng tránh bằng cách đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người. Ngoài ra, người lớn cũng nên tiêm nhắc lại, không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn để bảo vệ cộng đồng xung quanh…

BS. Huyền nhấn mạnh, phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng nhằm hạn chế lây lan và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Khi có các biểu hiện như sốt cao, ho, tiêu chảy, phát ban… cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Đồng thời, nên cách ly người bệnh, giữ vệ sinh môi trường sống, rửa tay thường xuyên – đây là những biện pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa dịch bệnh.

Nhóm đối tượng nào có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc sởi?

Để giảm thiểu nguy cơ diễn biến nặng và tử vong liên quan đến bệnh sởi ở nhóm có nguy cơ cao diễn biến nặng, Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo:

Người có nguy cơ cao (người có bệnh phổi mạn tính, tiểu đường, cao huyết áp, người trên 50 tuổi), nhất là những người không rõ tiền sử tiêm chủng và chưa từng mắc sởi nên chủ động tiêm vaccine phòng sởi.

Người có nguy cơ cao khi xuất hiện những triệu chứng của bệnh sởi như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nặng của bệnh.

Cần hạn chế tiếp xúc với những trường hợp mắc sởi hoặc nghi mắc sởi. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc cần mang khẩu trang và vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với người bệnh. Cùng với đó, tăng cường vệ sinh thân thể, mũi họng, giữ ấm, nâng cao thể trạng để tăng cường sức đề kháng phòng bệnh sởi.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ thông thoáng môi trường nơi làm việc, học tập, sinh hoạt; vệ sinh thường xuyên các bề mặt nơi ở, sinh hoạt, làm việc, học tập...

Hoàng Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lam-gi-de-ngan-bien-chung-soi-o-nguoi-lon-10303914.html
Zalo