Cựu chiến binh xứng danh Bộ đội Cụ Hồ
Từ người lính trinh sát năm xưa đã cùng đồng đội vượt qua bao khó khăn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đến khi trở về thời bình, cựu chiến binh Nguyễn Trọng Lập tiếp tục phát huy phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, tận tâm cống hiến cho quê hương.
Ký ức về tháng 4 lịch sử
Tôi đến thăm ông Nguyễn Trọng Lập, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Thị trấn Quốc Oai tại nhà riêng ở Tổ dân phố Hoa Vôi, Thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội vào một ngày trung tuần tháng 4. Ở tuổi 70, ông vẫn nhớ như in những ngày tháng tham gia chiến đấu giải phóng đất nước năm 1975.
Năm 1973, khi đó chưa tròn 18 tuổi lại đang đi học nhưng nghe loa đài đưa tin, kêu gọi thanh niên lên đường chiến đấu, chàng trai trẻ Nguyễn Trọng Lập đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ và lên đường bảo vệ Tổ quốc. Vào quân ngũ, sau khi tham gia huấn luyện trong vòng 2 tháng, ông Lập được cử đi học hạ sĩ quan trinh sát tại Tiểu đoàn trinh sát 701, một trong những đơn vị chủ lực của Quân đoàn 1.

Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Lập không chỉ là người lính bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh mà còn là cán bộ tận tâm xây dựng quê hương trong hòa bình.
Sau đó ông tiếp tục được biên chế và trở thành tiểu đội phó của tiểu đội trinh sát thuộc Tiểu đoàn 5, lực lượng dự bị tổng chiến lược của Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Cuối tháng 2-1975, Nguyễn Trọng Lập cùng đồng đội hành quân thần tốc vào chiến trường miền Nam. Khi đó, Tiểu đoàn 5 được giao nhiệm vụ đánh chiếm tiểu khu Phú Lợi tại tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Bấy giờ, Phú Lợi là căn cứ quan trọng của địch trong tuyến phòng thủ Bắc Sài Gòn.
“Trên đường hành quân, chúng tôi được nghe tin quân ta đã đánh thắng tại một số cứ điểm, điều này đã khích lệ bản thân tôi cũng như đồng đội nên ai cũng lạc quan và hăng hái lên đường. Chúng tôi xác định đi là sẵn sàng hy sinh nhưng vì đồng bào nên rất quyết tâm, đoàn kết và vượt qua mọi khó khăn”, ông Lập nhớ lại.
Với ông Lập, những ngày tháng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là ký ức không thể nào quên. Ông bồi hồi kể về những gian khó lúc bấy giờ: “So với thế hệ cha anh thì cái khổ chúng tôi phải đối mặt vẫn chưa là gì, nhưng cũng đủ để hiểu chiến tranh ác liệt như thế nào. Khi đó, chúng tôi hành quân liên tục nhiều ngày trên đường Trường Sơn, bụi mù mịt không nhìn thấy đường, có cái hố nước đọng là ăn, tắm, giặt ở đó hết. Tình đồng chí, đồng đội giữa mưa bom, bão đạn cao cả lắm. Dù thiếu thốn đủ đường nhưng từ miếng ăn, áo mặc, điếu thuốc hút dở chúng tôi cũng san sẻ cho nhau”.
Cuối tháng 4-1975, Tiểu đoàn 5 cùng các lực lượng vũ trang nhận lệnh tiến công, giải phóng tỉnh Thủ Dầu Một. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Trung đoàn 165 hoàn toàn làm chủ cụm căn cứ Phú Lợi.
Cũng trong thời khắc lịch sử, khi lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, kỷ niệm sâu sắc nhất với ông đó là cùng đồng đội ngồi trên chiếc xe tăng của địch tiến vào đánh chiếm dinh tỉnh trưởng Thủ Dầu Một. Ánh mắt ông lấp lánh niềm tự hào: “Lúc giải phóng, chúng tôi ngồi trên chiếc xe tăng của địch vừa thu giữ tiến vào để bắt tỉnh trưởng của Thủ Dầu Một oai phong lắm”.

Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Lập (đứng hàng trước, đầu tiên từ trái sang) được UBND Thị trấn Quốc Oai trao Khen thưởng cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2011.
Sau khi giải phóng, ông cùng đồng đội nhận lệnh ở lại tiếp quản cụm căn cứ Phú Lợi trong 26 ngày đêm. Ông xúc động kể lại: “Có lẽ, ấn tượng nhất với tôi là hình ảnh nhân dân miền Nam từ hai bên đường ùa ra, vui mừng vẫy tay chào đón bộ đội chúng tôi. Trong tôi lúc đó là niềm hân hoan và tự hào khi đã hoàn thành nhiệm vụ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”...
Phát huy phẩm chất người lính, dựng xây quê hương
Tháng 10-1987, Đại úy Nguyễn Trọng Lập nghỉ hưu theo chế độ bệnh binh với tỷ lệ mất sức lao động 75% (trước đó ông là Trợ lý tham mưu Trung đoàn 114 Đặc công, Quân đoàn 26, Quân khu 1). Trở về thời bình, cựu chiến binh Nguyễn Trọng Lập tiếp tục phát huy những phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ. Năm 2001, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND Thị trấn Quốc Oai. Ông gương mẫu trong mọi hành động, luôn tích cực xây dựng các phong trào và phát triển quê hương.
Do đó, sau khi hết nhiệm kỳ, ông Nguyễn Trọng Lập tiếp tục được nhân dân tin tưởng bầu làm Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND Thị trấn Quốc Oai nhiệm kỳ năm 2004-2009 và Chủ tịch MTTQ Thị trấn Quốc Oai nhiệm kỳ năm 2009-2015. Khi đã ở tuổi xế chiều, ông tiếp tục cống hiến cho quê hương dưới vai trò là Chủ tịch Hội Người cao tuổi Thị trấn Quốc Oai từ năm 2015 đến năm 2019.

Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Lập (đứng đầu tiên từ trái sang) được các đại biểu tín nhiệm bầu làm Phó bí thư Đảng ủy tại Đại hội Đảng bộ Thị trấn Quốc Oai lần thứ XX nhiệm kỳ 2005-2010 ngày 16-7-2005.
Dù là thương binh và nhiễm chất độc màu da cam 41%, nhưng ông tâm niệm rằng, một trong những phẩm chất đáng quý của Bộ đội Cụ Hồ là tìm cách khắc phục khó khăn bằng mọi giá để hoàn thành nhiệm vụ, vì vậy, ông Lập luôn nỗ lực vượt qua, giữ gìn sức khỏe để lao động và công tác tại địa phương.
“Sau khi xuất ngũ, tôi vẫn luôn cố gắng tu dưỡng và rèn luyện đạo đức. Ở bất cứ vai trò nào, tôi cũng cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao để xứng đáng với sự tin tưởng, tin yêu của nhân dân dành cho mình”, ông Lập cho biết.
Nhận xét về cựu chiến binh Nguyễn Trọng Lập, ông Phùng Văn Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thị trấn Quốc Oai nói: “Ông Nguyễn Trọng Lập là thành viên gương mẫu, luôn tích cực, nhiệt tình vận động hội viên tham gia mọi phong trào do Hội Cựu chiến binh và chính quyền địa phương phát động. Đồng thời, ông chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, là tấm gương sáng điển hình của Thị trấn Quốc Oai”.