Từ bói toán qua mạng đến lừa đảo
Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok trở thành nơi kết nối mọi người, chia sẻ thông tin, giao lưu văn hóa cũng như giúp chúng ta học hỏi được những kiến thức hữu ích.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, mạng xã hội cũng là “mảnh đất” màu mỡ cho những hoạt động mê tín dị đoan, nhất là các hình thức bói toán, dự đoán vận mệnh.
Các “thầy bói”, “cô đồng” và những người tự nhận là chuyên gia tâm linh, thậm chí là các "thần y" hay thầy phong thủy lợi dụng sự tò mò, niềm tin của người dân để mời gọi, thuyết phục mọi người tham gia các buổi livestream miễn phí, sau đó dẫn dụ trả phí để xem vận mệnh hay hóa giải vận hạn, xui rủi.
Các chương trình bói toán trực tuyến này thu hút một lượng lớn người theo dõi, nhất là những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống, muốn tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề cá nhân như chuyện tình duyên, gia đạo, công danh, sự nghiệp hoặc sức khỏe. Không ít người tìm đến những buổi xem bói này như một hình thức để xoa dịu nỗi lo hoặc đơn giản là vì hiếu kỳ.
Tuy nhiên, bên cạnh những lời hứa hẹn về việc thay đổi vận mệnh hay hóa giải xui xẻo, không ít trong số các “cô đồng”, “thầy bói” trực tuyến lợi dụng sự cả tin của người dân để yêu cầu chuyển khoản phí lễ hay phí dịch vụ từ vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng để thực hiện các nghi thức "giải hạn".
Do mạng xã hội cung cấp nền tảng miễn phí và dễ dàng tiếp cận nên các "thầy bói online" không cần phải đầu tư quá nhiều nhưng lại có thể thu được lợi nhuận khổng lồ từ việc lừa đảo.
Một buổi livestream có thể thu hút hàng ngàn người xem, trong đó có không ít người tham gia sẽ đồng ý chi tiền để "giải hạn", "mở đường tài lộc" hoặc xem bói riêng tư qua tin nhắn, cuộc gọi video. Đến khi bị mất tiền, bệnh vẫn không khỏi, xui rủi vẫn không hóa giải được thì nhiều người mới vỡ lẽ vì mất tiền mà không thu được gì.
Chưa kể, khi tham gia các dịch vụ bói toán, người dùng thường phải cung cấp thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, địa chỉ hoặc số điện thoại. Các dữ liệu này có thể bị lạm dụng hoặc bán cho bên thứ ba, dẫn đến nguy cơ bị lừa đảo qua các hình thức khác.
Tình trạng bói toán và lừa đảo qua mạng xã hội hiện nay trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Những hoạt động này thường diễn ra trên không gian ảo, với những thủ đoạn tinh vi, khó kiểm soát.
Do đó, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng thì người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, không nên tin vào những lời hứa hẹn “thần thánh” từ các dịch vụ bói toán trực tuyến; hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân để giảm thiểu nguy cơ bị lừa đảo; đồng thời, cần cẩn trọng, tỉnh táo để tìm kiếm các giải pháp khoa học, hợp lý để giải quyết vấn đề trong cuộc sống thay vì dựa vào mê tín dị đoan./.